GIỌT NGHĨA GIỌT ÂN…
Hạnh Đoan

 

Hồi nhỏ có lần tôi hỏi ba tôi:

– Ba thích con lớn lên làm nghề gì?

Ba tôi nói thật bất ngờ:

– Ba thích con đi tu!

Lúc ấy tôi chỉ mới mười ba, câu đáp khiến tôi nghĩ ngợi… Thật sự tôi chưa khát khao thóat ly thế tục, dù rằng mỗi khi xuống chùa thăm chị Thủy, Sư bà thường khuyến khích tôi đi tu. Hồi ấy chị Phượng mới xuất gia không lâu, Sư bà bảo nếu tôi đi tu, Sư bà sẽ cho tôi xuống chùa Từ Nguyên ở miền Tây (làm đệ tử của Sư phụ Sư bà), vì tính tôi bướng bỉnh, chỉ có nương đức Sư bà Từ Nguyên may ra mới uốn nắn nổi…. nếu tôi chịu theo sắp xếp này, thì tôi sẽ được làm Sư chú của chị Thủy và chị Phượng…

Tôi nghe xong, khóai lắm. Còn chị Thủy thì thăm dò chí khí tôi bằng một câu:

– Tại sao muốn đi tu?

Tôi đáp tỉnh bơ:

– Vì chùa có nhiều bánh!

Chị Thủy liền thưa với Sư bà:

– Ối trời ơi! Vậy lỡ như chùa hết bánh nó sẽ khóc đòi ra… kiểu này không được rồi!

Thế là chuyện “cầu chân lý” của tôi được gác lại, tôi cũng không lưu tâm. Thật tình thì tôi đang rất quyến luyến Thứ mẫu và chưa muốn rời xa bà.

Sau đó ba tôi bảo Thứ mẫu tập cho tôi làm bếp, nếu không, sau này sẽ bị người ta mắng vốn… Nhà tôi cử giết vật sống, thường thì chỉ ăn đồ biển hoặc các thứ bán sẵn ngoài chợ. Dượng tôi nuôi cả trại gà lớn, gà chết rất thường nên tôi thực tập gia chánh trên xác con gà. Lần đầu xách con gà chết lên, tim tôi muốn ngừng đập vì quá sợ, Thứ mẫu tôi đã trụn nước sôi nó rồi, tôi phải tiến hành việc nhổ lông và “phẫu thuật”. Tôi xách con gà ra bờ sông với trái tim đau cùng cực. Tôi nhắm mắt đưa dao lên chặt đầu gà, chân gà, vứt đi… nước mắt tôi nhỏ long tong với ý nghĩ:

“Tại sao tôi khổ thế này cơ chứ? Tôi thề là lớn lên tôi không để ai bắt tôi làm cái việc này! Mà… sống ở đời thì phải lệ thuộc, phải luôn nươm nớp sợ người ta mắng vốn, chắc chỉ còn nước… đi tu mới bảo đảm là tôi không bị ép phải vung đao với con gì cả”.

Cô tôi rất vén khéo, bếp núc không chê vào đâu được. Ngày giỗ, cô ngồi nhổ lông để cắt cổ mấy con gà, thấy cô lẩm nhẩm gì đó trong miệng, tôi ngạc nhiên hỏi, cô giải thích:

– Cô xin lỗi mấy con gà, xin nó đừng giận; vì bổn phận cô phải giết nó..

Tự dưng tôi bắt tức cười thầm, đè nó xuống cắt cổ mà xin nó… đừng giận?

Bình thường nhìn cô tôi rất dịu dàng khả ái, nhưng khi cô ngồi giết gà thì trông giống hệt… một bà phù thủy ác độc. Tôi không đủ can đảm nhìn cảnh tượng đó nên bỏ đi. Lúc đó tôi chưa quy y, chưa thọ ngũ giới, nhưng có một câu Phật dạy hằn sâu trong trí tôi: “Chẳng ăn vật nghi ngờ bị giết, thấy giết, hoặc giết vì mình!” Và tôi tự hào là mình chưa bao giờ đụng đũa vào những món “thảm sát” như thế (cho dù thức ăn có chế biến ngon đến mấy). Tôi nhớ lúc lên chín dự đám cưới người chị họ, dượng tôi cho làm một con bò. Tôi đứng trong nhà, nghe tiếng bò rống thảm thiết. Tiệc hôm ấy người ta làm bò bảy món, tới giờ tôi cũng không biết hương vị “bò bảy món” ra làm sao, vì bữa tiệc cưới ấy tôi cảm thấy ghê ghê nên không dám nhìn vào thức ăn lẫn chạm đũa tới… tôi chỉ xơi được các thứ bánh.

Có lần, bà hàng xóm cạnh nhà kêu tôi, vui vẻ bảo:

– Nè! Phần này dành cho gia đình con, mang vào ăn cho sốt dẻo!

Tôi lễ phép cám ơn bà, đưa tay đỡ lấy rỗ thức ăn, nhưng vừa nhìn thấy đống ốc bông luộc chín nằm trong rỗ, tôi rú lên, loạng choạng. Bà hàng xóm há hốc mồm nhìn tôi. Thấy mình nhận quà như vậy quá vô duyên và thất lễ, tôi ráng trấn tĩnh, cố nở một nụ cười:

– Dạ! Cháu cảm ơn bác!

Bà hàng xóm tỏ vẻ hài lòng, tôi mang quà vào nhà, Thứ mẫu tôi nhanh nhẹn giã tỏi gừng cộp cộp để làm nước chấm, rồi bà rút cây móc tai vắt trong búi tóc ra, rửa sạch, khều ốc; cùng “đối ẩm” với ba tôi, chỉ có tôi là trốn tận nhà trên. Thứ mẫu chỉ cười, bà quá biết ý tôi rồi.

Thứ mẫu tôi nấu đồ mặn rất khéo, rất ngon; bà vốn dạn tay sát sinh nhưng từ khi về với ba tôi là bị cấm tất. Tôi nhớ hồi nhỏ có lần bà đi chợ mua về một con cá lóc khá to, vừa lôi ra khỏi giỏ thì nó giãy đành đạch, bà ngạc nhiên nói:

– Ủa, hồi mua thấy nó nằm im, tưởng nó chết rồi ai dè giờ nó lại nhúc nhích?

Chị em tôi òa khóc, trước sự “biểu tình tập thể” đó Thứ mẫu tôi bất đắc dĩ phải thả con cá xuống sông. Chắc chắn là bà quá tiếc và bất bình thầm, cảm thấy thật vô lý khi bị ngăn không cho “thịt” con cá tươi ngon như vậy.

Sau này, bà khai với tôi:

– Ở với tụi bây không được sát sanh, nên khi thèm cá sặc quá tao về quê lén mua, giết ăn tha hồ… tới hồi đọc kinh Địa Tạng tao mới thấy sợ và hối hận! Tao sợ quá!…

Thứ mẫu tôi quê ở Bà Điểm, thuộc típ người hiền lành, chất phác, không biết dối gian. Bà đọc sách còn phải đánh vần, thấy bà mò mẫm đọc hết bộ sách “Nghìn Lẻ Một Đêm”, chị em chúng tôi ai cũng phục lăn, không ngờ bà còn chịu khó xem hết bộ kinh Địa Tạng… Lời tâm sự của bà làm tôi mừng thầm, vậy là từ nay bà sẽ không lén giết con gì nữa.

Tôi khuyên bà niệm Phật Di Đà, bà ngẫm nghĩ hồi lâu rồi e dè bảo tôi:

– Hồi nào tới giờ tao niệm toàn là Đức Quan Âm, giờ mầy biểu niệm Di Đà, “ông kia”.. ổng.. giận tao sao?

Ba tôi ngồi bên, xì một tiếng:

– Phật mà giận hờn gì? Cái bà này thiệt là..!

Gương mặt Thứ mẫu lộ vẻ lo lắng thật sự, bà phân trần với ba tôi:

– Thiệt mà! Tui nói thiệt mà, lẽ nào lại không giận? Đúng lý thì phải vậy thôi!..

Có giải thích mấy Thứ mẫu vẫn không yên tâm, tôi bèn “dàn xếp”:

– Vậy thì mỗi tối má niệm mười chuỗi nhé, Di Đà năm chuỗi, Quan Âm năm chuỗi, khỏi sợ ai buồn..

Thứ mẫu tôi vui vẻ:

– Ờ, vậy thì được!

Khi tôi lên núi tu, mắt Thứ mẫu buồn rười rượi, tôi “dứt áo ra đi” mà lòng quặn thắt, tôi không muốn xa bà chút nào!

Tới giờ tôi vẫn còn nhớ dáng Thứ mẫu ngồi đong đưa trên chiếc võng, nhắm mắt thành khẩn lần chuỗi. Nhớ lúc bà đòi theo ở tu với tôi mà tan nát lòng. Hồi ấy nhằm vào thời phá rừng khai hoang, tôi vào Viên Chiếu, ở trong cái chòi chật hẹp, cái chòi mà mấy ông làng vô thăm thường ví von: “Giống cái chuồng bò nhà tui quá!”… thì làm sao mà đèo má theo?

Thế là Thứ mẫu phải về quê náu nương với cô em út và đám cháu, thỉnh thoảng chúng tôi tranh thủ đến thăm bà. Nói ra càng buồn, tiền của eo hẹp. Tôi lo được tiền xe thăm mẹ thì không có tiền mua quà, mà mua được quà cho bà thì không có tiền đi xe. Đó là lý do khiến những chuyến thăm viếng trở thành khan hiếm, vì tôi phải đợi có đủ tiền cho cả hai.

Thứ mẫu tôi ước có chai dầu xanh, một lần duy nhất chị Thủy được độc giả ở nước ngoài gửi cho chai dầu xanh, chị cầm nó đưa lên mũi hôn, xong trịnh trọng bảo tôi mang lên cho thứ mẫu. Nhìn vẻ hớn hở của bà, lòng tôi dạt dào vui sướng. Bây giờ mỗi lần nhìn thấy chai dầu xanh, tôi lại bùi ngùi nhớ bà – Khi chị em tôi đã có được trú xứ… “tốt hơn cái chuồng bò”, đã có khả năng cưu mang kế mẫu, thì bà không còn nữa.

Mỗi khi nhắc đến Thứ mẫu chị em tôi đều mang chung một nỗi đau, vì không thể cho bà toại nguyện, dù ước mơ của bà rất bé nhỏ, song vào thời điểm đó lại thành… quá tầm tay với của chúng tôi.

Luôn luôn con chậm mất
Một bước trên đường đời
Nên bây giờ chua xót
Gọi mẹ không thành lời!
Mẹ ơi!… (1984)

Chị Thủy đã làm bốn câu thơ này khi nhận tin Thứ mẫu mất. Bà đã cho chúng tôi tình thương đại dương – những giọt đại dương ấy tới giờ vẫn còn tưới mát… và gieo nỗi day dứt không nguôi trong lòng chúng tôi.

Hạnh Đoan – Viết xong tháng 7 năm 1999