Bài Viết Lưu Trữ

Từ Điển Phật Học Việt - Việt

A-NA-HÀM

Từ điển Đạo Uyển


阿 那 含; S, P: anāgāmin;dịch ý là Bất hoàn;

Bất hoàn.

A-NA-LUẬT

Từ điển Đạo Uyển

1. 阿 那 律; S, P: aniruddha; gọi đủ là A-na Luật-đà, dịch nghĩa là Như Ý, Vô Tham;

Em họ và một trong Mười đại đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni. Trong mười đại đệ tử của đức Phật, mỗi vị đều có một thứ bậc cao nhất và A-na-luật là Thiên nhãn đệ nhất.

2. 阿 那 律; S, P: anuruddha;
Một Luận sư của Thượng toạ bộ (p: the-ravāda), sống giữa thế kỉ thứ 8 và 12, là người biên soạn tác phẩm danh tiếng A-tì-đạt-ma giáo nghĩa cương yếu (阿 毘 達 摩 教 義 綱 要; p: abhidhammatthasaṅgaha), luận giải toàn bộ giáo pháp của phái này. Trong nhiều điểm, quan niệm của Sư rất giống với Thanh tịnh đạo (p: visuddhimagga) của Phật Âm (s: buddhaghoṣa; p: buddhaghosa) nhưng cách trình bày ngắn hơn, khó hiểu hơn. Trong bộ luận này, Sư chú trọng nhiều đến những khía cạnh tâm lí của Phật pháp.

Người ta cũng xem Sư là tác giả của hai bộ luận khác là Nāmarūpapariccheda (»Danh và sắc, hai yếu tố tạo một cá nhân«) và Paramatthavinicchaya (»Lượng định về đệ nhất nghĩa«).

A-NAN-ĐÀ

Từ điển Đạo Uyển

阿 難 陀; S, P: ānanda; cũng gọi ngắn là A-nan, dịch nghĩa là Khánh Hỉ (慶 喜), Hoan Hỉ (歡 喜);

1. Một trong Mười đại đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni. Cùng họ với Phật, A-nan-đà gia nhập giáo hội hai năm sau ngày thành lập, trở thành người hầu cận của Ðức Phật. Tôn giả nổi tiếng với trí nhớ phi thường về những lời Phật dạy. Tôn giả là người xây dựng cơ bản giáo pháp trong lần kết tập thứ nhất và được xem là Nhị tổ của Thiền tông Ấn Ðộ.

Theo kinh sách, A-nan-đà được xem là người rất nhẫn nhục, hết lòng phụng sự đức Phật. Tôn giả chỉ chấp nhận làm người hầu cận cho Phật khi được Phật hứa rằng, không vì thế mà được quan tâm hơn các vị khác. A-nan-đà cũng chính là người khám phá và trừ bỏ âm mưu giết Phật của Ðề-bà Ðạt-đa. Hơn ai hết, A-nan-đà bênh vực cho việc nữ giới được học hỏi giáo pháp. Nhờ sự can thiệp của Tôn giả mà Phật chấp nhận thành lập ni đoàn. Chính vì điều này mà trong lần Kết tập thứ nhất, A-nan-đà bị Tăng-già chê trách. Tương truyền rằng, sau khi Phật nhập Niết-bàn, A-nan-đà mới giác ngộ, đắc quả A-la-hán trong đêm trước lần kết tập thứ nhất.

2. Nếu định nghĩa theo Ấn Ðộ giáo (e: hindu-ism) thì A-nan-đà không phải là tâm trạng khánh hỉ được tạo ra bởi một đối tượng mà hơn nữa, nó là một niềm vui của một trạng thái nằm trên mọi tư duy nhị nguyên, những cặp đối đãi. Hệ thống triết lí Vê-đan-ta (s: vedānta) quan niệm rằng, một tâm thức thoát khỏi suy nghĩ – nghĩa là tâm thức không còn vướng mắc những khái niệm như sinh, tử, khổ não, nói chung là mọi tư duy – chính là A-nan-đà, sự an vui thuần tuý. Khi mô tả, diễn giải những danh từ rất trừu tượng như »Brahman«, hệ thống Vê-đan-ta sử dụng thành ngữ »Sat-Cit-Ānanda«, nghĩa là »Chân lí – Nhận thức tuyệt đối – A-nan-đà« và A-na-đà ở đây là sự an vui tuyệt đối, vô lượng mà hành giả chỉ có thể cảm nhận được trong lúc nhập Ðịnh (s: samādhi). Trong các dòng tu theo truyền thống của Ðại sư Shan-ka-ra (s: śaṅkara) thì A-nan-đà là chữ cuối của nhiều danh hiệu, ví dụ như Vi-ve-ka-a-nan-đà (s: vivekānanda).

A-NAN-GA-PA

Từ điển Đạo Uyển

S: anaṅgapa, với biệt danh là “Kẻ cuồng bảnh trai”

Một Ma-ha Tất-đạt trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ sống giữa thế kỉ thứ 9, sống tại Gau-đa (s: gauḍa).

Nhờ nghiệp nhẫn nhục đời trước, ông là người rất bảnh trai và rất hãnh diện với vẻ đẹp của mình. Ngày nọ có một Du-già sư khất thực đi qua, ông cho mời vào nhà tiếp đãi nồng hậu. Hỏi ý kiến vị này về cuộc đời hai người, ông nghe vị này phê bình mình là kẻ dại dột kiêu hãnh về những điều không thật, không sáng tạo. Trong lúc đó vị Du-già sư là người tu tập Phật pháp, có đầy đủ khả năng, kể cả khả năng đạt những hảo tướng của một vị Phật. Ông cầu khẩn xin học và sẵn sàng ngồi yên thiền định. Vị này truyền cho ông bí mật của Cha-kra sam-va-ra tan-tra và thuyết giảng cho ông về các trí nằm trong sáu giác quan:

Mọi hiện tượng muôn vẻ,
chẳng là gì khác hơn,
Tự tính của tâm thức.
Hãy để yên đối tượng,
của cả sáu giác quan,
và an trú trong niệm,
tự tại không dính mắc.

A-nan-ga-pa thực hành Nghi quỹ (s: sādhana) như được dạy và chỉ sáu tháng sau, ông đạt thánh quả. Bài kệ ngộ đạo của ông như sau:

Sinh tử như giấc mộng,
không có gì thật chất.
Thân thể như cầu vồng,
nhiễm độc Tham Sân Si
Vì thế ham bám giữ,
thấy ảo ảnh, tưởng thật.
Hãy thoát vòng vướng mắc,
như giấc mơ độc địa,
Sinh tử thoắt biến thành,
Pháp thân thường thường trụ.

A-NU-RA-ĐA-PU-RA

Từ điển Đạo Uyển

S, P: anurādhapura; Hán Việt: A-nô-la-đà;

Ðến thế kỉ thứ 10 là thủ đô của Tích Lan. Ðây cũng là trung tâm của Phật giáo với hai chùa danh tiếng là Ðại tự (p: mahāvihāra) và Vô Uý Sơn tự (p: abhayagiri-vihāra). Trong lúc truyền bá Phật pháp sang Tích Lan, con trai của A-dục vương (s: aśoka) là Ma-hi-đà (s, p: mahinda) có kế hoạch xây dựng một đạo trường tại đây. Ðạo trường này chính là Ðại tự, một trung tâm văn hoá, giáo dục quan trọng của Thượng toạ bộ (p: thera-vāda). Về mặt giáo lí thì trường phái chùa Vô Uý Sơn nghiêng về Ðại thừa Phật pháp. Khi Tích Lan dời thủ đô, thành phố A-nu-ra-đa-pu-ra đã rơi vào quên lãng. Những di tích lịch sử Phật giáo quan trọng ở đây cũng mới được nghiên cứu từ thế kỉ 19 đến nay.

Nơi đây, người ta có thể chiêm ngưỡng hai Bảo tháp vĩ đại là Kim Phấn (ruwanweli) và Tháp Viên (p: thūparāma). Hai Tháp này đã được xây dựng trước Công nguyên, tượng trưng cho dạng Bảo tháp nguyên thuỷ nhất trong lịch sử Phật giáo.

Tương truyền cây con của cây Bồ-đề, nơi thái tử Tất-đạt-đa đắc đạo thành Phật, đã được mang đến đây trồng.

A-súc Phật

Từ điển Đạo Uyển

阿 閦 佛; S: akṣobhya, là tên dịch âm Hán Việt, dịch nghĩa là Bất Ðộng Phật 不 動 佛.

Bất Ðộng Phật.

A-TÌ-ĐẠT-MA

Từ điển Đạo Uyển

阿 毗 達 磨; S: abhidharma; P: abhidhamma; T: chos mngon pa; cũng được gọi là A-tì-đàm (阿 毗 曇). Dịch nghĩa là Luận tạng, Thắng pháp tập yếu luận, có nghĩa là Thắng pháp (勝 法) hoặc là Vô tỉ pháp (無 比 法), vì nó vượt (abhi) trên các Pháp (dharma), giải thích Trí huệ;

Tên của tạng thứ ba trong Tam tạng. Tạng này chứa đựng các bài giảng của đức Phật và các đệ tử với các bài phân tích về Tâm và hiện tượng của tâm. A-tì-đạt-ma là gốc của Tiểu thừa lẫn Ðại thừa, xem như được thành hình giữa thế kỉ thứ 3 trước và thế kỉ thứ 3 sau Công nguyên. Lần kết tập cuối cùng của A-tì-đạt-ma là khoảng giữa năm 400 và 450 sau Công nguyên. Có nhiều dạng A-tì-đạt-ma như dạng của Thượng toạ bộ (p: theravāda), của Nhất thiết hữu bộ (s: sarvās-tivāda)… A-tì-đạt-ma là gốc của mọi trường phái và người ta dùng nó để luận giảng các bài Kinh (s: sūtra; p: sutta).

A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ được Phật Âm (佛 音; s: buddhaghoṣa) hoàn chỉnh, được viết bằng văn hệ Pā-li và bao gồm bảy bộ: 1. Pháp tập luận (法 集 論; p: dhammasaṅgaṇi): nói về các tâm pháp, sắp xếp theo từng cách thiền định khác nhau và các pháp bên ngoài, xắp xếp theo nhóm; 2. Phân biệt luận (分 別 論; p: vibhaṅga): nêu và giảng nghĩa, phân biệt những thuật ngữ như Ngũ uẩn (五 蘊; p: pañcakhandha), Xứ (處; s, p: āyatana), Căn (根; s, p: indriya) v.v.; 3. Luận sự (論 事; p: kathāvatthu): nêu 219 quan điểm được tranh luận nhiều nhất và đóng góp nhiều cho nền triết lí Phật giáo; 4. Nhân thi thiết luận (人 施 設 論; p: puggalapaññati): nói về các hạng người và Thánh nhân; 5. Giới thuyết luận (界 說 論; p: dhātukathā): nói về các Giới (界; s, p: dhātu); 6. Song luận (雙 論; p: yamaka): luận về các câu hỏi bằng hai cách, phủ định và xác định; 7. Phát thú luận (發 趣 論; paṭṭhāna hoặc mahāprakaraṇa): nói về những mối liên hệ giữa các Pháp (p: dhamma).

Trong Nhất thiết hữu bộ, A-tì-đạt-ma được viết bằng Phạn ngữ (sanskrit) và Thế Thân (世 親; s: vasubandhu) là người tổng hợp. A-tì-đạt-ma này cũng bao gồm bảy bộ khác nhau, cụ thể là: 1. Tập dị môn túc luận (集 異 門 足 論; s: saṅgītipar-yāya): bao gồm những bài giảng theo hệ thống số, tương tự như Tăng-nhất bộ kinh; 2. Pháp uẩn túc luận (法 蘊 足 論; s: dharmaskandha): gần giống như Phân biệt luận trong A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ; 3. Thi thiết túc luận (施 設 足 論; s: pra-jñaptiśāstra): trình bày dưới dạng Kệ những bằng chứng cho những sự việc siêu nhiên, thần bí; 4. Thức thân túc luận (識 身 足 論; s: vijñānakāya): nói về các vấn đề nhận thức. Có vài chương nói về những điểm tranh luận giống Luận sự (kathāvat-thu), Giới luận (dhātukathā) và Phát thú luận (paṭṭhāna) trong A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ; 5. Giới thân túc luận (界 身 足 論; s: dhātukāya): gần giống Giới thuyết luận (p: dhātukathā) của Thượng toạ bộ; 6. Phẩm loại túc luận (品 類 足 論; s: prakaraṇa): bao gồm cách xác định những thành phần được giảng dạy và sự phân loại của chúng; 7. Phát trí luận (發 智 論; s: jñānaprasthāna): xử lí những khía cạnh tâm lí của Phật pháp như Tuỳ miên (隨 眠; s: anuśaya), Trí (智; jñāna), Thiền (禪; s: dhyāna) v.v… (xem thêm Tâm sở).

A-TÌ-ĐẠT-MA CÂU-XÁ LUẬN

Từ điển Đạo Uyển

阿 毗 達 磨 俱 舍 論; S: abhidharmakośa-śā-stra, thường được gọi tắt là Câu-xá luận, nghĩa là »Báu vật của A-tì-đạt-ma«, Thông minh luận (通 明 論);

Bộ luận quan trọng nhất của Nhất thiết hữu bộ, được Thế Thân (s: vasubandhu) soạn vào thế kỉ thứ 5 sau Công nguyên tại Kashmir. Luận gồm có hai phần: sưu tập khoảng 600 kệ A-tì-đạt-ma câu-xá luận bản tụng (s: abhidharmakośa-kārikā) và A-tì-đạt-ma câu-xá luận thích (abhidharmakośa-bhāṣya), bình giải về những câu kệ đó. Ngày nay người ta còn giữ bản tiếng Hán và tiếng Tây Tạng của luận này, đó là những tác phẩm đầy đủ nhất để trả lời các câu hỏi về kinh điển.

A-tì-đạt-ma câu-xá luận phản ánh sự tiếp nối của giáo lí từ Tiểu thừa đến Ðại thừa và cũng là tác phẩm nền tảng của các tông phái Phật giáo Trung Quốc, đóng góp phần chính trong việc truyền bá và phát triển đạo Phật nơi này. Có 9 điểm được phân tích và xử lí trong luận: 1. Giới phẩm (界 品; s: dhātunirdeśa): nói về cái thể của các Giới (pháp); 2. Căn phẩm (根 品; s: indriyanirdeśa): nói về cái dụng của chư pháp; Hai phẩm trên nói về thể và dụng chung cho Hữu lậu (有 漏; s: sāśrava, tức là còn bị Ô nhiễm) và Vô lậu (無 漏; s: anāśrava, không bị ô nhiễm); 3. Thế gian phẩm (世 間 品; s: lokanirdeśa): nói về các thế giới, Lục đạo, Ba thế giới; 4. Nghiệp phẩm (業 品; s: karmanirdeśa); 5. Tuỳ miên phẩm (隨 眠 品; s: anuśayanirdeśa); Các điểm 3., 4. và 5. nói về Hữu lậu, trong đó 3. là Quả (果; kết quả), 4. là Nhân (因) và 5. là Duyên (緣); 6. Hiền thánh phẩm (賢 聖 品; s: pudgalamārga-nirdeśa); 7. Trí phẩm (智 品; s: jñānanirdeśa): nói về mười loại trí; 8. Ðịnh phẩm (定 品; s: samādhi-nirdeśa); Các điểm 6., 7. và 8. nói về Vô lậu, trong đó 6. là Quả, 7. là Nhân và 8. là Duyên; 9. Phá ngã phẩm (破 我 品; s: pudgalaviniścaya): nói về lí Vô ngã (s: anātman), phá tà, chống lại thuyết của Ðộc Tử bộ. Phẩm này là một phẩm độc lập và cũng là phẩm cuối của bộ luận.

A-TU-LA

Từ điển Đạo Uyển

阿 修 羅; S: āsura; dịch nghĩa là Thần (神), Phi Thiên (非 天), là hạng Thiên nhưng không có hình thể đoan chính;

Một trong sáu nẻo tái sinh (Lục đạo), khi thì được xem là hạnh phúc hơn người, khi bị xem là đau khổ hơn (Ðọa xứ). Loại A-tu-la »hạnh phúc« là các loài chư thiên cấp thấp, sống trên núi Tu-di (s: meru) hoặc trong các »lâu đài trong hư không«. Loại A-tu-la »đau khổ« là loài chống lại chư Thiên (s, p: deva). Trong Kinh sách của nhiều trường phái Tiểu thừa (s: hīnayāna) có lúc thiếu hẳn phần nói về loài này.

A-XÀ-LÊ

Từ điển Đạo Uyển

阿 闍 梨; S: ācārya; P: ācāriya; T: lobpon [slob-dpon]; J: ajari; dịch nghĩa là Giáo thụ (教 授) – thầy dạy đạo, ở đây đạo là pháp, là Quỹ phạm (軌 範) – thầy có đủ nghi quỹ, phép tắc hay Chính hạnh (政 行) – thầy dạy và sửa những hành vi của đệ tử;

Một trong hai vị thầy của một Sa-di hoặc Tỉ-khâu. Vị thứ hai là Hoà thượng (s: upādh-yāya). Ai mới nhập Tăng-già đều tự chọn hai vị nói trên làm thầy trực tiếp chỉ dạy.

Trong thời gian đầu, A-xà-lê được hiểu là một vị chỉ chuyên dạy về lí thuyết Phật pháp, trả lời tất cả những thắc mắc, câu hỏi về nó, như vậy có thể hiểu là một Pháp sư và vị Hoà thượng chuyên lo dạy về Giới luật và nghi lễ. Trong Phật giáo nguyên thuỷ, chức vị Hoà thượng được coi trọng hơn nhưng sau đó (sau thế kỉ thứ 5), chức vị A-xà-lê lại được đặt cao hơn Hoà thượng. A-xà-lê được dùng để chỉ những vị Cao tăng phát triển những tư tưởng mầm mống trong Phật giáo, viết những Luận giải (s: śāstra) quan trọng. Các Ðại sư Ấn Ðộ đều mang danh hiệu này trước tên chính của họ, ví dụ như A-xà-lê Long Thụ (s: ācārya nāgārjuna), A-xà-lê Thánh Thiên (ācārya āryadeva), A-xà-lê Vô Trước (ācārya asaṅga) vv…

A-xà-lê khác với một Ðạo sư ở một điểm, đó là các vị tu tập trong khuôn khổ của một tu viện, Thụ giới đầy đủ và dựa trên kinh điển giảng dạy. Danh từ Ðạo sư thì bao trùm hơn (dựa theo nguyên ngữ Phạn guru), vị này có thể, nhưng không nhất thiết phải giảng dạy trong một Chùa hoặc thiền viện và đặc biệt trong các hệ thống Tan-tra của các vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha), danh từ Ðạo sư dùng để chỉ những người có đầy đủ các Phương tiện giáo hoá chúng sinh, hướng dẫn khác thường, tuỳ cơ ứng biến, không cứ gì phải tu học từ trong kinh sách.

Trong Thiền tông, danh từ A-xà-lê, hoặc gọi tắt là Xà-lê được dùng chỉ chung các vị tăng, tương tự như danh từ Lạt-ma tại Tây Tạng. Tại Nhật, danh xưng này chuyên chỉ các vị cao tăng của các tông Thiên Thai và Chân ngôn.

A-XÀ-THẾ

Từ điển Đạo Uyển

阿 闍 世; S: ajātaśatru; P: ajātasattu;

Vua xứ Ma-kiệt-đà (magadha), người trị vì trong 8 năm cuối cùng tại thế của Phật Thích-ca Mâu-ni và 24 năm kế tiếp (khoảng từ 494-462 trước Công nguyên). Ông là người giết vua cha Tần-bà-sa-la (s, p: bimbisāra) và cùng Ðề-bà Ðạt-đa (s, p: deva-datta) định ám hại đức Phật, nhưng không thành. Cuối cùng ông tỉnh ngộ theo Phật và phụng sự đạo Phật.
A-xà-thế có nghĩa là »Vị sinh oán« (未 生 怨) – với ý kết oán trước khi sinh – là kẻ được tiên đoán sẽ giết cha. A-xà-thế muốn đoạt quyền cha quá sớm, cùng với Ðề-bà Ðạt-đa đạt đa âm mưu vừa giết Phật vừa giết vua cha. Âm mưu này bại lộ, vua cha tha tội cho con và giao ngai vàng. A-xà-thế vẫn không yên tâm vì cha còn sống, hạ ngục và bỏ đói cả cha lẫn mẹ. Về sau A-xà-thế hỏi ý kiến đức Phật có nên xâm chiếm nước Bạt-kì (p: vajjī) vốn là một nước dân chủ. Ðức Phật cho biết Bạt-kì không bao giờ thua vì dân nước đó rất đoàn kết. Từ đó A-xà-thế coi trọng dân chủ, coi trọng Tăng-già và nhân đây được tỉnh ngộ. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, A-xà-thế lập một Tháp thờ Xá-lị của Phật. Ông cũng là người xây dựng một thuyết đường lớn trong lần Kết tập thứ nhất.

ÁC BÌNH ĐẲNG

Từ điển Đạo Uyển

惡 平 等; J: akubyōdō;

Nghĩa là bình đẳng sai lầm, bất thiện; ác bình đẳng được dùng để chỉ sự hiểu sai về bình đẳng quan, cho rằng tất cả là một, là như nhau. Theo Thiền tông thì bình đẳng quan, sự chứng ngộ được sự bình đẳng của vạn vật là một cấp bậc tu chứng – nhưng nó cũng chỉ là một trong nhiều cấp bậc. Hành giả phải vượt qua nó để đạt được kinh nghiệm giác ngộ thâm sâu hơn. Ai dừng bước tại đây vì quá ngỡ ngàng trước sự bình đẳng của vạn vật, mà quên đi cái dị biệt của chúng thì đó chính là ác bình đẳng.

AI

Từ điển Đạo Uyển

哀; C: āi; J: ai;
Có các nghĩa sau:

  1. Có thiện cảm, thương xót, thương tiếc, xót xa. Than ôi!
  2. Nỗi đau buồn, sự buồn phiền, điều bất hạnh, lòng trắc
  3. 3. Yêu quý, tha thiết.

ÁI

Từ điển Đạo Uyển

愛; S: tṛṣṇā; P: taṇhā; nghĩa là “ham muốn”, “sự thèm khát”

Khái niệm quan trọng của đạo Phật. Ái chỉ mọi ham muốn xuất phát từ sự tiếp xúc của giác quan với đối tượng của giác quan đó. Cần hiểu rằng, con người gồm có năm giác quan thông thường và ý (khả năng suy nghĩ, ý nghĩ, xem Lục căn) là sáu. Vì vậy Ái bao gồm hai lĩnh vực: vật chất và tinh thần. Sự tham muốn đó biểu lộ bằng tâm vướng bận và đó chính là Khổ (s: duḥkha), là nguyên do tại sao loài hữu tình cứ mãi trôi nổi trong Vòng sinh tử. Muốn thoát khỏi Ái, người ta cần phòng hộ các giác quan (Nhiếp căn), không để cho thèm khát và ham muốn nổi lên, nhờ đó có thể chấm dứt cái khổ.

Có nhiều cách phân loại Ái: 1. Dục ái (欲 愛; s: kāmatṛṣṇā), Hữu ái (有 愛; s: bhavatṛṣṇā) và Phi hữu ái (非 有 愛; hoặc Ðoạn ái, ái muốn tiêu diệt, s: vibhavatṛṣṇā). Ba loại ái này là nội dung của chân lí thứ hai (tập đế) trong Tứ diệu đế; 2. Dựa trên giác quan, người ta phân biệt ái thuộc sắc, thanh âm, mùi thơm, vị ngon ngọt, tiếp xúc và tư tưởng; 3. Dựa trên Ba thế giới có thứ Ái thuộc dục giới, Ái thuộc sắc giới (色 愛; sắc ái; s: rūpatṛṣṇā) và vô sắc giới (無 色 愛; vô sắc ái; s: arūpa-tṛṣṇā).
Trong Mười hai nhân duyên (s: pratītya-sa-mutpāda), Ái do Thụ (受; s: vedanā) sinh ra, và bản thân Ái lại sinh ra Thủ (取; s: upādāna).

Trong giai đoạn Phật giáo nguyên thuỷ, người ta tin rằng Ái là nguyên nhân duy nhất của khổ và vì vậy xem nó là nguyên nhân của sinh tử, Luân hồi. Về sau, người ta thấy rằng thoát khỏi Ái chưa đủ mà cần phải dứt bỏ sự chấp Ngã (Vô ngã) mới được giải thoát. Ngã là gốc của Ái vì nếu xem Ngã là một thể tồn tại độc lập thì mọi thứ liên quan đến Ngã đều dễ sinh ra Ái. Người ta tiến đến giải thoát bằng tri kiến »cái này không phải là ta, cái này không phải của ta« và như thế, Ái tự hoại diệt.

error: Alert: Content selection is disabled!!