hải ấn tam muội thập nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(海印三昧十義) Mười nghĩa của định Hải ấn. Đó là: 1. Vô tâm năng hiện: Pháp tính bình đẳng, lìa các danh tướng, không cần dụng công mà vẫn có năng lực hiện rõ hết thảy các tướng. 2. Hiện vô sở hiện: Tùy theo tâm của chúng sinh mà hiện tất cả các tướng; những tướng ấy như ánh chớp, như cái bóng hoàn toàn bất khả đắc. 3. Năng hiện sở hiện phi nhất: Trí năng hiện và cảnh sở hiện đều là một niệm viên dung, nhưng ứng khắp 10 phương. 4. Năng hiện sở hiện phi dị: Trí năng hiện và cảnh sở hiện tuy ứng khắp 10 phương dưới những dạng khác nhau, nhưng vốn ở trong một niệm. 5. Vô khứ lai: Muôn pháp hiện trong tự tâm, đó là bất lai (chẳng từ đâu đến) thân tướng của muôn pháp trùm khắp pháp giới, đó là bất khứ (chẳng đi đâu). 6. Quảng đại: Bao trùm khắp mọi pháp, hàm chứa cả thế giới của chúng sinh, nhưng chẳng lìa nhất tâm. 7. Phổ hiện: Tất cả thế giới đều hiển hiện trong một tâm. 8. Đốn hiện: Hết thảy thế giới đều hiện ngay trong một niệm, không trước không sau, sắc tướng rõ ràng. 9. Thường hiện: Tướng của hết thảy các pháp không lúc nào là không hiện. 10. Phi hiện hiện: Vì thuận theo chúng sinh nên ở trong trạng thái vắng lặng phi ứng, lại tùy cảm mà ứng một cách vô tâm, giống như gương sáng, vật đến hiện liền, nhưng không phân biệt. (xt. Hải Ấn Tam Muội).