HẠNG NGƯỜI CÓ TÍN TÂM VÀ HẠNG NGƯỜI KHÔNG CÓ TÍN TÂM

Sa môn Thích Hải Quang

Trả lời đạo hữu Quãng Tánh, Arlington, Virginia :
Phụ một đoạn nguyên thơ:

… Con là một Phật tử tại gia, bởi bận sinh kế hằng ngày nên ít khi có thời giờ rảnh rang để đến chùa lễ Phật, nghe Pháp. Tuy nhiên con cũng cố gắng tìm ít thời giờ để đôi khi đến chùa lễ bái, đọc kinh cho tấm lòng được thanh tịnh…

Nhưng thanh tịnh đâu thì không thấy mà mỗi khi đến chùa con lại nghe chuyện nầy, chuyện nọ, có khi nghe người nầy nói xấu người kia, người kia nói xấu người nọ, đầy cả lỗ tai, lại thấy những chuyện tranh cãi, giận hờn, mạ lỵ, vu khống lẫn nhau, lòng con lại càng thêm ngán ngẫm, đôi khi thối thất tâm chẳng muốn đến chùa, chẳng muốn gặp ai nữa, vì con nghĩ rằng trên đời nầy không có người lành (?), chi bằng ở nhà niệm Phật, tu tâm mà thôi.

Nhưng lâu lâu rồi nghĩ lại, ở nhà hoài thì không có người thường xuyên nhắc nhở, đạo tâm mình ngày càng lui sụt thêm…

Xin thầy từ bi ban cho con lời chỉ dạy…

*********

Trả lời :
Đạo hữu,

Xin gắng nghĩ rộng thêm một chút nữa, chớ nên vì thấy thế mà vội buông lòng chán nản, kết luận rằng trên đời nầy chẳng có người lành!

Phải biết rằng:

Đời nay người lành tuy ít hơn người dữ thật đó, nhưng đâu nên nói rằng không có, chỉ tại vì mình vô duyên chưa gặp mà thôi.

Hơn nữa trên cõi đời nầy tâm tánh của đa phần chúng sanh thì dữ nhiều, lành ít. Vả lại, thời buổi mà ta đang sống hiện tại đây kinh gọi là “mạt pháp”, cho nên ác tâm của sanh loại mỗi ngày càng thêm lừng lẫy, tựa như lửa cháy được chế thêm dầu… do đó mà sanh khởi ra không biết bao nhiêu là tội lỗi, cùng với những sự thị phi, thương ghét, vv… nhiều không xiết kể.

Là người Phật tử biết đạo, ta chỉ nên ngó lại và quán xét tâm tánh của mình, rồi y theo lời Phật dạy mà lập nguyện chân chánh tu hành để xác định cho mình một hướng đi chắc thật. Còn nếu như cứ mãi phóng tâm theo tiếng đời nhạt nồng tẻ lạnh, ắt sẽ sanh ra dạ buồn phiền, ban đầu ít, dần dần sẽ nhiều thêm, kế đó rồi chán nản, thối thất tâm tốt đã phát ban đầu, kết cuộc bỏ dở việc tu hành (đã có) khi trước thì oan uổng lắm vậy !

Nhân loại có nhiều hạng người với những tâm tánh thiện ác, lành dữ khác nhau, nhưng gom lại chỉ có hai hạng chánh sau đây:

Một là hạng người có tín tâm.

Hai là hạng người không có tín tâm.

1/- Y theo lời Phật dạy người có tín tâm thời gọi là lành, người không có tín tâm thời chẳng gọi là lành.

2/- Lại nữa phải nên phân biệt rằng người tín tâm cũng có hai loại, ấy là:

Người đến chùa.
Người chẳng đến chùa.

Người đến chùa thời gọi là lành, người chẳng đến chùa thời chẳng gọi là lành.

3/- Người đến chùa cũng có hai loại, ấy là:

Một là có lễ bái.
Hai là không có lễ bái.

Người có lễ bái thời gọi là lành, người không có lễ bái thời không gọi là lành.

4/- Người có lễ bái cũng có hai loại, ấy là:

Một là hết lòng nghe pháp.
Hai là chẳng hết lòng nghe pháp.

Người hết lòng nghe pháp thời gọi là lành, người chẳng hết lòng nghe pháp thời chẳng gọi là lành.

5/- Người hết lòng nghe pháp cũng có hai loại, ấy là:

Một là suy gẫm ý nghĩa.
Hai là chẳng suy gẫm ý nghĩa.

Người suy gẫm ý nghĩa thời gọi là lành, người không suy gẫm ý nghĩa thời chẳng gọi là lành… vv……..

Trên đây là lời dạy được thuyết ra từ nơi kim khẩu (miệng) của Phật. Là người Phật tử tu học theo Phật pháp, ta há lại không nương vào các phần giáo nầy để suy gẫm hay sao ?

suy gẫm như thế nào ?

suy gẫm rằng:

Ta đi chùa, trước là để lễ Phật để gieo kết duyên lành, sau nữa là học hỏi giáo lý ở nơi các bậc tôn túc trong cửa đạo, cho tâm tánh ta được rộng khai, lòng từ bi ta rộng phát, hạt giống bồ đề sẵn có nơi tự tâm được cơ duyên đâm chồi, nẩy mộng, hầu lợi ích trong bước đường lập hạnh tu chơn, chớ đâu phải đến chùa là để thu thập lấy các điều chán nản.

Phải hiểu rằng, ta tu học đây trước hết là sửa đổi tâm tánh và độ thoát cho ta. Khi ta đã được tự độ rồi thì sau đó ta mới độ cho kẻ khác (độ tha) được.

Tại sao ?

Bởi lẽ nếu công quả của ta chưa tròn, thì làm sao nói đến việc độ người cho được.

Ví như có kẻ thân đang mang bệnh nặng, gần chết đến nơi rồi mà lại nai lưng ra mang vác gánh nặng cho người, lý ưng sao phải.

Cho nên tổ sư có dạy rằng:
… Tu đức, độ mình,
 Độ khắp thế nhân…

Và:
Tự độ, độ tha,
Tự giác, giác tha.

Nghĩa là:

(Mình độ và giác mình trước rồi sau đó mới độ và giác cho người) chính là như vậy.

Cho nên phàm những kẻ muốn ra gánh vác việc độ tha, trước hết phải tu bồi chữ Đức. Các bậc thánh hiền xưa nay đều lấy đức để độ người, điều ấy trong kinh sách cũng đã từng dạy như vậy.

Cho nên hai chữ “Đức độ” thường đi đôi với nhau là thế (chớ có nghe nói Tài độ bao giờ đâu).

Người biết Phật pháp đừng nên vì:

Hoặc chưa được điều như ý,

Hoặc thấy việc không vừa lòng,

Hoặc chán ngán người đời gian hiểm,

Hoặc thấy chúng sanh phiền não lẫy lừng, vv… mà sanh lòng  thối nản, phế bỏ đạo tâm.

Như thế thì đâu phải là người có trí!

Ta tu hành, tụng kinh, niệm Phật đây trước hết hỏi là tu cho ai ?

Chính là tu cho ta chớ nào có phải là tu cho chùa, cho ông thầy, hay cho một ai khác đâu… Do vì hiểu được như vậy rồi, cho nên mặc kẻ thế nhân lành dữ, mặc cho tiếng đời thương ghét, thị phi,… sự tu tâm, lập hạnh của ta, ta cứ một dạ vững bền.

Ấy mới gọi là “không thối chuyển” vậy.

Bằng chẳng như thế, nghĩa là cứ để cho tâm mình cuốn lôi theo duyên đời đưa đẩy, rồi sanh lòng buồn, vui, giận, ghét theo các điều mắt thấy, tai nghe… ắt hẳn sẽ mãi mãi làm một chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử mà thôi, bao giờ mới giải thoát được !

Còn nếu như nói rằng:

“Ở nhà niệm Phật tu tâm, tức là không cần phải có thầy chỉ dẫn…” thì điều ấy rất sai lầm.

Sách có câu rằng:

Không thầy đố mầy làm nên…

đạo hữu há không biết sao !

Nơi chốn trường đời, người dạy dỗ, dắt dìu ta từ lúc vỡ lòng cho đến khi trở thành kẻ hữu dụng trên xã hội, hỏi đó là ai nếu không phải là bậc thầy thế gian ?

Còn trong cửa đạo, nếu không có bậc đạo sư dẫn dắt thì ta làm sao nên được trang hiền đức, làm sao biết được đâu là nẻo chánh chơn, đâu là đường tà quấy ?

Vả lại :

Trên con đường lập tâm tu học, nếu như không có người (minh sư, thiện hữu) thường xuyên nhắc nhở tất nhiên đạo tâm của ta sẽ dần dần phai nhạt.

Có người thường xuyên khuyên nhắc mà ta còn quên và  giải đãi (làm biếng) thay, huống chi là không có ư, thử hỏi sẽ như thế nào ?

Lại nữa nơi chốn tư gia, việc nhà bận rộn, con cháu buộc ràng, phần sinh kế hàng ngày chiếm gần hết thời giờ thường nhật… tất nhiên đường tu của ta phải ít nhiều bị ảnh hưởng (hoặc là đình trệ hẵn đi). Phải nên cố gắng dành chút thời giờ, thỉnh thoảng đến chùa lạy Phật, tụng kinh hay tham cầu, học hỏi nơi các hàng tri thức trong cửa đạo để còn được có người bạn tốt (thiện hữu) nhắc khuyên trên đường tu niệm.

Có vậy đạo tâm đã phát mới được vững bền. Bằng chẳng như thế thì sớm muộn chi “nguyện tâm” ban đầu cũng bị thời gian (và nghiệp chướng cản ngăn) làm cho xao lãng.

Phải nên cẩn thận điều nầy, chớ quên.

 

*********

Sám Nguyện Tâm

Vì sao mà tâm Bồ đề nầy có tên là Sám Nguyện ‌

Ý nghĩa của hai chữ Sám Nguyện ấy như thế nào‌
Xin tạm thời hiểu theo ý nghĩa sau đây :

1/- Sám:Ðây tức là sám hối, ăn năn, cải sửa lại những tội lỗi, sai lầm của mình bằng cách “chí một lòng thành” lễ bái, dâng tâm ăn năn, cải hối ấy lên đấng Thế Tôn, nguyền được bậc đại đạo sư [2] trong tam giới chứng minh, dùng nguyện lực từ bi rửa sạch hết mọi lỗi lầm mà ta đã vô tình hay cố ý mắc phải.

2/- Nguyện:

Tức là phát khởi lên từ trong tâm tưởng một lời thề, hứa kiên cố, vững bền, nhất quyết theo đuổi ý định, mục đích, hoặc công việc (lành, tốt) nào đó cho đến lúc đạt thành, không vì bất cứ lý do nào mà thối chuyển, lui sụt lời thề hứa đó đi. Dâng lời nguyện ấy lên đấng Thế Tôn, bậc đại đạo sư trong tam giới [3] xin từ bi, thương xót chứng minh, hầu được Ngài dùng tâm kim cang [4] gia hộ, khiến cho lời nguyền kia được “bất thối chuyển” và đạt thành kết quả.
Vậy người Phật tử chúng ta phải phát nguyện như thế nào mới xứng hợp được với bi tâm của Phật ‌
Người Phật tử phải nên nguyện như thế nầy:
– Nguyện được sanh về tịnh độ của mười phương chư Phật (nói chung) và riêng cõi Tây Phương Cực Lạc của đức A Di Ðà Như Lai, dự vào trong chín phẩm sen, thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử…
-Nguyện được chứng quả vô thượng Bồ đề
-Nguyện đem pháp mầu giải thoát của chư Phật độ khắp chúng sanh, khiến cho các loại hàm linh đều được bỏ mê về giác, phản vọng quy chơn, rốt ráo chứng thành Phật quả.

tất cả các lời nguyện ấy được gom vào trong bốn câu kệ sau đây:

chúng sanh vô biên thề nguyện độ,
Phiền não vô tận thề nguyện dứt,
Pháp môn vô lượng thề nguyện học,
Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.

Nghĩa là :

Vô số chúng sanh con nguyện độ,
Phiền não không ngằn nguyện dứt trừ,
Pháp Phật bao la con nguyện học,
Phật đạo vô thượng nguyện đạt thành.

Nguyện như thế mới được gọi là xứng hợp với Phật tâm.

 

********

Hỏi:

Vì sao người Phật tử lại cần phải phát tâm Sám Nguyện ‌

Ðáp:

Nay chia câu hỏi ấy ra làm hai phần khác nhau. Một là Sám, hai là Nguyện để tiện bề giải đáp.
Trước hết xin nói đến việc tại sao người Phật tử cần phải phát Sám tâm.
Sám đây tức là sám hối.
Sở dĩ người Phật tử phải phát tâm sám hối là vì các nguyên do như sau:
a/- Trong vô số kiếp luân hồi của ta kể từ vô thủy (là không có mức khởi đầu) cho đến ngày nay, vì vô minh, tham ái phủ che khiến cho chơn tánh (chơn ngã) của ta phải bị mê mờ đi, do đó nên Thân, Khẩu, Ý gây tạo ra không biết bao nhiêu điều lầm lạc.
b/-Lại nữa, do từ nơi ngã và ngã sở chấp (chấp lấy cái ta và cái của ta) chỉ muốn giữ phần lợi cho riêng mình mà không cần quan tâm đến những tổn hại của người khác…vì thế mà (hoặc vô tình, hoặc cố ý) làm não hại đến vô lượng chúng sanh, tạo ra vô biên tội nghiệp, oan trái chất chồng…Chẳng những làm tổn hại cho chúng sanh không thôi, mà đôi khi lại còn hủy nhục cả đến các bậc chân tăng, hiền thánh nữa. Thậm chí đến chư Phật, Bồ tát vì tâm đại bi, thị hiện ra nơi đời dùng ngàn muôn phương tiện khéo léo thuyết pháp độ sanh, cứu khổ hữu tình, trong đó có luôn cả ta nữa. Ấy thế mà ta chẳng biết đền báo thâm ân, lại còn thêm sanh lòng rẻ khinh, sát hại…Ðối với ba ngôi cực tôn, quý là Phật, Pháp, Tăng lại còn gây tạo ra vô lượng sự hủy phá, vong ân,… những tội nghiệp như thế kể sao cho xiết…
…Nay ta may mắn còn chút duyên lành dư lại từ nơi kiếp trước, nên mới gặp được bậc thiện tri thức dạy dỗ, dắt dìu, khiến cho hiểu được đôi điều đạo lý, thấy biết ít sự lỗi lầm…

Cho nên:

– Ta phải phát tâm hổ thẹn, ăn năn, đem ba nghiệp (Thân, Khẩu, Ý) ra mà chí thành sám hối, dâng sự hối quá ấy lên mười phương chư Phật chứng tri, cầu cho tội tiêu, chướng diệt.
– Như vậy mới gọi là không uổng danh làm người Phật tử.

Ấy gọi là bỏ chỗ tối tăm, về nơi sáng sủa vậy.

 

*********

Hỏi:

Bạch thầy, thế nào gọi là đem ba nghiệp chí thành sám hối ‌

Ðáp:

Ba nghiệp ấy không phải đâu xa lạ mà nó chính Ta và ở tại trong ta : ấy là Thân nghiệp, Khẩu nghiệp,và Ý nghiệp đó.
*********

Hỏi:

Bạch thầy, vì sao ta phải sám hối thân nghiệp ‌

Ðáp:

Phải sám hối thân nghiệp là như thế nầy:Như lời Phật dạy…Thân là nguồn gốc của tất cả khổ, là nguyên nhân của mọi hình phạt và quả báo nơi chốn tam đồ. chúng sanh chúng ta do nơi ngu muội, nên:

-Chỉ biết có thân mình chớ chẳng cần biết đến thân người khác.
-Chỉ biết khổ của mình, chớ chẳng nghĩ đến khổ của người khác.

-Chỉ biết mình cầu được yên vui, mà không biết rằng người khác cũng mong muốn an vui…

Lại nữa, vì do ngu si cho nên khởi ra tâm bỉ ngã (ta và người), từ đó mà sanh ra ý tưởng thân, sơ [5] , dần dần kết thành oán đối lẫn nhau, gây nghiệp oan trái nối luôn đời đời, kiếp kiếp.
Kinh dạy: thân nghiệp có 3 lỗi lớn.Ðó là:
-Sát sanh.
-Trộm cắp.
-Tà dâm.

Từ nơi ba lỗi chánh nầy làm gốc mà phát sanh ra các thứ tội lỗi phụ thuộc khác nữa, số nhiều vô lượng, vô biên không sao kể xiết.

Nay ta đã biết đạo rồi, bình tâm xem lại tự thân thấy quả nhiên đó là một đại nguyên nhân gây ra tội lỗi. Cho nên phải đem thân sám hối là vậy.
*********

Hỏi:

Phảisám hối thân bằng cách nào ‌

Ðáp:

Phải đem thân lễ kính Tam bảo, nghĩ biết rằng sắc thân của ta đây vốn dĩ Vô Thường, nhiều bệnh hoạn khổ đau và hằng luôn đổi thay, chuyển biến… rốt lại thân nầy tuy là của ta mà thật ra ta chẳng thể nào chủ trì hay chỉ huy nó được.
Vậy thì thế nào mà gọi là thân của ta ‌
Biết như thế rồi thì ta phải tự nhủ lòng rằng:
Nay ta chớ quá lệ thuộc vào THÂN và đừng nên vì thân nầy mà gây tạo ra ác nghiệp.
Ðó là một cách kiến hiệu nhất để dứt trừ các lỗi thuộc về thân nghiệp. Nếu hiểu và hành được như thế thì mới gọi là sám hối thân nghiệp chân chính.
*********

Hỏi:

Bạch thầy, thân nghiệp thì phải sám hối như thế, còn khẩu nghiệp vì sao lại cũng cần phảisám hối nữa ‌

Ðáp:

Như lời của Phật dạy:
“Miệng là cửa ngõ của tất cả oán họa…” quả báo của khẩu nghiệp nặng nề đứng vào bậc nhất.
Há chẳng nghe nói rằng : “Họa tùng khẩu xuất” hay sao ‌

Kinh nói :

khẩu nghiệp có bốn lỗi lớn.
Ðó là:
-Nói láo.
-Nói hung ác.
-Nói thêu dệt.
-Nói hai chiều.
Do vì bị bốn cái nghiệp ác khẩu nầy hành xử mà chúng sanh (chúng ta)gây tạo ra vô lượng, vô biên tội lỗi… hoặc nói lời bay bướm, ngọt ngào, giả dối, lừa gạt, ngôn, hành trái nhau, vv… [6]. Một khi mà ác tâm đã sanh khởi ra rồi thì chẳng (cần) nói đến người khác làm chi, ngay chính đến cả cha mẹ, sư trưởng… không một điều xấu nào (của họ hoặc cho họ) mà ta chẳng nói, không từ một lời ác độc, trù rủa nào cả, hoặc nói lời ly tán khiến cho cốt nhục chia lìa, không nói thành có, có nói ra không, điên điên, đảo đảo, phản phúc khôn lường…
Nếu như nói về cá nhân, thì không một điều đức hạnh nào mà (ta) chẳng có, còn khi nói đến người khác thì không một điều xấu xa nào (của họ) mà được ta quên, Thậm chí lại còn bình phẩm luôn cả các bậc thánh hiền, chê bai Trời, Phật, kinh điển… chỉ biết nói cho sướng miệng mà không cần nghĩ biết đến các quả báo ác khẩu về sau…

Trong kinh “tương ưng bộ,” Phật có dạy rằng:

-“ Trên thế gian có bốn hạng người sau đây:

1/- Hạng người không ai hỏi về “cái tốt” của mình mà cứ nói, huống hồ chi là có hỏi !
(Ðây là lỗi tự khoe khoang mình rất là tổn đức – chỉ có kẻ tiểu nhơn mới làm như vậy).
2/- Hạng người có ai hỏi đến cái tốt của người khác, thì chỉ nói ngập ngừng, bập bẹ như con nít mới học nói,huồng hồ chi là không hỏi !
(Ðây là lỗi dìm che điều tốt của người – rất là tổn  phước chỉ có kẻ tiểu nhơn mới làm như vậy).
3/- Hạng người không ai hỏi đến cái xấu của kẻ khác, mà cứ nói, huống chi là có hỏi !
(Ðây là lỗi giết hại người mà không dùng đao kiếm, rất là tổn đức. Chỉ có kẻ âm hiểm, ác độc mới làm như vậy).
4/- Hạng người có ai hỏi đến cái xấu của mình thì che giấu, huống chi là không hỏi ! ”
(Ðây là lỗi dối trá, xảo quyệt, nguỵ quân tử (quân tử giả hiệu).

Kinh gọi là:

-Người không biết tàm qúy [7]

Bốn điều nầy chúng ta ai mà lại không ít nhiều vướng phải !

Thật là vô cùng hổ thẹn !
Nay ta đã biết đạo rồi. Tự nghĩ nhớ lại các khẩu nghiệp đã qua, thấy quả nhiên cái miệng của mình là một đại nguyên nhân gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi mà cảm thấy rùn mình ghê sợ…
Cho nên phải sám hối khẩu nghiệp là như vậy.
*********

Hỏi:

Bạch thầy, sám hối khẩu nghiệp bằng cách nào

Ðáp:

Nay dùng cái “miệng tội lỗi” ngày xưa đó mà chuyển phát ra những lời ca tụng, tán thán công đức của chư Phật, tuyên nói những điều lành, khuyên bảo kẻ khác tu hành, niệm Phật, tụng kinh, thề trọn đời không dùng miệng lưỡi đó nói ra những lời thô tục, hổn láo…Ðối trước Tam bảo thành kính tỏ bày tội lỗi chẳng dám dấu che. (Kinh gọi là phát lồ sám hối).
Cũng cùng một cái miệng lưỡi đó, mà ngày xưa gây tạo ra biết bao ác khẩu nghiệp, thì ngày nay tạo dựng được vô lượng công đức, phước lành…
Như thế mới gọi là sám hối khẩu nghiệp chân chánh vậy.
*********

Hỏi:

Bạch thầy, vì sao lại phải sám hối ý nghiệp ‌

Ðáp:

Người Phật tử phải sám hối ý nghiệp là vì như thế nầy:
-tất cả năm thức từ nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức [8], Sở dĩ gây nên vô số tội lỗi đều là do ở nơi ý thức chủ sử (làmđầu) cả.
Ý thức nầy cũng ví như mệnh lệnh của ông vua sai khiến quần thần vậy.
-Này, mắt ưa nhìn ngắm (bậy),
-Tai ham nghe tiếng uyển, giọng kèn,
-Mũi ưa ngửi mùi hương hoa, son phấn,
-Lưỡi phát ngôn tà quấy, thô tháo, …
-Thân ưa thích xúc giác mịn màng, …

tất cả tội nghiệp gây ra từ nơi năm thức đó, đều do chủ nhân ông là Tâm (tức là cái Ý thức) mà phát sanh ra hết.

Rốt lại phải bị đọa vào trong ba ác đạo, chịu vô lượng thống khổ nơi địa ngục, ngạ qủy, súc sanh…. Ðó là do tự mình gây tạo ra, rồi tự mình tiêu diệt lấy mình…
Ngần những mối đại khổ ấy thiệt là do ở “tâm ý” mà ra cả.
Kinh nói:
-“… Phòng ý như phòng thành.”
-“Giữ Tâm như giữ gìn tròng con mắt.” Chính là vì để ngăn ngừa các “Tâm hành” [9] của ác Ý đó vậy.

Lại nữa, người Phật tử phải nên hiểu thêm rằng, một khi mà tâm ý đã khởi lên niệm giận tức ấy là đã tạo thành một đám giặc lớn ở trong tâm, giặc ấy sẽ dần dần tiêu hủy hết tất cả công đức phước lành của mình.

Vì thế nên Phật dạy rằng:
“Giặc cướp công đức, không gì hơn (TÂM) giận tức.”
Tại sao ‌
Vì khi “tâm giận tức” nổi lên, tất phải lẫy lừng gây nghiệp, do đó mà ngàn muôn chướng ngại lập tức hiện ra, ngăn che đạo thánh, lấp mờ Phật tánh… Như chướng chẳng muốn nghe pháp, chướng chẳng có lòng từ, chướng phải đọa vào trong địa ngục, chướng mất chánh niệm, trí tuệ, chướng xa lìa bậc thiện tri thức, chướng mất chánh kiến, chướng làm bạn với tà ma, vv… Như thế muôn ngàn chướng ngại trước sau đều lần lượt sanh khởi…
Cho nên vì bị một niệm giận tức, mà phải lãnh chịu bao nhiêu chướng nạn như vậy.

Bởi thế nên Phật dạy rằng :

Nhứt niệm sân tâm khởi,
Bá vạn chướng môn khai…

Nghĩa là:

Một niệm oán thù vừa chớm khởi,
Ngàn muôn cửa chướng thảy đều khai…

Chính là như thế.

 Kế đó lại cần phải nghĩ thêm nữa rằng:
Khi giặc giận tức đã khởi lên rồi, thì cho đến cha mẹ, vợ con, thân tộc, vv… cũng còn chẳng khứng dung thay, huống chi là đối với các chúng sanh khác giòng, khác tộc. Lúc đó chỉ còn biết có một việc là sát hại, oán thù, trăm kế ngàn mưu, chẳng một điều độc hiểm nào mà không nghĩ đến. Như không được vừa ý, toại lòng thì chẳng có một việc gì, vật nào là không bị vạ lây, khốn ách…
Cho nên một khi Thiên tử phẩn nộ, thì xác chết ngổn ngang muôn dặm, nguyên soái, tướng quân mà nổi giận thì xương trắng chất chồng. Trong khi gây ra “tội lỗi đại ác” như thế, thì đâu có còn nói là tôi nay theo Phật tu hành, làm lành, lánh dữ chi chi nữa ! Chỉ e làm như thế cũng chưa phải là thâm, là hả được lòng oán giận của ta…
Tội của Ý như thế đó, nên xưa nay kẻ trí, ngu, hèn, quý… không một ai qua khỏi được…
Cho nên phải sám hối ý nghiệp là như vậy.
*********

Hỏi:

Bạch thầy, phải sám hối ý nghiệp bằng cách nào‌

Ðáp:

Trước hết phải nghĩ rằng ba nghiệp Tham, Sân, Si của Ý là mầm mống gây tạo nên vô lượng nghiệp tội, là màng vô minh che mất trí huệ, là Phiền não bao phủ chân tâm. Thật rất đáng nên ghê sợ.
Nghĩ biết như vậy rồi, phải một lòng thành kính, đem hết tâm ý sám hối, ăn năn thề không tái phạm nữa.
Dâng tâm ý thành khẩn đó lên đức Thế Tôn, bậc đại đạo sư trong tam giới cầu xin chứng minh, dùng nguyện lực và sức đại bi hộ trì, trừ sạch hết trần lao (cho ta), lộ bày ra tánh Phật.
Như thế mới gọi là sám hối Ý nghiệp chân chánh vậy.
*********

Hỏi:

Nay con đã hiểu rõ thế nào là sám hối tam nghiệp tội rồi, nhưng con cũng còn muốn hỏi thêm nữa để làm duyên phát khởi tâm cho các hàng Phật tử khác.

Xin thầy hoan hỷ cho.

-Bạch thầy, trong ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý, nghiệp nào nhẹ nhất và nghiệp nào nặng nhất Ðáp:

Ý nghiệp nhẹ nhất, khẩu nghiệp nặng nhất.
*********

Hỏi:

Bạch thầy, vì sao cái ý nó chủ sử hết tất cả mà nó lại nhẹ tội hơn ‌

Ðáp:

Hãy nghe. Cái ý tuy là chủ sử, nhưng Sở dĩ nó ít tội hơn hai nghiệp kia là vì :
a/- Ý tuy khởi lên ác nghiệp, dầu cho có lẫy lừng thế mấy đi chăng nữa, mà thân vẫn chưa hành động theo, nên không kết thành được tội. Ví dụ như Ý muốn giết hại đối phương, nhưng thân nó không chịu cầm dao, kiếm, vv… thì làm sao hại người cho được.
Như vậy, Sở dĩ Ý ít tội hơn là vì tuy có sanh khởi mà không có tác dụng hộ trợ của thân, hay nói cách hơn là bị thân ngăn cấm vậy.
b/- Còn cái Khẩu bị tội nặng hơn là vì :
Ý vừa mới khởi ác, thân chưa hành động trợ ác, mà cái khẩu đã thốt ngay ra lời hung ác rồi.
Cái thân chưa giết hại người mà miệng đã thốt ra lời hăm he, dọa nạt, ý vừa muốn chửi rủa, hủy nhục, thân chưa lộ bày ra hành động cử chỉ hung hăng, mà cái Khẩu đã thốt ra lời nguyền rủa, đọa mạt rồi…
Cho nên, như trên vừa nói:
-“Miệng là cửa ngõ của tất cả oán họa…là tội báo nơi chốn A tỳ, là lò thiêu to lớn đốt cháy hết bao nhiêu công đức vậy…”
… Vì thế cho nên người có trí huệ, biết suy xét chơn thật, đều phải luôn gìn giữ cái khẩu nghiệp của mình.
Phải nên nhớ rằng:
-Cũng cùng một lời nói mà khiến cho người trọn đời yêu mến mình.
-Cũng cùng một lời nói mà khiến cho người ghét hận, oán thù mình trọn kiếp.
-Cũng cùng một lời nói mà khiến cho nên nhà cửa, ruộng vườn.
-Cũng cùng một lời nói mà khiến cho tán gia, bại sản.
-Cũng cùng một lời nói mà khiến cho nên giang sơn, sự nghiệp.
-Cũng cùng một lời nói mà khiến cho quốc phá, gia vong…

và còn biết bao nhiêu các tai hại khác nữa (kể sao cho xiết).

Ôi ! cái khẩu nghiệp nó tác hại ghê gớm như thế đó.
Vậy cho nên:
Người Phật tử phải ráng để tâm ghi nhớ mà phát lòng gìn giữ khẩu nghiệp của mình.
Chớ có quên.
*********

Hỏi:

Nay con đã biết khẩu nghiệp nó dữ dằn, ghê sợ như vậy. Con thề từ đây cho đến trọn đời, luôn luôn gìn giữ lời nói của mình không dám sơ hở. Nhưng cũng có những kẻ ít căn lành, lại không thường được gần gũi bậc thiện tri thức để cầu học hỏi.
Giả sử như nếu con có nhân duyên phải giáo hóa nhắc nhở cho họ, con phải khuyên nhủ như thế nào, để may ra họ có thể thấy, biết mà phát lòng gìn giữ, hầu tránh gây khẩu nghiệp về sau ‌

Ðáp:

Lành vậy thay. Nay đạo hữu đã phát tâm vì người giáo hóa mà hỏi rộng nghĩa như vậy. Tôi há không vì tâm ấy mà giảng rộng thêm nữa hay sao‌
Hãy nghe cho kỹ :
Trong quyển Long Thơ Tịnh Ðộ Văn, ngài Long Thơ cư sĩ (nguyên là một vị Bồ tát ứng thân) có dạy rằng:
-Khẩu tụng Phật danh, như thổ châu ngọc Thiên đường, Phật quốc chi báo.
-Khẩu thuyết thiện sự, như phún thanh hương – Xứng nhơn trường đồng.
-Khẩu tuyên giáo hóa, như phóng quang minh – Phá nhơn mê ngữ.
-Khẩu ngữ thành thật, như thơ bố bạch Thiệt tế nhơn dụng.
Các câu kệ trên có ý nghĩa như sau:
-Miệng niệm tên Phật (bất cứ tên vị Phật nào cũng được), như nhả ra châu ngọc
– Sẽ được cái quả báo sanh về cõi trời, nước Phật vậy.
-Miệng nói ra việc lành, như phun ra mùi hương thơm – Sẽ được cùng tốt y như điều mình khen nói cho người vậy.
-Miệng thốt ra lời giáo hóa, dạy dỗ cho người, như phóng ra ánh-sáng đẹp đẽ – phá trừ hết ngu si, tăm tối (của bọn tà ma ngoại đạo)... vậy.
-Miệng thốt ra lời thành thật, như lấy vải lụa quý mà trải ra – Bố thí cho người dùng khỏi cơn lạnh lẽo thiếu thốn vậy.
Vẫn chưa hết, Ngài còn dạy thêm nữa rằng:
-Khẩu đàm vô ích, như tước mộc tiết
– Bất như mặc dỉ dưỡng khí.
– Khẩu ngôn khi trá, như mông hảm tỉnh
– Hành tắc ngộ nhơn.
– Khẩu háo hí ngược, như trạo đao kiếm
– Hữu thời thương nhơn.
– Khẩu đạo uế ngữ, như lưu thơ trùng
– Ðịa ngục súc sanh chi báo.
Ý nghĩa của các câu kệ nầy như sau:
– Miệng nói ra điều không đâu vô ích, như nhai nhá mạc cưa, cây gỗ
– Chi bằng làm thinh để tỉnh dưỡng tinh thần (thế mà lại tốt hơn).
– Miệng nói lời dối trá, khi người, như lấy giấy đậy trên miệng giếng
– Hại kẻ đi đường không thấy té xuống chết (giết người).
– Miệng nói lời trêu ghẹo, trửng giỡn, như phun ra hơi thúi
– Sẽ chịu quả báo xấu, ác ngang bằng với lời mình đã nói (cho người).
– Miệng nói ra lời dơ dáy, bẩn thỉu, như phun ra dòi tửa
– Sẽ bị quả báo nơi ba đường địa ngục, ngạ qủy, súc sanh.
Cho nên cái quả báo của khẩu nghiệp nói ra thật không cùng tận.

Nay chỉ sơ lược mà thôi, nếu muốn nói ra cho hết, thì kiếp người dù có cùng, nhưng việc ấy vẫn vô cùng vậy.
Chỉ có một điều tóm tắt, phải nên ghi nhớ.
Ấy là :

Bậc thánh hiền xưa, lời nói ra đều như phun châu, nhả ngọc, để tiếng khen tặng muôn đời. Còn nay ta, nếu như không nói ra được các lời tốt đẹp như thế thì thôi, thà là làm thinh, vậy mà tốt hơn. Quyết không nói ra các lời cóc nhái, dòi tửa vậy.

Rồi dùng cái miệng sạch sẽ, thanh tịnh đó mà niệm Phật, tụng kinh… mới dễ dàng thu đạt được nhiều kết quả lợi ích cho bước đường giải thoát về sau.
Người có trí nên y theo các lời dạy chân chánh của Phật, Tổ mà sửa đổi, răn dè khẩu nghiệp của mình, có như thế mới được gọi là chơn Phật tử, là bậc thượng nhơn trong đại chúng xứng đáng làm một người dẫn đạo, đưa đường…..
Bằng chẳng như vậy thì trước sau gì cũng chỉ là một kẻ dung phàm, ngu phu như các người vô trí khác mà thôi.
Ð
ạo hữu hỏi về khẩu nghiệp, tôi xin giảng đại lược ra như thế. Hãy ráng ghi nhớ mà gìn giữ, sửa đổi, cùng sám hối khẩu nghiệp của mình.
Chớ quên.
Trân trọng.

Thơ….

ÐẠO HÀNH PHÁP
Đạo hành “Tứ Tướng” tảo năng trừ,
Tham chấp hà thời bạt thế cư ‌
Thúc liễm thân tâm trừ lậu nghiệp,
Hoàn quy tự tánh chứng chơn như.
Nhược nhơn kiến thủ sanh tà vọng,
Khẩu, Ý, Thân thời tác nghiệp dư.
Ðại thánh thường tu “Như Thử Thị”,
Bồ Ðề quả mãn đại nhân sư.
Sa môn THÍCH HẢI QUANG
(Hải Quang thi tập)
Tạm dịch:
PHƯƠNG CÁCH
tu hành
Người tu “Bốn Tướng” (1) phải mau trừ,
Tham chấp làm sao xuất thế ư‌
Giữ kỹ thân tâm trừ nghiệp quấy,
Ắt về “Tự Tánh” (2) chứng chơn như.
Nếu còn mãi tưởng sanh tà vọng,
Khẩu, Ý, Thân liền tạo nghiệp dư (3).
Thánh giả thường tu “Như Thị” (4) pháp,
Bồ đề thành tựu đấng nhơn sư.
Bồ tát giới BẢO ĐĂNG.
(dịch)

—————————————————————————-

(1)- Tứ Tướng : là Ngã tướng, Nhơn tướng, chúng sanh tướng, Thọ giả tướng. Ðây là bốn tướng của chúng sanh.
(2)- Tự tánh : là chơn tánh, Phật tánh, Bổn giác tánh vv….(và còn có nhiều tên khác nữa).
(3)- Câu nầy ý nói : Thân, Khẩu, Ý tạo ra rất nhiều nghiệp dữ khiến cho bị đọa lạc nhiều kiếp mà cũng còn “DƯ THỪA”(tức là vẫn chưa hết những nghiệp tội đã gây ra).
(4)- Như Thị : là “Tịch diệt” tướng, “Niết bàn” tướng vv…(và còn có nhiều tên khác nữa), kinh có câu : “Như thị ngã văn”…

—————————————————————————–
[1] Trong bức thư số 7 nầy, Bảo Ðăng chỉ trích lục từ phần Sám Nguyện tâm” trở về sau mà thôi.
(Từ tâm Hoan Hỷ thứ tư trở lên không có trích lục ra ở nơi đây.)
[2]- Bậc đại đạo sư :là đức Phật.
[3]– Tam giới : Ba cõi đây là Cõi Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới.
[4]– Tâm kim cang : Tâm kiên cố, không thối chuyển.
[5]– Thân sơ : gần, xa – Ý nói là thân cận bà con dòng họ và xa lìa người dưng nước lã.
[6]– Ngôn hành khác nhau : lời nói và hành động khác nhau.
[7]Tàm :(tự) hổ thẹn với (lương tâm) mình.
Qúy: là hổ thẹn đối với người ngoài.
[8] Thân thức : cảm xúc giác của thân (khi tiếp xúc với vật thể bên ngoài….).
[9] Tâm hành : những “hành động” của Tâm.

Thơ….
KHUYẾN TU
cầu giải thoát

Lời khuyên huynh đệ gắng tâm tu,
Rõ bậc hiền nhơn, biết nghịch thù.
Tham, Sân chính thị hai tên giặc,
Si ngốc kia là đứa đại ngu.(1)
Hỷ, Xả, Từ, Bi người thiện hữu,(2)
Trí Huệ thầy hay phá ám u.(3)
Tín, Nguyện, Hạnh nhuần Tam Thánh rước, (4)
Sanh về An Dưỡng  đắc thiên thu.(5)

Bồ Tát giới BẢO ĐĂNG.
(Cảm đề)

——————————————————–
(1)- Tham, Sân, Si : là ba “món độc” nhất mà người tu rất cần phải nên tránh.
(2)- Hỷ, xả, từ bi : là 4 pháp từ bi (tứ vô lượng tâm) của Bồ TátPhật mà người tu rất cần phải nên tu tập.
(3)- Trí Huệ : là mẹ của tất cả các bậc giải thoát thánh nhơn, mà người tu rất cần phải nên học, hiểu và tìm cầu.
(4)- Tín, hạnh, nguyện : là ba điều cốt yếu nhất của Tịnh tông, mà người tu Tịnh độ cần phải hội đủ không được thiếu sót.
– Tam Thánh : là Phật A DI ĐÀ, QUÁN THẾ ÂM Bồ Tát và ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát. Đây là 3 vị giáo chủ của cõi Cực lạc.
(5)- An Dưỡng : là một trong nhiều tên khác nhau của cõi Cực lạc.