Bài Viết Lưu Trữ

Từ Điển Đạo Uyển

Ám Tế

Từ Điển Đạo Uyển

暗 蔽; C: ànbì; J: anbei;

Tối tăm, mù quáng, mờ mịt.

Ấn

Từ Điển Đạo Uyển

印; S: mudrā;

Một dấu hiệu thân thể. Trong tranh tượng, các đức Phật thường được
trình bày với một kiểu tay đặc biệt, vừa là một cử chỉ tự nhiên, vừa là
một dấu hiệu của tính chất Phật (Phật tính). Trong Ðại thừa, các Thủ ấn
(chỉ các ấn nơi tay, còn Khế ấn là những tư thế khác như cầm ngọc, toạ
thiền…) này đều có một ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong các tông phái như
Thiên Thai, Kim cương thừa và các ấn này thường đi đôi với Man-tra.
Ngoài ra, các ấn này giúp hành giả chứng được các cấp tâm thức nội tại,
bằng cách giữ vững những vị trí thân thể nhất định và tạo mối liên hệ
giữa hành giả với các vị Phật hoặc Ðạo sư trong lúc hành trì một Nghi
quỹ (s: sādha-na).

Các ấn quan trọng nhất là: 1. Ấn thiền (禪 印; dhyāni-mudrā), 2. Ấn giáo
hoá (教 化 印; vitarka-mudrā), 3. Ấn chuyển pháp luân (轉 法 輪 印;
dharmacakrapravartana-mudrā), 4. Ấn xúc địa (觸 地 印; bhūmisparśa-mudrā),
5. Ấn vô uý (無 畏 印; abhaya-mudrā), 6. Ấn thí nguyện (施 願 印;
varada-mudrā), cũng được gọi là Dữ nguyện ấn (與 願 印), Thí dữ ấn (施 與 印),
7. Ấn tối thượng bồ-đề (無 上 菩 提 印; uttarabodhi-mudrā), 8. Ấn trí huệ vô
thượng (無 上 智 印; bodhyagri-mudrā), 9. Ấn hiệp chưởng (合 掌 印;
añjali-mudrā, 10. Ấn kim cương hiệp chưởng (金 剛 合 掌 印;
vaj-rapradama-mudrā).






H 2: Ấn thiền


1. Ấn thiền (s: dhyāni-mudrā): lưng bàn tay mặt để trên lòng bàn tay
trái, hai ngón cái chạm nhau. Hai bàn tay để trên lòng, ngang bụng. Bàn
tay mặt phía trên tượng trưng cho tâm thức giác ngộ, bàn tay trái phía
dưới tượng trưng thế giới hiện tượng. Ấn quyết này biểu lộ sự giác ngộ
đã vượt lên thế giới hiện tượng, nó cũng biểu lộ tâm thức giác ngộ đã
vượt qua tâm thức phân biệt, trong đó Luân hồi hay Niết-bàn chỉ là một.

Ấn thiền có một dạng khác, trong đó các ngón tay giữa, ngón đeo nhẫn
và ngón út của hai bàn tay nằm lên nhau, ngón cái và ngón trỏ mỗi tay
tạo thành hai vòng tròn chạm nhau, hai vòng tròn đó biểu tượng thế giới
chân như và thế giới hiện tượng. Ấn này hay được tạo hình nơi tranh
tượng của Phật A-di-đà và hay được gọi là “Ấn thiền A-di-đà”. Trong
Thiền tông, thiền giả lại để bàn tay trái trên bàn tay mặt lúc Toạ
thiền. Ðiều này thể hiện thân trái (tĩnh) nằm trên thân phải (động),
nhằm chỉ rõ thái độ trầm lắng của Thiền tông.




H 3: Ấn giáo hoá


2. Ấn giáo hoá (s: vitarka-mudrā): tay mặt chỉ lên, tay trái chỉ
xuống, hai lòng bàn tay chỉ tới trước. Trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón
cái chạm nhau, làm vòng tròn. Bàn tai mặt đưa ngang vai, bàn tay trái
ngang bụng. Trong một dạng khác của ấn giáo hoá, lòng bàn tay trái hướng
lên, để ngang bụng, tay mặt ngang vai, ngón tay trỏ và tay cái làm hình
tròn. Trong một dạng khác thì ngón trỏ và ngón út duỗi thẳng, ngón giữa
và đeo nhẫn co lại. Lòng bàn tay trái hướng lên, tay mặt hướng xuống.
Người ta hay bắt gặp ấn giáo hoá nơi tranh tượng Phật A-di-đà, có khi
nơi Ðại Nhật Phật (s: mahāvairoca-na).




H 4: Ấn chuyển pháp luân


3. Ấn chuyển pháp luân (s: dharmacakrapravarta-na-mudrā): tay trái
hướng vào thân, tay mặt hướng ra. Trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón cái
chạm nhau thành vòng tròn, hai vòng tròn đó chạm nhau. Người ta hay thấy
ấn chuyển pháp luân nơi tranh tượng của Phật Thích-ca, A-di-đà, Ðại
Nhật và Di-lặc.




H 5: Ấn xúc địa


4. Ấn xúc địa (bhūmisparśa-mudrā): tay trái hướng lên, đặt ngang bụng,
tay mặt chỉ xuống, lưng tay mặt xoay tới trước. Ðó là ấn quyết mà đức
Thích-ca gọi thổ địa chứng minh mình đạt Phật quả và cũng là dấu hiệu
của sự không lay chuyển, vì vậy Bất Ðộng Phật (s: akṣobhya) cũng hay
được trình bày với ấn này.




H 6: Ấn vô uý


5. Ấn vô uý (s: abhaya-mudrā): tay mặt với các ngón tay duỗi ra chỉ về
phía trước, ngang tầm vai. Ðây là ấn quyết mà Phật Thích-ca sử dụng
ngay sau khi đắc đạo. Phật Bất Không Thành Tựu (s: amoghasiddhi) cũng
hay được trình bày với ấn này




H 7: Ấn thí nguyện


6. Ấn thí nguyện (s: varada-mudrā): thí nguyện là cho phép được toại
nguyện, lòng tay mặt hướng về phía trước, bàn tay chỉ xuống. Nếu ở tượng
Phật Thích-ca là đó biểu hiện gọi trời (xem ấn xúc địa) chứng minh Phật
quả. Phật Bảo Sinh (s: ratnasam-bhava) cũng hay được diễn tả với ấn
quyết này. Trong một dạng khác, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau thành
vòng tròn. Ấn vô uý và ấn thí nguyện hay được trình bày chung trong một
tranh tượng. Thường tay mặt bắt ấn vô uý, tay trái ấn thí nguyện. Tượng
đứng của các vị Phật hay có hai ấn này.




H 8: Ấn tối thượng Bồ-đề


7. Ấn tối thượng Bồ-đề (s: uttarabodhi-mudrā): hai bàn tay chắp ngang
ngực, hai ngón trỏ duỗi thẳng chạm vào nhau, như mũi nhọn của một Kim
cương chử. Các ngón khác lồng vào nhau, hai ngón cái chạm nhau hay để
lên nhau. Tranh tượng của Phật Ðại Nhật hay được trình bày với ấn này.




H 9: Ấn trí huệ vô thượng


8. Ấn trí huệ vô thượng (s: bodhyagri-mudrā): ngón tay trỏ của bàn tay
mặt được năm ngón kia của tay trái nắm lấy. Ấn này người ta hay thấy
nơi Phật Ðại Nhật. Trong Mật tông có nhiều cách giải thích ấn này, nhưng
nói chung một ngón tay chỉ rõ sự nhất thể của vạn sự và năm ngón kia
chỉ tướng trạng vô cùng của thế giới hiện tượng.




H 10: Ấn hiệp chưởng


9. Ấn hiệp chưởng (s: añjali-mudrā): hai bàn tay chắp trước ngực, được
sử dụng để tán thán, ca ngợi, và cũng là cử chỉ chào hỏi thông thường
tại Ấn Ðộ. Với dạng ấn, hai bàn tay chắp lại chỉ Chân như. Trong các
tranh tượng, Phật và các vị Bồ Tát không bao giờ được trình bày với ấn
này vì trong Ba thế giới, không có ai vượt ngoài trí huệ của chư vị và
vì vậy, chư vị không cần phải tán thán ai cả.




H 11: Ấn kim cương hiệp chưởng


10. Ấn kim cương hiệp chưởng (s: vajrapradama-mudrā): đầu ngón tay của
hai bàn tay chắp vào nhau. Ấn này là biểu hiện của tín tâm bất động,
vững chắc như Kim cương (s: vajra).

An Cư

Từ Điển Đạo Uyển

安 居; J: ango;

Chỉ thời gian ba tháng tu dưỡng trong một Thiền viện trong thời gian mùa
hè, hay có mưa. Vì vậy người ta cũng thường gọi là Hạ an cư (夏 安 居; j:
ge-ango) – an cư mùa hè hoặc là Vũ an cư (雨 安 居; j: u-ango) – an cư mùa
mưa.

An Huệ

Từ Điển Đạo Uyển

安 慧; S: sthiramati; tk. 6;

Một trong Mười đại Luận sư xuất sắc của Duy thức tông (s: vijñānavāda).
Sư viết những luận văn quan trọng về các tác phẩm của Thế Thân (s:
vasubandhu) như A-tì-đạt-ma câu-xá luận thật nghĩa sớ, Duy thức tam thập
tụng thích. Ngoài ra Sư còn viết luận về những tác phẩm của Long Thụ
(s: nāgārju-na) như Ðại thừa trung quán thích luận. Sư là người ôn hoà,
cố gắng dung hoà tư tưởng của Duy thức và Trung quán (s: madhyama-ka).

Các tác phẩm của Sư (trích): 1. A-tì-đạt-ma câu-xá luận thật nghĩa sớ
(s: abhidharmakośa-bhāṣya-ṭīkā-tattvārtha-nāma); 2. Duy thức tam thập
tụng thích luận (s: vijñāptimātratāsiddhitriṃśikā-bhāṣya), còn bản Phạn
ngữ (sanskrit) và Tạng ngữ; 3. Ðại thừa trung quán thích luận, chú giải
Trung quán luận (s: madhyamaka-śāstra) của Long Thụ, chỉ còn Hán văn; 4.
Ðại thừa a-tì-đạt-ma tạp tập luận (s: abhi-dharmasamuccaya-bhāṣya), còn
bản Hán và Tạng ngữ; 5. Ðại thừa kinh trang nghiêm luận nghĩa thích (s:
sūtralaṅkāravṛttibhāṣya), chỉ còn bản Tạng ngữ; 6. Trung biên phân biệt
luận sớ hoặc Biện trung biên luận sớ (s: madhyāntavibhāga-kārikā), còn
bản Hán và Tạng ngữ, một bài luận giải về Biện trung biên luận (s:
madhyānta-vibhāga-kārikā) của Di-lặc hoặc Mai-tre-ya-na-tha
(maitreyanātha); 7. Ðại bảo tích kinh luận (s:
ārya-mahāratnakūṭa-dharma-par-yāya-śatasāhasrikāparivartakāśyapa-parivartaṭīkā),
bản Hán và Tạng ngữ; 8. Ngũ uẩn luận thích hoặc Ðại thừa quảng ngũ uẩn
luận (s: pañcaskandhaka-bhāyṣa) luận về Ngũ uẩn luận (s: pañcaskandhaka)
của Thế Thân.

Ấn Khả Chứng Minh

Từ Điển Đạo Uyển

印 可 證 明; J: inka shōmei; cũng thường được gọi tắt là ấn chứng;

Thuật ngữ thường được dùng trong Thiền tông chỉ sự xác nhận của thầy
rằng môn đệ của mình đã hoàn tất đầy đủ việc làm dưới sự hướng dẫn của
mình, có thể nói là “thành đạo.”

Nếu những vị thầy sử dụng Công án (j: kōan) trong chương trình giảng dạy
thì việc ấn khả có nghĩa là thiền sinh đã giải tất cả những công án và
vị thầy đã hài lòng với các kết quả đạt được. Nếu vị thầy không sử dụng
công án thì sự ấn khả đồng nghĩa với sự hài lòng của vị thầy về mức độ
thông đạt chân lí của đệ tử. Chỉ sau khi được ấn khả và khi những yếu tố
quan trọng khác – ví như khả năng am hiểu người để hướng dẫn họ – đã
sẵn có hoặc đã tu luyện thành đạt thì người được ấn khả này mới được
hướng dẫn môn đệ trên thiền đạo và tự gọi mình là Pháp tự (法 嗣) của vị
thầy và mang danh hiệu Lão sư (j: rōshi). Nhưng ngay khi tất cả những
điều kiện trên đã đạt và thiền sinh đã được ấn khả thì việc này không có
nghĩa rằng, thiền sinh đã chấm dứt việc tu tập trên con đường thiền.
Càng nhìn rõ xuyên suốt thiền sinh càng thấy rằng, việc tu tập thiền
không bao giờ đến nơi cùng tận và kéo dài vô số kiếp. Thiền sư Ðạo
Nguyên Hi Huyền bảo rằng, ngay cả đức Phật Thích-ca cũng còn đang trên
đường tu tập.

Với sự ấn chứng, vị thầy xác định rằng, thiền sinh đã ít nhất đạt được
cấp bậc Kiến tính (j: kenshō) như chính mình và từ nay có thể tự đứng
vững một mình. Theo truyền thống của Thiền tông thì vị thầy lúc nào cũng
phải cố gắng dạy học trò vượt hẳn chính mình (về mặt giác ngộ). Nếu
trình độ của đệ tử chỉ bằng thầy thì nguy cơ suy tàn của tâm ấn trong
những thế hệ sau đó rất lớn.

Ẩn Nguyên Long Kì

Từ Điển Đạo Uyển

隱 元 隆 琦; C: yǐnyuán lóngqí; J: ingen ryūki, 1592-1673;

Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế. Năm 1564, Sư nhận lời mời của
nhà sư Nhật tên Dật Nhiên, sang Nhật Bản truyền tông Hoàng Bá (j:
ōbaku-shū). Sau Sư được Nhật hoàng ban cho hiệu Ðại Quang Phổ Chiếu Quốc
sư (j: daikō fushō kokushi).

Sư họ Lâm, quê ở Phúc Châu. Năm lên 16, nhân một buổi nằm dưới cây tùng
nhìn thiên hà tinh tú vận chuyển, Sư bỗng thấy làm lạ nghĩ rằng, ngoài
Tiên, Phật ra không ai có thể hiểu được những hiện tượng này và phát
sinh ý nghĩ đi tu để thành Phật. Năm 22 tuổi, Sư đến núi Phổ-đà theo Hoà
thượng Triều Âm học hỏi, ngày ngày rót trà hầu chúng. Năm 29 tuổi, Sư
đến núi Hoàng Bá chính thức cạo đầu tu hành. Sau, Sư tham vấn Thiền sư
Mật Vân Viên Ngộ và được Ấn khả. Năm thứ 6 niên hiệu Sùng Trinh (1633),
Thiền sư Phí Ẩn Thông Dung chủ trì núi Hoàng Bá, cử Sư làm Tây đường,
năm thứ 10 cử làm chủ pháp tịch Hoàng Bá. Trong hệ thống truyền thừa, Sư
được xem là kế thừa Phí Ẩn Thông Dung (費 隱 通 容; 1593-1661). Năm 1654,
Sư cùng hơn 20 đệ tử cất bước sang Nhật.

Sư vốn xuất thân từ tông môn Lâm Tế nhưng sống vào cuối đời Minh
(1368-1644) đầu đời nhà Thanh (1644-1911) sau Thiền sư Vân Thê Châu
Hoằng. Vì thế Sư chịu ảnh hưởng rất nặng tư tưởng “Thiền Tịnh hợp nhất”
của Vân Thê Ðại sư và khi đến Nhật Bản hoằng hoá, tông chỉ của Sư cũng
không trùng hợp với tông chỉ Lâm Tế được truyền thời Liêm Thương (j:
kamakura) tại Nhật. Nhưng cũng vì sự khác biệt này mà Sư và các đệ tử
được tiếp đón rất nồng hậu, Thiền tăng Nhật Bản tranh nhau đến tham vấn
học hỏi và sau này, dòng thiền của Sư được chính thức công nhận là một
tông phái riêng biệt, được gọi là Hoàng Bá tông.

Sư tịch năm 1673 tại Nhật Bản.

Án Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

案 山; C: ànshān; J: anzan;

Ngọn núi chắn ngang trước hang động hay toà nhà. Khi rặng núi có nhiều
đỉnh liên tiếp nhau, thì những ngọn núi gần được gọi là Nội án sơn (内 案
山), những ngọn núi xa được gọi là Ngoại án sơn (外 案 山).

An Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

安 心; J: anjin;

Là trạng thái yên tĩnh của tâm thức, chỉ thật sự đạt được khi đã có kinh
nghiệm Giác ngộ. Theo Thiền tông thì phép Toạ thiền là con đường ngắn
nhất để đạt tâm thức an lạc.

An Thế Cao

Từ Điển Đạo Uyển

安 世 高; C: ān shìgāo, tk. 2;

Cao tăng xứ An Tức, đến Trung Quốc năm 148 và là người đầu tiên dịch
Kinh sách Phật giáo ra tiếng Hán, nhất là kinh sách về các phép tu
thiền, như An-ban thủ ý (s: ānā-pānasati). Vì vậy Sư được xem là người
lập ra Thiền tông trong thời Phật pháp được truyền qua Trung Quốc lần
đầu.

An Thế Cao là hoàng tử nước An Tức (e: parthie) nhưng xuất gia đi tu và
sang Trung Quốc, sống trên 20 năm ở đây. Sư là danh nhân đầu tiên được
ghi rõ trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, là người đã thúc đẩy các công
việc dịch kinh điển có hệ thống. Ðể đạt được như vậy, Sư thành lập
những văn phòng chuyên dịch kinh sách. Số lượng những bản dịch của Sư
được ghi chép lại từ 34 đến 176. Những bản dịch này được chia làm hai
loại: 1. Những tác phẩm chuyên về Thiền (s: dhyāna) với những kĩ thuật
như An-ban thủ ý, quán Biến xứ (p: kasiṇa), Quán thân (p:
kāyagāta-sati)…. 2. Kinh sách với những nội dung xếp đặt theo hệ số – ví
dụ như Ngũ uẩn (s: pañcaskandha), Lục xứ. Sư thường sử dụng từ ngữ đạo
Lão (Lão Tử) để dịch kinh sách sang Hán văn.

An-Ban Thủ ý

Từ Điển Đạo Uyển

安 般 守 意; P: ānāpānasati; dịch nghĩa là Nhập tức xuất tức niệm (入 息 出 息 念), là sự tỉnh giác trong lúc thở, thở ra, thở vào.

Một trong những phép tu cơ bản quan trọng nhất để đạt Bốn xứ hay Ðịnh
(s: samādhi). Phép này tập trung nơi hơi thở, qua đó tâm thức đạt yên
tĩnh, là phép tu của hầu hết mọi trường phái Phật giáo. Từ phép niệm hơi
thở, hành giả dễ dàng tiến tới phép tập giác tỉnh (念; niệm; s: smṛti;
p: sati) trong hơi thở. Sau đó hành giả tập giác tỉnh trong mọi diễn
biến về tâm và về thân.

Kinh Bốn niệm xứ (p: satipaṭṭhāna-sutta) viết: “Hành giả hít vào chậm
rãi, người đó biết ›tôi hít vào chậm rãi‹; thở ra chậm rãi, người đó
biết ›tôi thở ra chậm rãi‹; hít vào ngắn, người đó biết ›tôi hít vào
ngắn‹; thở ra ngắn, người đó biết ›tôi thở ra ngắn‹; người đó nghĩ rằng
›tôi hít vào, cả thân thể tiếp nhận‹; người đó nghĩ rằng ›tôi thở ra, cả
thân thể tiếp nhận‹; người đó nghĩ rằng ›mọi bộ phận thân thể đều được
trong sạch, tôi hít vào‹; người đó nghĩ rằng ›mọi bộ phận thân thể đều
được trong sạch, tôi thở ra‹; ›cảm nhận an lành…‹, người đó nghĩ rằng
›tâm thức an lành‹, ›tâm thức rực sáng‹, ›tâm thức chú ý‹; ›quán vô
thường‹; ›quán xả bỏ‹… tôi hít vào, tôi thở ra.”

Ðây là một trong những bài kinh đầu tiên được truyền bá tại Việt Nam, được Khang Tăng Hội đề tựa.

Ăng-Kor Wat

Từ Điển Đạo Uyển

Di tích quan trọng tại Campuchia, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer.

Ðược xây dựng dưới thời vua Surja-warman II (1113-1150), Ăng-kor Wat mới
đầu để thờ thần Viśnu của Ấn Ðộ giáo. Về sau, khi vương triều Khmer
theo Phật giáo, Ăng-kor Wat trở thành linh đền thờ Phật. Sau khi bị
người Thái Lan huỷ diệt và các nhà vua Khmer bỏ về Phnom Penh trong thế
kỉ 15, Ăng-kor Wat rơi vào quên lãng, bị rừng già vây phủ và được khám
phá lại trong thế kỉ thứ 19.

Ảo ảnh

Từ Điển Đạo Uyển

幻 影; S, P: māyā; dịch âm là Ma-da, cũng được gọi là giả tướng (假 相), đọc đúng là “Huyễn ảnh”;

Danh từ được dùng để chỉ thế giới hiện tượng đang liên tục thay đổi này.
Ðối với người chưa giác ngộ thì thế giới này là thế giới duy nhất có
thật. Ảo ảnh được dùng để chỉ tất cả các hiện tượng sinh diệt, không
thuộc thật tại cuối cùng (Ba thân). Một khi thấu hiểu rằng mọi Pháp đều
là ảo ảnh thì điều đó đồng nghĩa với Giác ngộ (Bồ-đề) và đạt Niết-bàn.

Theo quan niệm Phật giáo thì “thấy” thế giới, tự chủ rằng có “một người”
đang nhận thức và có “vật được nhận thức”, có “ta” có “vật” có thế giới
luân chuyển này chưa phải là sai lầm. Sai lầm là ở chỗ cho rằng sự vật
bất biến, trường tồn và thế giới này là duy nhất, có thật. Ðây mới là
Kiến giải bất thiện vì nó ngăn trở những tri kiến bổ ích khác. Thật sự
thì cái tương đối và cái tuyệt đối không hề rời nhau; và như thế, ảo ảnh
(mê) và Bồ-đề (ngộ) bản tính không hai. Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác
trình bày rất tuyệt vời sự việc này ngay trong phần đầu của bài Chứng
đạo ca:

君不見

絕學無爲閑道人。不除妄想不求真

無明實性即佛性。幻化空身即法身

法身覺了無一物。本源自性天真佛

Quân bất kiến!

Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân

Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân

Vô minh thật tính tức Phật tính

Huyễn hoá không thân tức pháp thân

Pháp thân giác liễu vô nhất vật

Bản nguyên tự tính Thiên chân Phật…

Bạn chẳng thấy sao!

Tuyệt học, vô vi – đạo nhân nhàn

Chẳng trừ vọng tưởng – chẳng cầu chân

Thật tính của vô minh – chính Phật tính

Thân huyễn hoá trống rỗng này – chính Pháp thân

Chứng Pháp thân – chẳng một vật

Tự tính nguyên là Thiên chân Phật!…

Ba ải

Từ Điển Đạo Uyển

Hán Việt: Tam quan (三 關);

Chỉ thân (s: kāya), khẩu (s: vāk), ý (s: citta), ba động cơ tạo Nghiệp
(s: karma) của con người. Việc phòng hộ ba ải này rất được chú trọng
trong đạo Phật (Thân, khẩu, ý).

Ba Chân Lí

Từ Điển Đạo Uyển

Hán Việt: Tam đế (三 諦), Thiên Thai tam quán (天 台 三 觀);

Ba quan điểm quan trọng của Thiên Thai tông về thật tướng của vạn sự. Ðó
là ba tính chất đặc trưng của vạn vật là Không (空; s: śūnyatā), giả (假;
Ảo ảnh) và trung (中). Sự vật vốn không, nhưng vẫn có một hình tướng giả
tạm, đó là quan điểm Trung đạo (中 道; s: mādhyamāpratipāda).

Ba Cửa Giải Thoát

Từ Điển Đạo Uyển

Giải thoát: S: vimokṣa; P: vimokkha; gọi theo Hán Việt là Tam giải thoát môn (三 解 脫 門);

I. Phép quán nhằm giác ngộ Không (空; s: śūnyatā), Vô tướng (無 相; s:
ānimitta) và Vô nguyện (無 願; s: apraṇihita), không còn ham muốn để đạt
Niết-bàn. Ba giải thoát này là nhận biết Ngã và Pháp đều trống không,
nhận biết ngã và pháp là bình đẳng, vô tướng, nhận biết sinh tử là Khổ
(xem thêm Tám giải thoát); II. 1. Theo Kim Cương kinh thì ba cửa giải
thoát là Không giải thoát môn (空 解 脫 門), Kim Cương giải thoát môn (金 剛 解
脫 門) và Huệ giải thoát môn (慧 解 脫 門).