Giác Hiền

Từ Điển Đạo Uyển

覺賢; S: buddhabhadra; 359-429, cũng được gọi theo âm là Phật-đà Bạt-đà-la;
Cao tăng Ấn Ðộ, người Kashmir, thuộc Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda). Năm 409 Giác Hiền qua Trung Quốc, cùng với Pháp Hiển dịch nhiều bộ kinh quan trọng của Ðại thừa qua chữ Hán.
Sư gia nhập Tăng-già lúc 17 tuổi và sớm nổi tiếng với giới luật nghiêm minh và khả năng thiền định. Năm 409, Sư đến Trường An và nơi đây có sự mâu thuẫn với các vị tăng của phái Cưu-ma-la-thập, là phái được triều đình thời đó ủng hộ. Vì vậy Sư rời Trường An, cùng khoảng 40 học trò đến Lư Sơn và gặp Huệ Viễn tại đây (410). Năm 415, Sư đến Nam Kinh và dịch các tác phẩm cơ bản của Phật giáo như Luật tạng (s, p: vinaya-piṭaka), kinh Ðại bát-niết-bàn (s: mahāparinirvāṇa-sūtra). Giữa năm 418 và 421, Sư dịch bộ kinh Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm (s: buddhāvataṃsaka-sū-tra) ra chữ Hán, gồm 60 tập.