hành giả

Phật Quang Đại Từ Điển

(行者) I. Hành Giả. Phạm:Yogin. Cũng gọi Hành nhân, Tu hành nhân. Chỉ chung những người tu hành Phật đạo.Những người tu pháp môn niệm Phật là Hành giả niệm Phật; những người tu theo Mật pháp là Hành giả chân ngôn; những người chuyên trì tụng kinh Pháp hoa là Hành giả Pháp hoa, v.v… [X. kinh Quán vô lượng thọ; phẩm Cụ duyên trong kinh Đại nhật Q.1]. II. Hành Giả. Chỉ cho những người chưa xuất gia nhưng ở trong chùa làm công quả. Cứ theo Thích thị yếu lãm quyển thượng và Thiện kiến luật tì bà sa, thì người ở trong chùa mà chưa được xuất gia, chưa có áo, bát gọi là Bạn đầu ba la sa, tức là hành giả. Cứ theo điều Hành giả, môn Chức vị trong Thiền lâm tượng khí tiên, thì Hành giả ở Nhật bản cạo bỏ râu tóc, nhưng sinh hoạt giống như người thế tục; còn ở Trung quốc thì chỉ có các vị tỉ khưu và sa di mới cạo tóc, Hành giả thì không cạo và chỉ giữ 5 giới mà thôi. Hành giả trong Thiền lâm, tùy theo chức vụ mà có nhiều tên gọi như: Tham đầu hành giả, Lục cục hành giả, Phương trượng khách đầu hành giả, Phó tham hành giả, Khách đầu hành giả, Trà đầu hành giả, Cung quá hành giả, Môn đầu hành giả, Tang tư hành giả, Chấp cục hành giả, Đường tư hành giả, Khố tư hành giả, Cung đầu hành giả, Chúng liêu hành giả, Phương trượng hành giả, Khố tư khách đầu hành giả, Hát thực hành giả, Trực điện hành giả, Giám tác hành giả, Trực linh hành giả, v.v… Ngoài ra, Hành giả của Phương trượng gọi tắt là Phương hành, Hành giả của Tây đường gọi tắt là Tây hành, Hành giả của Hậu đường gọi tắt là Hậu hành, Hành giả của Giám tự gọi tắt là Giám hành, Hành giả của Phó tự gọi tắt là Phó hành, Hành giả của Duy na gọi tắt là Duy hành, Hành giả của Điển tòa gọi tắt là Điển hành, Hành giả của Trực tuế gọi tắt là Trực hành, Hành giả của Tri khách gọi tắt là Khách hành, Hành giả của Thủ tòa gọi tắt là Thủ hành, Hành giả của Tri điện gọi tắt là Điện hành, v.v… [X. điều Huấn đồng hành, chương Trụ trì trong Sắc tu Bách trượng thanh qui Q.2; Trì bảo thông lãm Q.hạ]. III. Hành Giả. Chỉ cho những người Sơn phục thuộc phái Tu nghiệm đạo của Nhật bản, họ thường tu khổ hạnh trong rừng núi hoang dã. Hai chữ Sơn phục nghĩa là vào núi báu pháp tính chân như, hàng phục vô minh phiền não . Ngoài ra, ở Nhật bản cận đại, những người mang theo một số hành trang nhất định, đi chiêm bái các danh sơn linh tích, cũng gọi là Hành giả. (xt. Sơn Phục).