hải thanh

Phật Quang Đại Từ Điển

(海青) Cũng gọi Đại bào. Trang phục đời Đường, có vạt rộng, ống tay toang, là loại áo mà 2 chúng xuất gia và tại gia của Phật giáo Trung quốc mặc khi lễ Phật, tụng kinh. Hình thức áo này là từ áo hoàng bào được sửa đổi đôi chút mà thành. Hoàng bào là phục sức của nhà vua từ đời Tùy trở về sau, ống tay áo rộng rãi, mặc vào rất thoải mái. Ở vùng Ngô trung thuộc tỉnh Giang tô, người ta gọi áo có ống tay rộng là Hải thanh; vì ống tay áo của chư tăng cũng rộng nên mới dùng danh từ này. Ngoài ra, danh từ Hải thanh được dùng trong tùng lâm là lấy ý nghĩa biển cả mênh mông sâu rộng, có thể dung chứa muôn vật, những đợt sóng cuốn trào dào dạt, tự tại vô ngại; màu lam có từ màu xanh của nước biển, nhưng lại xanh hơn màu lam, mục đích nhằm khuyến khích sách tiến người mặc áo này phải khác với phàm tục. Phật giáo truyền vào Trung quốc, do điều kiện khí hậu, phong tục và nhu cầu thực tế, 3 tấm ca sa (áo pháp) vốn có không thể thích ứng được, nên phải may thêm các loại áo ngắn, áo vừa, áo dài và áo lễ (tay áo rộng). Ba tấm ca sa chỉ đắp khi lễ Phật, tụng kinh hoặc trai nghi, đắp bên ngoài áo lễ và tùy theo tình huống thực tế, chỉ đắp một trong 3 tấm. Ở Trung quốc hiện nay, Hải thanh có 2 màu:1. Màu đen: Loại áo phổ thông mà 2 chúng xuất gia và tại gia mặc khi lễ Phật; người đã thụ giới thì ngoài Hải thanh còn đắp thêm ca sa. 2. Màu vàng: Chỉ có vị Trụ trì chùa viện hoặc vị Pháp chủ trong pháp hội mặc áo này, còn đại chúng phổ thông không được mặc.