Duyên khởi của Hải Môn Liên Xã tại Phước Châu

Chân Như tánh hải tịch – chiếu viên dung, vô Năng, vô Sở, chẳng dời, chẳng biến, ngay cả cái tên Niết Bàn còn chẳng có thì làm sao có chuyện sanh tử? Nhưng vì chúng sanh mê muội, chôn vùi toàn thể, chẳng hiểu tự tâm, lầm lạc đuổi theo huyễn cảnh. Do vậy, đối với những cảnh thuận, nghịch, khởi tham – sân – si, tạo giết – trộm – dâm, từ kiếp này sang kiếp khác luân hồi trong lục đạo, trọn chẳng có thuở thoát ra, ngược ngạo nương vào sức tịch – chiếu viên dung của Chân Như Phật tánh ấy để làm cái gốc khởi Hoặc tạo nghiệp, luân hồi sanh tử; há chẳng đáng buồn quá đỗi ư? Đức Đại Giác Thế Tôn thương xót, tùy cơ chỉ dạy, nói đủ mọi pháp, khiến cho ai nấy đều theo đường về nhà, đích thân thấy được Phật tánh. Hiềm rằng chúng sanh căn khí bất nhất, liễu thoát ngay trong đời này chẳng được mấy kẻ! Do vậy, đức Phật liền đặc biệt mở ra một môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ để mong sao bọn họ dù thánh hay phàm đều cùng được giải thoát ngay trong đời này. Ấy là vì “tâm này làm Phật, tâm này là Phật” chứ chẳng phải có [một Phật quả] ở riêng ngoài tâm để đạt được! Do Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, pháp lực chẳng thể nghĩ bàn, chúng sanh tâm lực cũng chẳng thể nghĩ bàn; chúng sanh và Phật dung nhiếp nhau, cảm ứng đạo giao, nên dễ được thành tựu.

Cư sĩ La Vũ Tằng ở Hải Môn xưa đã trồng cội đức, bẩm tánh nhân từ, tốt lành, đề xướng Tịnh Độ chẳng tiếc sức thừa, muốn cho hết thảy những người cùng hàng đều chứng Phật tánh sẵn có. Vì thế, khi lâm chung cụ được toại nguyện. Con cụ là Khanh Đoan, Ngạn Tuấn gắng sức tiếp nối chí cha, lập ra chỗ lưu thông kinh Phật trong nhà, muốn cho những tịnh lữ trong vùng phụ cận tùy thời niệm Phật; cho nên tại chỗ lưu thông, lập một liên xã, đặt biển ghi tên là Hải Môn. Do biển pháp của chư Phật chỉ có Niệm Phật là dễ vào nhất; Chân Như tánh hải chỉ có Niệm Phật là dễ đích thân chứng được nhất. Do vậy, pháp môn Niệm Phật này chính là cửa ngõ để vào biển pháp của chư Phật, để chứng Chân Như tánh hải! Vì thế đặt tên là Hải Môn.

Đây là ước theo Lý mà luận, chứ nếu ước theo Sự để nói thì do cha họ là cư sĩ Hải Môn đề xướng niệm Phật, hết thảy đại chúng mới biết: Trong cõi đời có pháp môn Tịnh Độ tột bậc rộng lớn, tột bậc viên đốn, tột bậc sâu mầu, tột bậc giản tiện! Phàm những ai đến đấy niệm Phật, ắt phải giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ ham muốn xằng bậy để khôi phục lễ nghĩa, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, cứu giúp người đang gặp nạn ngặt nghèo, dùng những điều ấy để tự hành, lại còn dùng những điều ấy để dạy người. Người làm được như thế thì tâm sẽ hợp với Phật, tâm sẽ hợp với đạo. Lúc còn sống liền dự vào địa vị thánh hiền, khi lâm chung lên thẳng cõi Cực Lạc, ngõ hầu thỏa mãn bổn nguyện đề xướng của cư sĩ Hải Môn. Nơi nơi đều lập liên xã, mỗi mỗi đều phỏng theo Hải Môn, sẽ thấy Phật pháp hưng thịnh, tai chướng tiêu diệt, mưa hòa, gió thuận, cùng nhau đạt đến cõi đời Đại Đồng[1], dân khỏe mạnh, vật sanh sôi, cùng vui hưởng cuộc sống tươi vui, tốt đẹp vậy.

***

[1] Theo Nho gia, Đại Đồng (大同) là một thế giới toàn hảo, trong đó con người không có lòng vật dục riêng tư. Khái niệm này bắt nguồn từ thiên Lễ Vận sách Lễ Ký. Theo đó, Khổng Tử do có việc phải sang Lạp Tân, xong việc, đi du ngoạn, chợt thở dài vì cảm thán cho tình hình nước Lỗ. Ngôn Yển bèn hỏi nguyên cớ, Khổng Tử đáp: “Đại đạo được thực hành bởi ba vị thánh quân anh minh thời Tam Đại, Khâu tôi chưa đạt đến, nhưng sẵn chí mong mỏi. Hễ đại đạo được lưu hành thì thiên hạ đều là của chung. Chọn lựa người hiền, cử người tài năng, thành tín, hòa thuận. Cho nên con người chẳng chỉ lo phụng dưỡng cha mẹ của chính mình, chẳng lo nuôi dạy con cái của riêng mình, mà ắt sẽ khiến cho người già được chết an lành, kẻ trẻ khỏe được sử dụng đúng tài năng, trẻ thơ được trưởng thành, cứu giúp người góa bụa, những kẻ mồ côi, lẻ loi, tàn tật đều được giúp đỡ. Nam tròn bổn phận, nữ có nơi nương tựa. Vật dụng không bị vứt bỏ trên đất, nhưng chẳng giấu diếm cho riêng mình. Chẳng ngại ngần ra sức làm lụng, nhưng chẳng cậy công. Vì thế, những mưu mẹo bị ngăn chặn, không thể dấy lên được, trộm cắp, loạn tặc chẳng thể xảy ra. Do vậy, cổng ngõ chẳng cần phải đóng. Đó gọi là Đại Đồng”.