Bài Viết Lưu Trữ

Từ Điển Đạo Uyển

A-Chin-Ta

Từ Điển Đạo Uyển

S: aciṅta, aciṅtapa; cũng gọi A-chin-ta-pa,với biệt danh là “Nhà tu hành mê của”
Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) Ấn Ðộ, được xem là đệ tử của Kam-ba-la (s: kam­ba­la), sống trong cuối thế kỉ thứ 9.

Ông là một người đốn củi nghèo tại Ða-ni-ru-pa (s: dhanirupa), chỉ mong được giàu có. Bị ý nghĩ này hành hạ, ông trốn vào rừng sống
độc cư và gặp Du-già sư (s: yogin) Kam-ba-la. Kam-ba-la hướng dẫn ông vào Saṃ-va-ra-tan-tra, dạy cho ông phép đối trị lòng tham muốn giàu
sang:

Tham muốn là những gì?

Tham muốn là con trai,

của một người đàn bà

mất khả năng sinh sản.

Hãy giải thoát khỏi nó.

Quán thân là bầu trời,

lúc đó Thần giàu sang,

sẽ tự hiện trước mắt,

và ước nguyện thành tựu.

A-chin-ta quán tưởng đúng như lời Ðạo sư chỉ dạy. Tâm thức thèm
khát của ông biến mất trong ánh sáng đầy tinh tú, tinh tú lại biến mất
trong không gian rộng lớn nên tâm thức ông trống rỗng. Ông báo lại với
thầy tâm mình đã trống, Kam-ba-la dạy tiếp:

Tự tính bầu trời ư?

Có vật gì không nào?

Ngươi còn thèm vật gì,

không màu sắc, hình tướng?

Còn gì để quán tưởng?

Khi A-chin-ta nghe câu nói này, ông đạt Ðại thủ ấn tất-địa. Thánh đạo ca (s: dohā) của ông như sau:

Trong Ðại ấn vô tướng,

vạn tư duy giả dối,

đã biến thành trống rỗng.

Mọi hiện tượng chỉ là,

tâm thức đang biến hiện,

thật tại ta chính là,

Ðại thủ ấn không khác.

A-Di-đà

Từ Điển Đạo Uyển

阿 彌 陀; danh từ dịch âm từ chữ amita, dạng viết tắt của hai chữ Phạn (sanskrit) là Amitābha và A­mitāyus. Amitābha nghĩa là Vô Lượng Quang, ánh sáng vô lượng, Amitāyus là Vô Lượng Thọ, là thọ mệnh vô lượng;
Tên của một vị Phật quan trọng, được tôn thờ nhiều nhất trong Ðại thừa (s: ma­hā­yāna). A-di-đà là giáo chủ của cõi Cực lạc (s: su­khāvatī) ở phương Tây. Phật A-di-đà được tôn thờ trong Tịnh độ tông tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Tây Tạng, tượng trưng cho Từ bi và Trí huệ.

H 1: A-di-đà Phật
Trong Phật gia (s: buddhakula) thì Phật A-di-đà được tôn thờ sớm nhất trong lịch sử, vào khoảng thế kỉ thứ nhất sau Công nguyên. Thân hình của Ngài thường được vẽ bằng màu đỏ, tượng trưng cho màu mặt trời lặn phương Tây. Tay của Ngài bắt Ấn thiền định, giữ Bát, dấu hiệu của một giáo chủ. Những trái cây trong bình bát tượng trưng cho trí huệ phong phú của Ngài. Tao sen tượng trưng cho sự thanh tịnh và hai con công là biểu hiện của sự thoát hiểm, thoát khổ. Tại Ấn Ðộ và Tây Tạng, người ta tin rằng con công có thể ăn tất cả những chất độc mà không bị ảnh hưởng gì.
Phật A-di-đà cũng thường được trình bày với hình tượng mang vương miện kết bằng ngọc quý, có khi dưới dạng của Pháp Tạng tỉ-khâu, đầu cạo trọc, một dạng tiền kiếp của Ngài. Thông thường, A-di-đà được vẽ ngồi trên toà sen, tay Ngài bắt ấn thiền hay ấn giáo hoá. Cùng được thờ chung với A-di-đà là hai vị Ðại Bồ Tát, đó là Quán Thế Âm (s: avaloki­te­śva­ra), đứng bên trái và Ðại Thế Chí (s: ma­hā­sthā­ma­prāpta), đứng bên mặt của Ngài. Có khi người ta trình bày Ngài đứng chung với Phật Dược Sư (s: bhai­­ṣajyaguru-­bud­dha). Tương truyền rằng A-di-đà từng là một nhà vua. Sau khi phát tâm mộ đạo, Ngài từ bỏ ngôi báu và trở thành một tỉ-khâu với tên Pháp Tạng (s: dhar­mā­kara). Ngài quyết tâm tu hành thành Phật và nguyện giúp chúng sinh sống trong cõi Cực lạc của mình cũng sẽ thành Phật. Ngài lập 48 đại nguyện nhằm giúp chúng sinh giải thoát. Các lời nguyện quan trọng nhất là:
(18) »Sau khi ta đạt chính quả, chúng sinh trong khắp mười phương thế giới chỉ cần nghe đến tên ta là đã khởi niệm cầu đạt quả vô thượng. Lúc họ chết mà nhớ nghĩ đến ta, ta sẽ hiện đến cùng quyến thuộc xung quanh để giúp họ khỏi sợ hãi. Nếu không được như thế thì ta quyết không thành Phật«; (19) »Sau khi ta đạt chính quả, chúng sinh trong vô số thế giới chỉ cần nghe đến tên ta, muốn thác sinh trong Tịnh độ của ta để trau dồi thiện nghiệp thì họ phải được toại nguyện. Nếu không được như thế thì ta quyết không thành Phật.« Nhờ phúc đức tu học, cuối cùng Pháp Tạng trở thành Phật A-di-đà, giáo chủ cõi Cực lạc.
Trong lịch sử đạo Phật, việc tôn xưng A-di-đà là một mốc phát triển quan trọng. Phép niệm A-di-đà là một cách tu dưỡng mới của Phật tử, không phải trải qua vô số kiếp. Ðây là cách tu dưỡng dựa vào Tha lực, dựa vào đại nguyện của một vị Phật – một phép tu »nhanh chóng, dễ dàng« hơn chứ không phải dựa vào tự lực của chính mình. Ðó là phép tu nhất tâm niệm danh hiệu »Nam-mô A-di-đà Phật« lúc lâm chung để được sinh vào cõi của Ngài.

A-Di-đà Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

阿 彌 陀 經; S: amitābha-sūtra; chính là bản ngắn của Ðại thừa vô lượng thọ trang nghiêm kinh.

Một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của tông Tịnh độ, lưu hành rộng
rãi tại Trung Quốc, Nhật và Việt Nam. Kinh này trình bày phương pháp
nhất tâm niệm danh hiệu A-di-đà và sẽ được Ngài tiếp độ về cõi Cực lạc
lúc lâm chung (Niệm Phật). Ngày nay, nguyên bản Phạn ngữ (sanskrit) của
kinh này đã thất lạc, người ta chỉ còn tìm thấy những bản chữ Hán của
hai dịch giả lừng danh là Cưu-ma-la-thập và Huyền Trang.

A-Dục

Từ Điển Đạo Uyển

阿 育; S: aśoka; P: asoka; cũng gọi là A-du-ca, dịch nghĩa là Vô Ưu, không ưu sầu, lo nghĩ;

Tên của một vị vua xứ Maurya miền Bắc Ấn Ðộ, trị vì từ năm 272 đến
236 trước Công nguyên, mất năm 231. Trong lịch sử Ấn Ðộ, ông đã để lại
nhiều dấu tích quan trọng. Sau một cuộc viễn chinh đẫm máu năm 260 ông
có dịp được nghe Phật pháp và tỉnh ngộ, quyết định thành lập một “Vương
quốc phụng sự Phật pháp.” Ông đích thân đi khắp các miền trong nước để
bảo vệ luật lệ và chính pháp. Ông cũng là người cổ vũ việc ăn chay và
chống tệ nạn giết thú vật cúng tế. Trong thời A-dục vương, đạo Phật
phát triển mạnh ở Tích Lan. Người con trai của A-dục vương là Ma-hi-đà
(mahinda) cũng góp phần rất nhiều trong việc truyền bá đạo Phật.

Tài liệu về A-dục rất nhiều sai khác. Theo tài liệu từ văn hệ Pā-li
thì ông là một quốc vương chỉ phụng sự cho đạo Phật. Theo một số tài
liệu của giới khảo cổ, nhất là tư liệu khắc trên đá do chính A-dục cho
ghi lại thì ông cũng ủng hộ rất mạnh các giáo phái khác, đúng như trách
nhiệm của một nhà vua. Các tư liệu khắc trên đá hay dùng chữ “Pháp”
(s: dharma). Người ta thấy rằng Pháp nói ở đây không chỉ phải là Phật
pháp mà là một hệ thống luân lí do nhiều trào lưu tôn giáo thời đó tổng
hợp lại. Quan điểm của A-dục vương là làm sao thần dân có một cuộc đời
hạnh phúc; trong đó gồm sự tự do, lòng từ bi, tránh chém giết, biết
tuân lời, tôn trọng sự thật, hướng nội…

Dưới thời A-dục vương có một sự can thiệp của triều đình vào Tăng-già
khi Tăng-già đứng trước nạn chia rẽ. Lần đó, một số tỉ-khâu bị loại ra
khỏi giáo hội, buộc phải hoàn tục.

A-đề Phật

Từ Điển Đạo Uyển

阿 提 佛; S: ādibuddha; dịch nghĩa là Bản sơ Phật (本 初 佛), tức là vị Phật gốc, Phật cội nguồn. Xem thêm: Phổ Hiền.

A-đề-Sa

Từ Điển Đạo Uyển

阿 提 沙; S: atīśa, atiśa; A-đề-sa là cách đọc theo
âm Hán Việt, dịch ý là “Người xuất chúng, xuất sắc”, cũng được gọi là
Nhiên Ðăng Cát Tường Trí (燃 燈 吉 祥 智; s: dī­paṅ­­ka­raśrī­jñā­na);

Ðại sư người Ðông Ấn (982-1054), người đã đóng góp rất nhiều trong
việc truyền Phật giáo sang Tây Tạng. Sư chuyên nghiên cứu các phương
pháp phát triển Bồ-đề tâm (s: bo­dhi­­­citta). Là Tổ của dòng Ma-kiệt-đa
(s: ma­ga­dha) và thuyết sư tại đại học Siêu Giới (s:
vi­­kramaś­īla), Sư được mời qua Tây Tạng và sống ở đó 12 năm cuối đời
mình. Sư là người sáng lập trường phái Cam-đan (t: ka­dam­pa), gây ảnh
hưởng rất lớn cho nền Phật giáo Tây Tạng, nhất là dòng Cách-lỗ (t:
ge­­lugpa) của Tông-khách-ba (t: tsong-kha-pa). Ðệ tử quan trọng nhất
của Sư là Lạc-mẫu-đông (hoặc Ðông-đốn [t: drom­ton], 1003-1064).

Thế kỉ thứ 10 được xem là thời đại truyền pháp lần thứ hai từ Ấn Ðộ
qua Tây Tạng, thông qua vương triều miền Tây. Ban đầu nhà vua cử sứ giả
qua Ấn Ðộ thỉnh kinh, như dịch giả Lâm-thân Tang-pha (t: rinchen
sangpo). Về sau nhà vua mời hẳn một Luận sư Ấn Ðộ và người đó là
A-đề-sa. Năm 1042, Sư bước chân vào đất Tây Tạng, sống ở Netang và bắt
đầu giáo hoá.

Trong tác phẩm Bồ-đề đạo đăng (s: bo­dhi­pa­tha­­pra­dīpa), Sư trình
bày toàn cảnh giáo pháp Ðại thừa và chia hành giả theo ba căn cơ khác
nhau: 1. Hạ sĩ: loại người mong được tái sinh nơi tốt lành, 2. Trung
sĩ: loại người tu vì sự giác ngộ của chính mình (Tiểu thừa) và 3. Thượng
sĩ: loại người tu vì sự Giác ngộ của tất cả chúng sinh (Bồ Tát). Công
trình chính của A-đề-sa là xếp đặt thứ tự kinh sách, không phổ biến bừa
bãi. Sư là người đưa Ða-la (s: tārā) trở thành một vị nữ Hộ Thần quan
trọng trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng. Trong các trứ tác, Sư thống
nhất hai trường phái chính của giáo pháp Bát-nhã ba-la-mật: quan điểm
tính Không (s: śūnyatā) của Long Thụ (s: nāgārjuna) và tính bao trùm
của tâm thức giác ngộ theo Vô Trước (s: a­saṅ­ga).

A-Hàm

Từ Điển Đạo Uyển

阿 含; S: āgama; A-hàm là dịch theo âm Hán Việt, dịch nghĩa là Pháp quy, Vô tỉ pháp, tức là cái “gốc của giáo pháp”;

Tên đặt cho các bộ kinh căn bản của Phật giáo viết bằng văn hệ chữ
Phạn (sanskrit), nội dung giống các Bộ kinh (p: ni­kā­ya) thuộc văn hệ
Pā-li. Có bốn bộ A-hàm: 1. Trường a-hàm (s: dīr­ghāgama) gồm 30 bản
kinh; 2. Trung a-hàm (s: mā­dh­­yamā­gama), tập trung về các vấn đề
siêu nhiên; 3. Tạp a-hàm (s: saṃyuk­tāga­ma), với nhiều đề tài khác
nhau như quán tưởng và thiền định; 4. Tăng nhất a-hàm (s:
ekottarikāgama).

A-hàm tập hợp các giáo lí cơ bản của Tiểu thừa mà đức Phật đã từng
thuyết giảng như Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Mười hai nhân duyên, Nghiệp…
Các Bộ kinh thuộc văn hệ Pā-li của Tiểu thừa phần lớn đều trùng hợp
với A-hàm, nhưng Bộ kinh thì có thêm phần thứ năm là Tiểu bộ kinh (p:
khud­daka-nikāya).

A-Jan-Ta

Từ Điển Đạo Uyển

S: ajaṇṭā; Hán Việt: A-chiên-đà;

Một thành phố phía Tây Ấn Ðộ, nổi tiếng với những hang động có di
tích đạo Phật. Cố đô này được kiến tạo giữa năm 200 và 700 sau Công
nguyên. Người ta tìm thấy tổng cộng 29 động, dài trên 5,6 km với các bức
tranh vẽ trên tường, được xem là còn nguyên vẹn nhất trên thế giới.
Ðây là di tích quý báu nhất của Ấn Ðộ về nghệ thuật hội hoạ Phật giáo,
cho phép người ta tìm hiểu sự phát triển của nền nghệ thuật này suốt
gần một thế kỉ.

Các bức tranh trên tường diễn tả lại cuộc đời của Phật Thích-ca
Cồ-đàm như kinh sách truyền lại: Thái tử Tất-đạt-đa ra bốn cửa thành;
hành động mê hoặc của Ma vương; lúc Ngài sắp thành đạo, nhập Niết-bàn…
Một số tranh khác diễn tả các tiền kiếp của Ngài. Qua các bức tranh,
người ta có thể biết thêm về cuộc sống Ấn Ðộ trong thời gian đầu Công
nguyên. Ðặc biệt trong bốn hang động, người ta còn tìm thấy các dạng
Tháp (s: stūpa) thời đó.

A-Jô-Gi

Từ Điển Đạo Uyển

S: ajogi, āyogipāda, với biệt danh là “Kẻ vô dụng bị hất hủi.”

Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) Ấn Ðộ, sống ở Hoa Thị thành (s: pāṭa¬lipu¬tra).

Ông là người lười biếng vô cùng, chỉ biết ăn ngủ đến nỗi người mập phệ.
Ông không làm được việc gì, hoàn toàn vô tích sự, đến mức cha mẹ cho ra ở
trên bãi thiêu xác. Một Du-già sư (s: yogin) đi ngang, chỉ ông phép
quán tưởng như sau: “Hãy tưởng tượng một chấm tròn, không lớn hơn một
hạt cải, chấm đó nằm trên đầu mũi ngươi, trên cửa hơi thở ra vào của
ngươi, và quán tưởng trong hạt cải đó một trăm triệu thế giới.”

A-jô-gi nghe lời và sau chín năm thiền định tinh cần, ông đạt Ðại thủ ấn
tất-địa (s: mahāmudrāsiddhi). Phép quán tưởng mà ông tu học chính là
phép quán tính Không, để cho tư tưởng hoà tan trong Không. Ðối tượng
quán sát này cũng làm ta nhớ lời Phật, đại ý “trên đầu ngọn cỏ là cả một
thế giới.”

Chứng đạo ca của A-jô-gi như sau:

Theo lời dạy của thầy,

quán trên mũi điểm Không.

Khi tâm đọng trên điểm,

thì thế gian tan biến.

A-La-Hán

Từ Điển Đạo Uyển

阿 羅 漢; S: arhat; P: arahat, arahant; T: dgra com pa; dịch
nghĩa là Sát Tặc (殺 賊), là diệt hết bọn giặc phiền não, ô nhiễm; Ứng
Cung (應 供), là người đáng được cúng dường; Bất Sinh (不 生) hoặc Vô Sinh
(無 生), là người đã đạt Niết-bàn, đoạn diệt sinh tử.

A-la-hán là danh từ chỉ một Thánh nhân, người đã đạt cấp “vô học” của
Thánh đạo (s: āryamārga; p: ariyamagga), không bị ô nhiễm (s: āśrava; p:
āsava) và Phiền não (s: kleśa; p: kilesa) chi phối. Thánh quả A-la-hán
có khi được gọi là Hữu dư niết-bàn (s: sopadhiśeṣanirvāṇa; p:
savupadisesanibbāna).

A-la-hán là hiện thân của sự Giác ngộ trong thời Phật giáo nguyên thuỷ.
Khác với hình ảnh của Bồ Tát, hiện thân của Phật giáo Ðại thừa của thời
hậu thế với mục đích Giải thoát mọi chúng sinh, A-la-hán tu tập nhằm
giải thoát riêng mình. A-la-hán là các vị đã giải thoát 10 Trói buộc thế
gian như: Ngã kiến, Nghi ngờ, chấp đắm giới luật, tham, sân hận, sắc
tham, vô sắc tham, kiêu mạn, hồi hộp không yên (trạo), Vô minh. A-la-hán
được xem là người đã từ bỏ ô nhiễm, bỏ các gánh nặng, đã đạt mục đích
và tâm thức đã được giải thoát.

A-Lại-Da Thức

Từ Điển Đạo Uyển

阿 賴 耶 識; S: ālayavijñāna; dịch nghĩa là Tạng thức (藏).

Khái niệm quan trọng của Duy thức tông (s: vijñānavāda), một trong hai
nhánh chính của Phật giáo Ðại thừa (s: ma-hāyāna). Trong trường phái
này, A-lại-da thức được xem là thức căn bản của mọi hiện tượng. Thức này
chứa đựng mọi kinh nghiệm của đời sống mỗi con người và nguồn gốc tất
cả các hiện tượng tinh thần.

Khái niệm A-lại-da thức là cơ sở của Duy thức tông, qua đó người ta giải
thích sự hiện hữu của “con người”, của “cá nhân”. Theo đó, các Chủng tử
(s: bīja) của Nghiệp (s: karma; p: kamma) được chứa đựng trong A-lại-da
thức và đợi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện thành tư tưởng. Các tư tưởng có
tính riêng tư đó tác động trong mối liên hệ với Vô minh (s: avidyā) và
Ngã (s: ātman) chấp làm cho mỗi người tưởng rằng có một con người đứng
sau mọi hành động của mình. Tư tưởng đó lại gây tiếp các chủng tử của
nghiệp, và nghiệp lại tiếp tục tạo tác. Vòng lẩn quẩn này chỉ được đối
trị bằng quan điểm cho rằng, không hề có một thế giới độc lập ngoài Tâm.
Theo đó thế giới chỉ là phản ánh của A-lại-da thức, con người chỉ thấy
bóng dáng của chính tâm thức nó. A-lại-da thức thường được xem như là
“sự thật cuối cùng”, có khi được gọi là Chân như (s: tathatā). Theo một
quan điểm Phật giáo khác thì A-lại-da thức chỉ là nơi tập hợp của mọi
nghiệp xưa cũ (Pháp tướng tông).

A-Ma-Ra-Va-Ti

Từ Điển Đạo Uyển

S: amāravatī; Hán Việt: A-ma-la-bà-đề 阿 摩 羅 婆 提;

Thành phố miền Nam Ấn Ðộ, là một trung tâm nghệ thuật Phật giáo quan
trọng ở thế kỉ 2-3. Những di tích ở đây phản ánh lại thời gian đầu của
Ðại thừa Phật pháp. Sự nối tiếp giữa nghệ thuật thời Phật giáo nguyên
thuỷ và nghệ thuật vùng Càn-đà-la (s: gandhāra) đã gây ảnh hưởng lớn cho
nền văn hoá nghệ thuật ở những vùng Nam á, nhất là ở Thái Lan, Nam
Dương (indonesia) và Tích Lan (śrī laṅkā).

Di tích nghệ thuật quan trọng nhất của vùng này là một Bảo Tháp (s:
stūpa) nằm ở phía Ðông, theo truyền thuyết có chứa đựng Xá-lị của đức
Phật lịch sử. Việc phát hiện một trụ đá với những lời viết của vua A-dục
(s: aśoka) chứng tỏ rằng, ông chính là người thúc đẩy việc xây dựng Bảo
tháp này. A-ma-ra-va-ti cũng là trung tâm của Ðại chúng bộ (s:
mahāsāṅghika). Các người hành hương mộ đạo từ mọi nơi – ngay cả Hoa Thị
thành (s: pāṭaliputra) – đều đến chiêm bái trung tâm Phật học này. Tam
Tạng Pháp sư Huyền Trang thuật lại rằng, trong thời hưng thịnh, hơn 20
tu viện tầm cỡ được kiến lập tại đây.

A-Na Bồ-đề

Từ Điển Đạo Uyển

阿 那 菩 提; S: ānabodhi;

Tổ thứ 12 của Thiền tông Ấn Ðộ, là Mã Minh (aśvaghoṣa).

A-Na-Ha-Na

Từ Điển Đạo Uyển

J: anahana; S: ānāpāna;

Cách đọc tiếng Nhật của chữ Phạn ānāpāna, nói về sự kiểm soát hơi thở
trong Du-già Ấn Ðộ. Ngược với Du-già Ấn Ðộ, trong Thiền tông người ta
không kiểm soát hay điều hoà hơi thở, A-na-ha-na có mục đích để cho hơi
thở ở trong dạng tự nhiên nhất của nó. Trong phép Toạ thiền (j: zazen),
hơi thở đóng một vai trò quan trọng, nhưng hành giả chỉ ý thức và tỉnh
giác về nó, chứ không hề tìm cách điều khiển theo ý mình.

Nếu Du-già Ấn Ðộ cho rằng sự kiểm soát hơi thở kéo theo một tâm thức sâu
lắng thì Thiền tông cho rằng sự tỉnh giác tâm ý sẽ đưa hơi thở trở về
trạng thái tự nhiên và cho rằng sự cố ý kiểm soát hơi thở chỉ gây thêm
căng thẳng nội tâm và chỉ làm hành giả mất tỉnh giác. Vì vậy, hành giả
Thiền tông thường chỉ học phép đếm hơi thở và không áp dụng thêm các
thuật khác của Du-già (An-ban thủ ý).

A-Na-Hàm

Từ Điển Đạo Uyển

阿 那 含; S, P: anāgāmin; dịch ý là Bất hoàn;

Bất hoàn.