duyên quán câu tịch

Phật Quang Đại Từ Điển


(緣觀俱寂) Cảnh sở duyên và trí năng quán đều dứt bặt. Kinh Đại phẩm bát nhã quyển 17 (Đại 8, 349 trung), nói: Khi thực hành sáu ba la mật, Bồ tát ma ha tát nên nghĩ: Đường sinh tử dằng dặc, tính chúng sinh thăm thẳm, nhưng bờ sinh tử như hư không, tính chúng sinh cũng như hư không, trong đó, thực không có sinh tử qua lại, cũng không có Niết bàn giải thoát. Bồ tát ma ha tát thực hành như thế thì có thể đầy đủ sáu ba la mật, gần nhất thiết chủng trí. Tam luận huyền nghĩa giải thích (Đại 45, 7 hạ): Đã không có sinh tử, cũng không có Niết bàn, thì biết cũng không có chúng sinh, cũng không có Phật, như vậy há có kinh và luận ư? Bởi thế, trong, ngoài đều dứt bặt, duyên, quán đều vắng lặng. Vì duyên là cảnh thực tướng (đối tượng khách quan), quán là trí chính quán (chủ thể chủ quan), cho nên dùng trí chính quán vô sở đắc để đối ứng với cảnh thực tướng bất khả tư nghị thì trong, ngoài đều dứt bặt, duyên và quán đều vắng lặng; trong trạng thái đó, tất cả lí luận hoàn toàn chấm dứt.