duyên khởi tướng do

Phật Quang Đại Từ Điển


(緣起相由) Các hiện tượng nương vào duyên mà sinh khởi, đan dệt vào nhau, nương nhờ lẫn nhau, gọi là Duyên khởi tương do. Đối lại với Pháp tính dung thông…………. Tiếng dùng của tông Hoa nghiêm nói rõ cái lí của sự sự vô ngại. Trái lại, lí pháp tính viên dung trong các hiện tượng thì gọi là Pháp tính dung thông, biểu thị nghĩa: lí sự vô ngại. Đây là hai dụng ngữ căn bản diễn đạt giáo nghĩa Hoa nghiêm, đặc biệt dụng ngữ Duyên khởi tương do được coi trọng hơn. Trong Hoa nghiêm du tâm pháp giới kí, ngài Pháp tạng đã giải thích rõ phương tiện vào tam muội Hoa nghiêm, chia môn Duyên khởi tương do làm Khai thuyết và Hợp thuyết. Tức là đứng về mặt có sức và không sức (tức mặt tác dụng) mà bàn về sự dung thông vô ngại, nói rõ muôn pháp không có một pháp nào tồn tại riêng lẻ mà thường nương tựa lẫn nhau để sống còn. Rồi trong Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển 1, ngài Pháp tạng lại nêu 10 nghĩa của Duyên khởi tương do là: 1. Chư duyên tương dị (các duyên khác nhau): Tất cả các pháp do những nhân duyên khác nhau tạo thành, nhưng các duyên không hề hỗn loạn. 2. Hỗ biến tương tư (khắp cả giúp đỡ lẫn nhau): Các duyên trùm khắp giúp đỡ lẫn nhau mà thành duyên khởi. 3. Câu tồn vô ngại (cùng tồn tại mà không ngăn ngại): Sai biệt mà không hỗn loạn và trùm khắp lẫn nhau, thì cùng tồn tại mà không ngăn ngại nhau. 4. Dị thể tương nhập (thể khác mà nhập vào nhau): Các hiện tượng do nhân duyên sinh, tác dụng lẫn nhau, đan dệt vào nhau. 5. Dị thể tương tức (thể khác mà tức là nhau): Thể khác mà nhất thể hóa lẫn nhau, thể tức là nhau mà không trở ngại. 6. Thể dụng song dung (thể và dụng dung nhau): Thể khác mà tức là nhau, hòa nhập vào nhau, viên dung vô ngại. 7. Đồng thể tương nhập (đồng thể hòa nhập vào nhau): Trong một hiện tượng vốn đầy đủ hết thảy hiện tượng, cũng gồm đủ tác dụng của tất cả pháp. 8. Đồng thể tương tức (đồng thể tức là nhau): Đồng thể được nhất thể hóa lẫn nhau. 9. Câu dung vô ngại (đều dung nhau không ngại): Cùng thể tức là nhau, hòa vào nhau, viên dung vô ngại. 10. Đồng dị viên mãn (giống, khác tròn đủ): Dù đồng thể hay khác thể, hết thảy vạn hữu đều là pháp mầu nhiệm tương tức tương nhập chẳng thể nghĩ bàn, tức là sự sự vô ngại. [X. Hoa nghiêm kinh minh pháp phẩm nội lập Tam bảo chương Q.hạ; Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh sớ Q.2; Hoa nghiêm kinh sớ sao huyền đàm Q.6].