Bài Viết Lưu Trữ

Từ Điển Phật Học Việt - Việt

Y tự

Từ điển Đạo Uyển


伊字; C: yīzì; J: iji;

Nguyên âm i trong tiếng Phạn (sanskrit), được viết như hình có ba cạnh trong một vòng tròn nhỏ (s: i-kara).

Y tự tam điểm

Từ điển Đạo Uyển


伊字三點; C: yīzì sāndiǎn; J: ijisanten;

Trong tiếng Sanskrit, nguyên âm I được viết bằng ba chấm theo hình tam giác (∴). Vì ba điểm nầy được xếp theo chiều ngang hoặc theo chiều dọc, nên nó được dùng cho chuyển nghĩa “không giống cũng không khác- bất đồng diệc bất dị”. Trong kinh Niết-bàn, ba điểm nầy được dùng cho chuyển nghĩa về sự tương quan giữa Pháp thân với Giải thoát (s: mokṣa).

Y xứ

Từ điển Đạo Uyển


依處; C: yīchù; J: esho; Quan điểm, lập trường căn bản. Căn nguyên (s: adhikāra, adhiṣṭhāna, vastu, hetu).

Y-đế-mục-đa-già

Từ điển Đạo Uyển

伊帝目多伽; C: yīdìmùduōqié; J: itaimokuta-ka;

Phiên âm từ chữ itivṛttaka trong tiếng Phạn (sanskrit). Là một trong 12 thể loại của kinh Phật (Thập nhị bộ kinh 十二部經), theo sự sắp xếp của các đệ tử Phật từ thời quá khứ.

Yab-yum

Từ điển Đạo Uyển


T: yab-yum; S: yuganaddha; nghĩa là “Phụ mẫu”; Hình tượng thường thấy trong nghệ thuật Tây tạng trình bày nam thần nữ thần trong tư thế giao hợp, vấn víu nhau. Trong Kim cương thừa, đây là biểu tượng cho sự thống nhất của hai nguyên lí âm dương. Hình tượng này cũng được vẽ trên các Thăng-ka (t: than-ka) và đôi khi được một số Du-già sư (yogin) dùng để thiền quán, nhằm thống nhất năng lực âm dương trong người mình, theo những phép hành trì mật tông, Nghi quỹ (s: sādhana) nhất định.

Ye-she Tsog-yel

Từ điển Đạo Uyển


T: ye-shes mtsho-rgyal; 757-817, nghĩa là “Nàng công chúa của hồ trí huệ”; Người phụ nữ nổi tiếng nhất của tông Ninh-mã (t: nyingmapa) tại Tây Tạng, là bạn đồng hành của Liên Hoa Sinh (padmasambhava). Bà thuộc dòng vương tước Khar-chen, năm 12 tuổi đã được vua Tri-song Ðet-sen (t: trisong detsen) chú ý, cho đưa vào cung. Tại đây bà gặp vị Cao tăng Ấn Ðộ Tịch Hộ (śāntarakṣita). Sau đó bà được Liên Hoa Sinh chọn làm bạn đồng tu, truyền cho phép Phur-bu. Bà là người ghi lại vô số lời khai thị của Liên Hoa Sinh trong các bí lục Ter-ma và cũng chép lại cuộc đời của Ngài. Khoảng cuối đời bà sống tại miền đông Tây Tạng. Ngày nay người ta còn thờ cúng bà như một Không hành nữ (s: ḍākinī).

Yên Tử

Từ điển Đạo Uyển

安子

Một dòng thiền Việt Nam, bắt đầu trong thế kỉ thứ 13. Dòng Yên Tử được xem là sự hợp nhất của ba phái Thiền Thảo Ðường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa Lưu-chi. Yên Tử được Thiền sư Hiện Quang (mất năm 1221) sáng lập. Tổ thứ sáu của Yên Tử là Trần Nhân Tông (hiệu Trúc Lâm), một vị vua lỗi lạc cho nên dòng Yên Tử sau được gọi là dòng Trúc Lâm Yên Tử và Trần Nhân Tông được tôn là Ðệ nhất tổ. Dòng Yên Tử tập hợp nhiều vị Thiền sư xuất sắc của Việt Nam như Trúc Lâm Ðầu Ðà Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang và các nhà vua đời Trần như Trần Thái Tông, Anh Tông cũng như Huệ Trung Thượng sĩ. Khác với truyền thống chia nhiều phái Thiền như tại Trung Quốc, tại Việt Nam, Yên Tử là nơi tập hợp ba thiền phái thành một dòng thiền duy nhất. Cơ sở của dòng Thiền Yên Tử Trúc Lâm là các bộ kinh Ðại thừa như Kim cương, Diệu pháp liên hoa, Bát-nhã ba-la-mật-đa, Nhập Lăng-già và Hoa nghiêm.