ha phọc

Phật Quang Đại Từ Điển

(呵嚩) Cũng gọi: Phả, Hỏa bà, Hạp phược, Sa ba, Ha bà, Ha ma, Hỏa. Chữ Tất đàm (hva). Một trong 42 chữ cái Tất đàm. Kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) quyển 57 (Đại 9, 766 thượng), nói: Khi xướng chữ Ha bà thì vào cửa Bát nhã ba la mật, quán xét tất cả chúng sinh vô duyên, dùng phương tiện nhiếp thụ, khiến sinh hải tạng . Môn Tứ thập nhị tự quán trong phẩm Pháp giới kinh Hoa nghiêm (Đại 19, 708 trung), nói: Khi xướng chữ Ha phạ, vào cửa Bát nhã ba la mật, khiến tất cả chúng sinh liễu ngộ hết thảy pháp có tính kêu gọi đều chẳng thể được . Tiếng Phạm Ha phạ nghĩa là kêu gọi . Thâm bí thích chú giải là pháp có tính kêu gọi chẳng thể được . Như đất có thể chuyên chở tất cả pháp, biển có khả năng dung chứa tất cả pháp, sức đại bi của đức Phật có thể kêu gọi tất cả pháp, dùng tâm từ bi vô duyên để nhiếp hóa, khiến thành hữu duyên và quán xét các pháp vốn chẳng sinh, giữa Phật và chúng sinh không ngăn cách; không năng, sở mà có thể hiện tướng năng, sở. Nghĩa là chẳng có pháp sinh tử để có thể diệt, không có lí Niết bàn để có thể sinh, sự kêu gọi không có thể tính nhất định, cho nên tính kêu gọi chẳng thể được. Nếu dùng Ha phạ để hiển bày nghĩa của 3 Bát nhã, thì chữ Ha phạ là Văn tự bát nhã; nương vào chữ Ha phạ mà vào cửa Bát nhã ba la mật là Quán chiếu bát nhã; hiểu rõ thực thể của Ha phạ vốn chẳng sinh là Thực tướng bát nhã. [X. kinh Đại phẩm bát nhã Q.5; kinh Đại bát nhã ba la mật đa Q.53; luận Đại trí độ Q.48; Tuệ lâm âm nghĩa Q.2].