duyên sinh pháp

Phật Quang Đại Từ Điển


(緣生法) Phạm : pratìtyasamutpanna-dharma, Pàli : paỉiccasamuppanna-dhamma. Chỉ cho pháp do duyên sinh, hoặc nói về nguyên lí duyên sinh. Kinh Tạp a hàm quyển 12 (Đại 2, 84 trung), nói: Thế nào là pháp duyên sinh? Đó là: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử bi ai khổ não. Dù Phật có ra đời hay chưa ra đời, pháp này vẫn thường trụ trong pháp giới. Đức Như lai tự biết được pháp này mà thành bậc Đẳng chính giác. Rồi Ngài đem pháp ấy diễn nói, chỉ dạy chúng sinh rằng: Duyên vô minh mà có hành, cho đến duyên sinh mà có lão bệnh tử ưu bi khổ não. Tất cả các pháp này là pháp trụ, pháp không, pháp như, pháp nhĩ, pháp bất li như, pháp bất dị như, là những pháp chân thực, không điên đảo, thuận theo duyên mà sinh khởi nên gọi là Duyên sinh pháp. Luận Câu xá quyển 9 dịch từ ngữ Nhân duyên pháp trong kinh Tạp a hàm là Duyên khởi pháp, còn pháp do duyên sinh thì dịch là Duyên dĩ sinh pháp; và giải thích Nhân phần của 12 chi là Duyên khởi, giải thích Quả phần là Duyên dĩ sinh. Luận Du già sư địa quyển 10 (Đại 30, 325 hạ) cũng nói: Chư hành sinh khởi các pháp gọi là Duyên, pháp ấy đã sinh gọi là Duyên sinh. Đứng trên lập trường các pháp không có tự tính để thuyết minh mối quan hệ giữa quả và duyên, bài kệ thứ 14 của phẩm Nhân duyên 13 trong Trung luận quyển 1 (Đại 30, 3 trung), nói: Nhược quả tòng duyên sinh, Thị duyên vô tự tính Tòng vô tự tính sinh Hà đắc tòng duyên sinh? Quả bất tòng duyên sinh Bất tòng phi duyên sinh Dĩ quả vô hữu cố Duyên, phi duyên diệc vô (Nếu quả từ duyên sinh, Duyên ấy không tự tính; Từ không tự tính sinh Sao gọi từ duyên sinh? Quả chẳng từ duyên sinh Không từ phi duyên sinh Bởi lẽ quả không có, Duyên phi duyên cũng không). Duyên khởi là dịch ý từ tiếng Phạm: pratìtyasamutpàda, dịch cũ là Nhân duyên. Còn Duyên sinh là dịch ý từ tiếng Phạm: pratìtyasamutpanna. Ba danh từ Duyên sinh, Duyên khởi, Nhân duyên thường được dùng lẫn cho nhau, trường hợp này rất nhiều. Chẳng hạn như phần phân biệt tự tính và phân biệt ái, phi ái trong luận Nhiếp đại thừa luận thích quyển 2, ngài Chân đế đời Lương dịch ái, phi ái là hai Duyên sinh; còn ngài Huyền trang đời Đường thì dịch là hai Duyên khởi. Ngoài ra, luận Duyên sinh 1 quyển do ngài Đạt ma cấp đa dịch vào đời Tùy là bản dịch khác của luận Đại thừa duyên sinh 1 quyển do ngài Bất không dịch vào đời Đường, nội dung giải thích 12 duyên khởi. [X.kinh Đại sinh nghĩa; kinh Tì bà thi Phật Q.thượng; kinh Trừ cái chướngbồ tát sở vấn Q.17; kinh Tín Phật công đức; Hữu bộ tì nại da phá tăng sự Q.5; luận Xá lợi phất a tì đàm Q.12; luận Phẩm loại túc Q.6; luận Đại tì bà sa Q.23; luận Câu xá Q.5, Q.7; luận A tì đạt ma hiển tông Q.14; luận Thuận chính lí Q.28; luận A tì đàm tâm Q.1 Hạnh phẩm; luận Đại thừa a tì đạt ma tập Q.2; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.4; luận Du già sư địa Q.56; Nhân duyên tâm luận tụng].