duyên khởi luận

Phật Quang Đại Từ Điển


(緣起論) Là giáo lí giải thích rõ về nguyên do và các tướng trạng của muôn pháp trong vũ trụ do nhân duyên sinh khởi. Đối lại với Thực tướng luận. Cứ theo truyền thuyết thì ngài Tuệ viễn đời Tùy đã chia giáo lí của Phật giáo thành hai hệ thống lớn là Thực tướng luận và Duyên khởi luận. Thực tướng luận cũng gọi là Thực thể luận: Luận thuyết xét thấu thực tướng bản thể của các pháp và lấy đó làm giáo lí. Duyên khởi luận: Lấy pháp ấn làm nền tảng, lấy 12 duyên khởi, bốn thánh đế, tám chính đạo làm tư tưởng chủ yếu. Nội dung pháp ấn thường thấy nhất là ba pháp ấn : 1. Chư hành vô thường: Đứng về phương diện thời gian mà nhận xét, thì tất cả hiện tượng (pháp hữu vi) đều sinh diệt biến hóa từng sát na, cho nên không một vật gì tồn tại cố định, bất biến. 2. Chư pháp vô ngã: Đứng về phương diện không gian mà nhận xét, thì các pháp (gồm cả hữu vi và vô vi) theo nguyên lí duyên khởi, nương tựa vào nhau mà tồn tại, trong đó không có thể thực của cái ta. 3. Niết bàn tịch tĩnh: Chúng sinh điên đảo, ngu mê, không thấy được thực tướng các pháp, vọng chấp có ta, của ta, do đó mà khởi phiền não, tạo nghiệp ác, trôi lăn không ngừng. Nếu biết rõ là vô ngã thì không bị mê hoặc, có thể thấy thực tướng, thấu suốt pháp tính vắng bặt, được tự tại vô ngại, chứng Niết bàn tịch lặng. Ngoài ba pháp ấn trên đây, còn thêm Nhất thiết giai khổ (hết thảy đều khổ) làm bốn pháp ấn. Hoặc lấy Nhất thiết giai khổ và Niết bàn tịch tĩnh làm hai pháp ấn. Nhất thiết giai khổ là kết luận được rút ra từ sự khảo sát thế giới hiện thực theo quan điểm lí tưởng. Bởi vì thế giới hiện thực là thế giới luân hồi của phàm phu, đầy dẫy các nỗi khổ não và bất mãn, không có bất cứ niềm hạnh phúc, khoái lạc tuyệt đối nào có thể cảm được. Mười hai nhân duyên, cũng gọi là Mười hai duyên khởi, do 12 chi trước sau nối nhau trong từng sát na không xen hở mà thành. Mười hai nhân duyên: 1. Lão tử: Gồm các sự thực thống khổ như: già, chết, lo buồn, khổ, não mà kiếp người không ai tránh khỏi, lấy đây làm khởi điểm cho việc quán xét. 2. Sinh: Là nguồn gốc của già, chết. 3. Hữu: Sự tồn tại, nguồn gốc của sinh, cụ thể chỉ cho ba hữu: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Do y báo, chính báo của ba hữu này mới có sinh. 4. Thủ: Giữ chặt lấy. Vì vọng tâm giữ chặt lấy nên người ta mới sinh vào cảnh giới của ba hữu (tức cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc). 5. Ái: Nguồn gốc của sự bám níu, cũng là căn nguyên của thế giới hiện thực. 6. Thụ: Những cảm tình do phản ứng lại sự khêu gợi mà phát sinh. 7. Xúc: Là chỗ nương của cảm tình (thụ). 8. Lục nhập: Sáu chỗ gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý v.v… cũng gọi Lục căn, là những khí quan cảm giác làm chỗ nương cho Xúc, cũng chính là những điều kiện duyên khởi của tất cả tham muốn. 9. Danh sắc: Tâm và thân, là toàn thể tổ chức của mệnh sống, cũng chính là phức hợp thể hữu cơ của năm uẩn; lục nhập nhờ đó mà được thành lập. 10. Thức: Tác dụng nhận thức thống nhất tâm và thân. 11. Hành: Nghiệp, là những hành vi tạo tác. 12. Vô minh: Nghĩa đen là không sáng suốt, không biết. Là ý chí mù quáng làm căn nguyên cho hành vi từ vô thủy đến nay.Mười hai duyên khởi do 12 chi vừa nói ở trên tạo thành, có Thuận quán (gọi là Lưu chuyển duyên khởi) và Nghịch quán (gọi là Hoàn diệt duyên khởi). Thuận quán bắt đầu từ khổ quán xét nguyên nhân của khổ từ 12 điều kiện cụ thể để tìm cách thoát li. Nghịch quán thì bắt đầu từ một điều kiện theo thứ tự ngược trở lên mà thẩm xét đến chỗ thấu triệt để diệt trừ các nỗi khổ già, chết, lo, buồn, khổ, não. Tứ đế gồm bốn chân lí: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, là giáo lí nòng cốt được thành lập từ tư tưởng ba pháp ấn và 12 nhân duyên trình bày ở trên. 1. Khổ đế: Ở thế gian thực sự có đầy dẫy các nỗi thống khổ. 2. Tập đế: Tất cả khổ đau đều có nguyên nhân. 3. Diệt đế: Với nỗ lực không ngừng, con người có thể chấm dứt khổ đau. 4. Đạo đế: Phương pháp trừ diệt khổ đau.Bát chính đạo là phương pháp tu hành để diệt khổ mà đạt đến giải thoát, gồm tám thành phần: 1. Chính kiến: Thấy rõ bốn đế và nhân quả ba đời là chân lí xác thực duy nhất. 2. Chính tư duy: Luôn suy nghĩ về chân lí bốn đế. 3. Chính ngữ: Lời nói trang trọng, chân thật, thân thiết, nhân từ. 4. Chính nghiệp: Giữ năm giới (không giết hại, không trộm cướp, không gian dâm, không nói láo, không uống rượu). 5. Chính mệnh: Mưu sinh bằng nghề nghiệp chính đáng. 6. Chính tinh tiến: Nỗ lực làm việc thiện. 7. Chính niệm: Nhớ nghĩ những việc lợi mình lợi người, không nghĩ những điều tà bậy làm vẩn đục tâm hồn. 8. Chính định: Tập trung tư tưởng vào một đối tượng khiến cho tâm trí không loạn động, nhờ thế đầu óc được sáng suốt, an tịnh.Thuyết Duyên khởi nói ở trên là tư tưởng đặc hữu mà đức Phật đã chứng ngộ, các tôn giáo, tư tưởng, triết học khác chưa từng có; hệ thống lí luận về Duyên khởi đã hoàn chỉnh và đầy đủ từ thời đại Phật giáo nguyên thủy. Các luận sư đời sau lấy đó làm giáo lí căn bản và dần dần phát triển thành các giáo thuyết thuộc hệ thống Duyên khởi luận như : Nghiệp cảm duyên khởi, A lại da duyên khởi, Chân như duyên khởi, Pháp giới duyên khởi, Lục đại duyên khởi v.v…1. Nghiệp cảm duyên khởi: Theo luận Câu xá thì duyên khởi của các pháp là do sức nghiệp chiêu cảm, tức là do sức nghiệp thiện hoặc ác mà mang lại quả báo thiện hoặc ác, quả báo này cũng là nghiệp, cho nên lại tiếp tục chiêu cảm quả báo, cứ như thế nhân quả nương nhau quay vòng không dứt. 2. A lại da duyên khởi: Tông Pháp tướng lấy các thuyết trong các kinh luận như : kinh Giải thâm mật, luận Du già sư địa, luận Thành duy thức v.v… làm nền tảng, cho rằng : Nghiệp lực là do chủng tử (hạt giống) được tích chứa trong thức A lại da của chúng sinh phát ra. Chủng tử này gặp duyên thì khởi hiện hành, rồi hiện hành lại huân tập (xông ướp) chủng tử (gọi là Tân huân chủng tử: hạt giống mới được ươm), sau đó gặp duyên lại sinh hiện hành, rồi từ hiện hành lại huân chủng tử, cứ như thế làm nhân làm quả lẫn nhau xoay vòng bất tận. Cho nên biết thức A lại da là nguồn gốc phát sinh tất cả muôn pháp. 3. Chân như duyên khởi: Thuyết này căn cứ vào luận Đại thừa khởi tín, cho rằng A lại da thức của tâm chúng sinh tuy là nguồn gốc sinh khởi hết thảy hiện tượng trong vũ trụ, nhưng tìm đến căn nguyên thì nó là tâm Như lai tạng hàm chứa chân như. Các pháp vốn là chân như, vì duyên của vô minh mà khởi động, giống như nước biển vốn tự phẳng lặng, nhưng vì gió thổi mà sinh ra muôn nghìn đợt sóng cuồn cuộn chuyển vần. 4. Pháp giới duyên khởi: Đây là thuyết của tông Hoa nghiêm lấy kinh Hoa nghiêm làm nền tảng để thành lập, cho rằng muôn pháp dung thông lẫn nhau, lấy một pháp làm thành tất cả pháp, lấy tất cả pháp làm thành một pháp, chủ bạn đầy đủ, tương nhập tương tức, cùng tồn tại không trở ngại nhau và trùng trùng vô tận. 5. Lục đại duyên khởi: Đây là thuyết của Mật tông, cho rằng hết thảy các pháp đều do sáu nguyên tố (lục đại) : đất, nước, lửa, gió, không và thức gặp duyên mà sinh khởi.Các kinh luận thuộc hệ thống Duyên khởi luận thì có: kinh Hoa nghiêm, kinh Giải thâm mật, kinh Lăng già, kinh Thắng man và luận Khởi tín, luận Bảo tính, luận Du già sư địa, luận Duy thức, luận Câu xá v.v… Còn các kinh luận thuộc hệ thống Thực tướng luận thì có: kinh Pháp hoa, kinh Bát nhã, kinh Duy ma, và các luận: Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận, Thành thực luận v.v…Về các tông phái thì tông Câu xá, tông Pháp tướng, tông Địa luận, tông Nhiếp luận, tông Hoa nghiêm, Mật tông v.v… thuộc hệ thống Duyên khởi luận; còn tông Tam luận, tông Thiên thai thì thuộc hệ thống Thực tướng luận. Vì Duyên khởi luận lấy các pháp do nhân duyên sinh khởi làm chủ yếu để tìm đến nguồn gốc khai triển của các pháp, cho nên phương hướng nghiên cứu thuộc về thời gian tính (dọc) và thái độ giải thích thì có khuynh hướng luận lí tính. Còn Thực tướng luận thì lấy bản thể thực tướng làm luận chỉ, cho nên phương hướng nghiên cứu thuộc về không gian tính (ngang) và có thái độ nghiêng về chủ nghĩa thực tiễn của tính trực giác. Đây là hai hệ thống giáo lí song song tồn tại. Nếu nói theo quan điểm Hữu, Không đối nhau thì Duyên khởi luận thuộc Hữu luận, chủ trương Chân đế hữu, Tục đế không, là thuyết của môn Biểu đức, còn Thực tướng luận thì thuộc Không luận, chủ trương Chân đế không, Tục đế hữu, là thuyết của môn Già tình. Duyên khởi luận đã lần lượt phát triển thành một hệ thống giáo thuyết như đã trình bày ở trên. Còn Thực tướng luận thì có: 1. Luận Thành thực chủ trương ba phương diện: Muôn pháp giả hữu, thực hữu, chân không và lấy chân không làm nghĩa rốt ráo bậc nhất. 2. Tông Tam luận dựa vào thuyết của Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận v.v… chủ trương : Các pháp đều không, bất khả đắc, thuộc Không luận tuyệt đối. 3. Tông Thiên thai lấy kinh Pháp hoa làm nền tảng, đề xướng thuyết Ba đế viên dung Tức không, Tức giả, Tức trung, cho rằng, sự tồn tại nguyên gốc của các pháp chính là chân như thực tướng và gọi đó là không, nhưng chẳng phải là cái không theo khái niệm thông thường của người đời, mà là các pháp y nhiên tồn tại, cho nên nói: liễu xanh hoa đỏ, tất thảy đều là tướng mầu nhiệm của thực tướng chân như, đây là thuyết Trung đạo Hiện tượng tức thực tại.Tóm lại, điểm then chốt cấu thành giáo lí của hai giáo hệ lớn Duyên khởi luận và Thực tướng luận tuy khác nhau, nhưng xét về nguồn gốc tư tưởng thì vốn chẳng trái nhau, mà là dung thông như hai mặt của một bàn tay, trợ giúp và thành tựu lẫn nhau. Bởi thế, nếu đứng trên lập trường trùng tân chỉnh hợp mà nhận xét, thì các giáo thuyết Pháp giới duyên khởi, Lục đại duyên khởi, Tam đế viên dung v.v… cũng có thể xem là sự điều hòa toàn diện giữa hai giáo hệ Duyên khởi và Thực tướng. Đó cũng là chỉ thú đặc thù của sự phát triển tư tưởng giáo lí. [X. kinh Tạp a hàm Q.12; luận Đại tì bà sa Q.24; luận Câu xá Q.9; Đại thừa nghĩa chương Q.19]. (xt. Nguyên Thủy Phật Giáo, Duyên Khởi).