hắc thuỷ thành

Phật Quang Đại Từ Điển

(黑水城) Tiếng Mông cổ: Khara-khoto. Dịch âm: Ca lạp hà đa, Cáp lạp hà đa. Đô thành màu đen. Thành này ở khu vực Qua bích (Gobi), phía bắc tỉnh Hà tây, mạn đông hạ lưu sông Hắc thủy, Trung quốc, vốn là đất của Tây hạ, sau bị Thành cát tư hãn diệt. Đất này nằm trên trục lộ giao thông quan trọng suốt đến phía đông bắc của dãy núi Côn lôn, dân chúng ở đây chuyên sống bằng nghề nông. Vào cuối thế kỉ XIX, học giả người Nga là Grigorü Nikokaevich Potanin (1835- 1920) hướng dẫn một số nhà thám hiểm nổi tiếng thuộc các nước Trung quốc, Anh, Hoa kì, v.v…… đến khai quật vùng đất này và đã phát hiện thành Hắc thủy. Vách thành xây bằng gạch, 4 bên đều có cửa thành. Trong và ngoài thành còn có các di tích như: Chùa viện, tháp Phật, đền thờ và phần mộ của Hồi giáo. Ngoài ra người ta cũng tìm được nhiều di vật khác và các sách vở xưa. Những sách vở phần lớn là tiếng Hán, tiếng Tây hạ, kế đến là tiếng Tây tạng; cũng có số ít tư liệu bằng chữ Hồi hột, Đột quyết, Ba tư, v.v……, trong đó có bộ Phồn Hán Hợp Thời Chưởng Trung Châu (Tự điển Hạ – Hán đối chiếu) do Cốt lặc mậu tài soạn. Về phần tranh, tượng thì có tượng Phật đắp bằng đất, chạm nổi, tranh Phật dệt bằng sợi gai, vẽ trên lụa, trên giấy, trên vách…… rõ ràng theo họa phong Trung quốc và Tây tạng. Tóm lại những di tích ở thành Hắc thủy là tư liệu quí báu cho việc nghiên cứu về nước Tây hạ cổ đại.