hắc bạch

Phật Quang Đại Từ Điển

(黑白) I. Hắc Bạch. Gọi đủ: Hắc nghiệp, Bạch nghiệp. Chỉ cho ác nghiệp và thiện nghiệp. (xt. Bạch Nghiệp Hắc Nghiệp). II. Hắc Bạch. Hình tròn đen, trắng được dùng để giải thích 2 vị Chính và Thiên trong Động sơn ngũ vị của thiền sư Động sơn Lương giới, tổ khai sáng của tông Tào động. Ngài Động sơn Lương giới chia quá trình khai ngộ của người học đạo làm 5 giai đoạn: Chính trung thiên, Thiên trung chính, Chính trung lai, Thiên trung chí và Kiêm trung đáo. Trong đó, Chính là pháp chân như, bình đẳng, tuyệt đối, được tượng trưng bằng màu đen; Thiên là pháp sinh diệt, sai biệt, tương đối, được tượng trưng bằng màu trắng. Chính trung thiên trong Ngũ vị được tượng trưng bằng hình tròn , sự chứng ngộ ở giai đoạn này lấy hiện tượng giới làm chủ, nhưng hiện tượng giới được thấy ở đây đã được nhận là cảnh giới của Ngã tuyệt đối. Thiên trung chính trong Ngũ vị được tượng trưng bằng hình tròn , ở giai đoạn này, kiến giải phân biệt không còn vẻ mạnh mẽ nữa, tất cả hiện tượng giới đã dần dần mờ nhạt. Từ sau khi thuyết Động sơn ngũ vị được coi trọng, thì trong Thiền lâm, đặc biệt là tông Tào động, từ Hắc bạch được dùng chung với những từ ngữ khác, như: Hắc bạch vị phân, Hắc bạch kí phân, Hắc bạch giao hỗ, Hắc bạch khuyên nhi, v.v… Hắc bạch vị phân: Đen trắng chưa chia. Có 2 nghĩa: 1. Biểu thị vị Chính, Thiên khi chưa phân định, tức là sự chứng ngộ của người học vẫn chưa tiến đến giai đoạn Ngũ vị. Cho nên cũng gọi là Hắc bạch vị triệu, Hắc bạch vị giao thời. 2. Biểu thị Chính, Thiên chưa hiển hiện tướng sai biệt, nên cũng gọi là Âm dương vị phân, Thiên địa vị khai, Trẫm triệu vị manh. Hắc bạch kí phân: Đen trắng đã chia. Biểu thị Chính vị và Thiên vị đã phân biệt rõ ràng, nhưng vẫn tác dụng giao thoa lẫn nhau. Lúc đó là trong Chính có Thiên (tức Chính trung thiên), trong Thiên có Chính (tức Thiên trung chính), cho nên cũng gọi là Hắc bạch giao hỗ (đen trắng giao thoa nhau). Hắc bạch khuyên nhi: Chỉ cho Thiên trung chí và Kiêm trung đáo. Hình vẽ được tượng trưng bằng vòng tròn trắng và đen . Từ Hắc bạch khuyên nhi này là gọi chung toàn bộ hình tướng của Ngũ vị, đồng thời, cũng là từ ngữ được dùng thay cho Động sơn ngũ vị. [X. Động sơn Lương giới thiền sư ngữ lục; Động thượng cổ triệt Q.thượng; Giải thích Động sơn ngũ vị hiển quyết Q.trung; Nhân thiên nhãn mục Q.3]. (xt. Ngũ Vị, Động Sơn Ngũ Vị).