Gê-sa

Từ điển Đạo Uyển


T: ge-sar; có nghĩa là “Liên hoa ấn”, ấn hoa sen; Tên của một vị anh hùng huyền thoại Tây Tạng. Hình tượng của vị này tạo nên một câu truyện cổ Phật giáo Tây Tạng, được truyền bá đến Mông Cổ qua những du sĩ. Nhân vật này xuất phát từ một vương quốc tên Ling, nằm ở phía Ðông Tây Tạng và những huyền thoại về ông bắt đầu lan truyền từ thế kỉ 11. Trong thời gian này Phật giáo đã nắm ưu thế so với đạo Bôn và đề tài chính của câu truyện này chính là những cuộc chiến giữa Gê-sa và ác loài (trong trường hợp này là Bôn giáo). Trong những cuộc chiến này, Gê-sa được xem là hiện thân của Quán Thế Âm Bồ Tát (s: avalokiteśvara) và Liên Hoa Sinh Ðại sư (s: padmasambhava). Những nhân vật anh hùng trong câu truyện này đều được xem là hoá thân của các vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha). Sau này, Gê-sa thường được tôn thờ như một vị thánh và vợ ông như một Không hành nữ (s: ḍākinī). Theo truyền thống những bài Thánh ca (s: dohā) của Drug-pa Kun-leg và Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa), những người du ca đã truyền miệng những sự tích đầu của Gê-sa. Những phần bổ sung thêm sau này do những vị Lạt-ma thực hiện qua những cảm hứng tự ngộ được. Tích này được phân thành hai chương: thời niên thiếu khổ cực, bị tất cả mọi người ruồng bỏ và thời làm vua Gê-sa. Gê-sa được xem như “con trời” giáng thế ngự trị. Sau khi ra đời thì bị trục xuất ra khỏi nước, sống viễn li đến năm 15 tuổi. Trong một cuộc đua ngựa giành ngai vàng, Gê-sa thắng được đối thủ là Khro-thung, được nhường ngai và cưới công chúa Brug-mo. Sau đó câu chuyện được tiếp nối với những cuộc chiến với ma quỷ, giáo hoá nước Hor.