hằng hà

Phật Quang Đại Từ Điển

(恒河) Phạm:Gaígà. Cũng gọi Hằng ca hà, Hằng già hà, Căng già hà. Sông hằng là một trong 3 con sông lớn ở Ấn độ. Sông này bắt nguồn từ dãy núi Hi mã lạp sơn, chảy theo hướng đông nam 800 km, đến Đông Bengale nhập với sông Bố lạp mã phổ đắc lạp rồi chảy vào Ấn độ dương. Hằng hà dài khoảng 2700 km, hai bên bờ sông có vô số đền đài, chùa miếu. Ấn độ giáo coi sông Hằng là sông thiêng liêng. Truyền thuyết cho rằng do người tiên cầu đảo mà nước sông Hằng từ đầu ngón chân của thần Tì thấp nô ở trên trời chảy xuống. Phật giáo cũng xem sông này là sông phúc, khi còn tại thế, đức Phật cũng thường đến đây tuyên thuyết diệu pháp. Vùng thượng lưu sông Hằng là trung tâm văn minh Ấn độ ở thời đại A thát bà phệ đà và thời kì thành lập Phạm thư; vùng trung lưu là trung tâm văn minh của thời đại Áo nghĩa thư; còn vùng hạ lưu là đồng bằng rộng lớn của cả đông bộ Ấn độ. Đến thời đức Phật, hai bờ sông Hằng trở thành khu vực giáo hóa trọng yếu của Ngài và các vị đệ tử. Vùng này dân cư đông đúc, kinh tế phồn thịnh, giao thông tiện lợi, sản vật dồi dào, cho nên người Ấn độ coi nơi này là vùng đất Thánh. Cứ theo Huyền ứng âm nghĩa quyển 24 thì cát sông Hằng rất mịn, cùng chảy theo dòng, tay vục lấy nước thì cát đầy trong tay. Trong các kinh điển Phật giáo, cát sông Hằng được dùng để ví dụ cho số lượng không thể tính đếm được. Người đời gọi sông này là sông Phúc, hoặc sông Phúc đức tốt lành. Phổ thông tin rằng tắm nước sông Hằng có thể tiêu trừ tội lỗi. Luận Đại trí độ quyển 7 (Đại 25, 114 thượng), nói: Mọi người đều cho rằng sông Hằng là sông phúc lành, người tắm trong đó thì các tội lỗi đều trừ sạch hết . Đại đường tây vực kí quyển 4 (Đại 51, 891 trung), nói: Phong tục xứ ấy cho là sông phúc lành, tội lỗi tuy nhiều, tắm gội liền hết. Người chán đời đến đây trầm mình, sẽ được sinh lên cõi trời. Thi hài thả xuống sông, trôi theo dòng nước, linh hồn được cứu, thoát khỏi đường ác . [X. kinh Thế kỉ trong Trường a hàm Q.18; kinh Nhất thiết pháp cao vương; kinh Kim quang minh tối thắng vương Q.3; luận Đại tì bà sa Q.5; Tuệ lâm âm nghĩa Q.27].