duyệt tạng tri tân

Phật Quang Đại Từ Điển


(閱藏知津) Gồm 48 quyển, do ngài Ngẫu ích Trí húc (1599-1655) thuộc tông Thiên thai biên soạn vào cuối đời Minh, thu vào Đại chính tạng Pháp bảo tổng mục lục tập 3. Sách này chia 1773 bộ kinh Phật đã được đưa vào Đại tạng thành bốn bộ: Kinh, Luật, Luận, Tạp và giải thích những chỗ trọng yếu. 1. Tạng kinh: Các kinh Đại thừa được xếp theo thứ tự năm thời phán giáo của tông Thiên thai (Hoa nghiêm, Phương đẳng, Bát nhã, Pháp hoa, Niết bàn) gồm 976 bộ (từ quyển 1 đến quyển 25); kinh Tiểu thừa gồm 211 bộ (quyển 26 đến quyển 31). 2. Tạng Luật: Luật Đại thừa gồm 30 bộ (quyển 32); luật Tiểu thừa 61 bộ (quyển 33) và phụ thêm các thiên: Nghi (còn ngờ), Tự (tương tự), Tạp (lẫn lộn), Ngụy (kinh giả).3. Tạng Luận: Chia ra luận Đại thừa và luận Tiểu thừa. Luận Đại thừa lại chia: Thích kinh luận gồm 71 bộ (quyển 34), Tông kinh luận gồm 117 bộ (quyển 35 đến quyển 37), Chư luận thích gồm 32 bộ (quyển 38, 39). Luận Tiểu thừa gồm 47 bộ (quyển 40). Về tác giả thì chia các vị người Ấn độ và người Trung quốc. 4. Tạng tạp: Gồm Ngoại đạo và các kinh bị nghi là kinh giả của Ấn độ… có 48 bộ (quyển 41) và Sám nghi, Tịnh độ, Thai tông, Thiền tông, Hiền thủ tông, Từ ân tông, Mật tông, Luật tông, Toản tập, Truyện kí, Hộ pháp, Âm nghĩa, Mục lục, Tự tán, Pháp sự, Ưng thu nhập nghĩa v.v… có 176 bộ (quyển 40 đến 44). Riêng ở đầu sách có Tổng mục lục 4 quyển. Kể từ bộ Khai nguyên thích giáo lục do ngài Trí thăng soạn vào đời Đường đến nay, Duyệt tạng tri tân là tác phẩm đầu tiên thay đổi phương pháp phân loại và cách sắp đặt mục lục kinh Phật. Và Đại tạng kinh của Nhật bản (được sửa chữa và in rút ngắn lại) ấn hành vào năm Minh trị 13 (1880) cũng như Tần già tinh xá giáo san Đại tạng kinh của Trung quốc, trên đại thể, cũng bắt chước phương pháp phân loại của Duyệt tạng tri tân. Ngoài ra, còn có Tiểu duyệt tạng tri tân 4 quyển là bộ sách rút ngắn và chỉ biên soạn phần chủ yếu của Duyệt tạng tri tân.