hà xuất đồ lạc xuất thư

Phật Quang Đại Từ Điển

(河出圖洛出書) Tiếng dùng trong Thiền lâm. Ý nói đạo của trời đất sức người không thể biết được, cũng chỉ cho điềm lành rất khác thường. Hà đồ và Lạc thư vốn là truyền thuyết về nguồn gốc của hai bộ sách Chu dịch và Hồng phạm của Trung quốc thời xưa. Thiên Hệ từ trong sách Chu dịch nói: Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, Thánh nhân tắc chi (Bản vẽ xuất hiện ở sông Hoàng, sách xuất hiện ở sông Lạc, bậc Thánh dựa theo đó làm ra pháp tắc). Hà đồ tức là Bát quái (8 quẻ). Cứ theo Khổng truyện và Khổng dĩnh đạt sớ nói, thì đời vua Phục hi trị vì thiên hạ, có con Long mã xuất hiện ở sông Hoàng, Phục hi bèn y theo hoa văn của nó mà vạch ra Bát quái, gọi là Hà đồ, đây là truyền thuyết về nguồn gốc sách Chu dịch. Đến thời vua Hạ vũ trị thủy(chống lụt) thì có con rùa thần xuất hiện trên sông Lạc (một chi nhánh của sông Hoàng), trên lưng rùa có 9 nét vạch, vua Hạ vũ căn cứ theo đó mà làm thành Cửu trù (9 phương pháp trị nước), gọi là Lạc thư, đây là truyền thuyết về nguồn gốc sách Hồng phạm. Thiền tông dùng các truyền thuyết thần thoại trên đây để hình dung việc kì lạ khác thường, vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người. Hư đường hòa thượng ngữ lục quyển 1 (Đại 47, 991 trung), ghi: Thiên cơ tiết thướng đường, nói: Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, sấm sét biến hóa, quỉ thần không lường được, thử nói xem điềm lành gì đó? Im lặng giây lát, sư lại nói: Thánh nhân ra đời . [X. Tấn thư ngũ hành chí; Bắc Chu chân loan chú số thuật kí di cửu cung toán, Tùy thư kinh tịch chí].