Duyên khởi của Lạc Thanh Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã

Đức Đại Giác Thế Tôn thương các chúng sanh mê mất cái tâm mầu nhiệm vốn có nên luân hồi trong sanh tử, bèn thị hiện giáng sanh trong thế gian, thành Đẳng Chánh Giác, tùy thuận căn cơ của chúng sanh nói đủ mọi pháp. Tuy Đại, Tiểu, Quyền, Thật bất đồng, dẫu Thiên, Viên, Đốn, Tiệm mỗi pháp mỗi khác, nhưng đều là nhằm khai – thị – ngộ – nhập tri kiến của đức Phật cho chúng sanh [khiến họ] rốt ráo thành Phật mới thôi. Nhưng căn cơ chúng sanh có lớn – nhỏ, mê có cạn – sâu, chẳng thể thỏa thích bổn hoài của Phật ngay được; lại vì chúng sanh đời Mạt nghiệp chướng sâu nặng, trí huệ cạn mỏng, thọ mạng ngắn ngủi, tri thức hiếm hoi, nếu chẳng cậy vào Phật lực quyết khó thể liễu thoát. Do vậy, đặc biệt lập ra một pháp môn Tịnh Độ nhiếp trọn các pháp Sơ – Trung – Hậu, thích hợp khắp cả ba căn Thượng – Trung – Hạ, ngõ hầu những vị đã chứng Pháp Thân sẽ mau thành Phật đạo, kẻ chưa đoạn Phiền Hoặc cũng thoát khỏi luân hồi. Lợi ích ấy vượt trỗi những giáo pháp trong suốt một đời giáo hóa của đức Phật vì một đằng chuyên cậy vào tự lực, một đằng kiêm nhờ vào Phật lực.

Ví như gã chân teo suốt ngày chỉ đi được mấy dặm, nếu ngồi luân bảo[1] của Chuyển Luân Thánh Vương thì trong một ngày liền đến khắp bốn châu. Vì thế, pháp này được chín giới cùng hướng về, mười phương cùng khen ngợi, ngàn kinh cùng xiển dương, muôn luận đều tuyên nói, là pháp môn tổng trì thành thủy thành chung để mười phương tam thế hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Xét từ khi đại giáo được truyền sang phương Đông, Viễn Công là vị mở liên xã đầu tiên. Đương thời, bậc cao tăng đại nho dự vào hội có tới một trăm hai mươi ba người. Từ đấy trở đi, đời nào cũng có cao nhân tục diệm truyền đăng trọn khắp trong ngoài nước.

Đại pháp của Như Lai có năm thứ là Luật, Giáo, Tông, Mật, Tịnh, nhưng chỉ có một pháp Tịnh Độ là dễ tu trì nhất, dễ thành tựu nhất, là chỗ quy túc của Luật, Giáo, Tông, Mật. Vì thế, các vị tri thức Luật, Giáo, Tông, Mật xưa nay đều chú trọng ngầm tu, rất nhiều vị cực lực công khai giáo hóa đại chúng bằng pháp môn này. Pháp này Chân lẫn Tục cùng viên dung, cơ và lý cùng khế hợp, chẳng những là pháp để người học đạo lập tức thoát khỏi luân hồi mà còn là nền tảng để bậc cai trị đất nước ngồi hưởng thái bình. Vì thế, vãng thánh tiền hiền, người thông đạt, bậc trí huệ đều cùng tu trì giống như mọi ngôi sao chầu về Bắc Đẩu, như các dòng nước chảy xuôi vào biển Đông.

Gần đây, lòng người kém hơn xưa, bỏ gốc chạy theo ngọn, gió Âu dần dần thổi sang Đông, đua nhau đề cao duy tân, phế kinh điển, phế luân thường, bỏ hiếu, vứt thẹn, đến nỗi hùa theo nhau ầm ĩ đề xướng giết cha giết mẹ. Người có lòng lo cho thế đạo nhân tâm trông thấy hiện tượng ấy, sợ đạo làm người gần như bị diệt mất, đua nhau lập cách cứu vãn. Do vậy, các xứ đều lập Tịnh Nghiệp Xã, Cư Sĩ Lâm, đề xướng Phật học, nêu tỏ nhân quả ba đời, chỉ rõ luân hồi trong lục đạo, khiến cho hết thảy mọi người đều giữ tám đức “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”, hành tám sự “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, ắt sẽ ngăn giận, chặn dục, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành để thành người hiền, người thiện trong thế gian, phát Bồ Đề tâm, tự hành, dạy người, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Để đến khi lâm chung sẽ được Phật tiếp dẫn, vãng sanh Tây Phương, trở thành thượng thiện nhân xuất thế gian. Đấy là đại ý vì sao các xứ lập Tịnh Nghiệp Xã.

Từ xa xưa, Ôn Châu là cuộc đất Phật giáo hưng thịnh. Trước kia đã có Ngô Bích Hoa cực lực đề xướng; do vậy, Lạc Thanh, Hồng Kiều đã thiết lập Cư Sĩ Lâm. Nay Ngô Trí Hinh, Lâm Trí Minh tập hợp các tín sĩ, lập ra một Tịnh Nghiệp Xã ở huyện thành để mong chuyển đổi lòng người, giúp đỡ cho nền chánh trị của nước nhà, họ rất sợ kẻ chưa am hiểu Phật lý sẽ không thể nào hiểu rõ được lợi ích rộng lớn sâu xa ấy nên đặc biệt xin Quang soạn bài ký nêu tỏ ý nghĩa ấy ngõ hầu ai nấy đều có thể thật sự đích thân chứng được diệu đạo sẵn có ở ngay nơi cái tâm. Đối với sự kiến lập [Tịnh Nghiệp Xã] và sự tu trì [trong liên xã ấy] thì đã có người ghi chép riêng nên ở đây tôi không viết cặn kẽ! (Đầu Thu năm Quý Dậu, tức năm Dân Quốc 22 – 1933)

***

[1] Luân Bảo (Cakra-ratna) là bánh xe bằng chất báu, chính là một trong bảy món báu của Chuyển Luân Thánh Vương (Cakravarti-rāja) được cảm thụ bởi sức phước báo của vua, giúp vua có thể đi tới khắp mọi nơi, không ai ngăn trở được. Luân bảo có bốn loại vàng, bạc, đồng, sắt, riêng luân bảo của Chuyển Luân Thánh Vương (Kim Luân Vương) có đến một ngàn căm. Chuyển Luân Thánh Vương dùng luân bảo ấy để bay đi khắp mọi nơi, chinh phục khắp bốn đại châu.