duyên khởi

Phật Quang Đại Từ Điển


(緣起) I. Duyên khởi. Phạm: pratìtyasamutpàda, Pàli: paticca-samuppàda. Âm hán: Bát lạt để đế dạ tham mâu bá đầu. Tất cả các pháp hữu vi đều do nhân duyên (các điều kiện) hòa hợp mà thành, lí này gọi là duyên khởi. Tức là bất cứ sự vật gì trong thế giới hiện tượng đều nương vào những điều kiện nhân duyên mà sinh khởi, tồn tại, biến hóa (vô thường) và tiêu diệt. Đó là pháp tắc mà đức Phật đã chứng ngộ được. Như 12 chi duyên khởi đã được giải thích rõ trong các kinh điển A hàm : Vô minh là duyên của hành, hành là duyên của thức, cho đến sinh là duyên của lão tử; Vì cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh để chỉ bày rõ lí sinh tử nối nhau, đồng thời cũng nêu rõ lí cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt để đoạn trừ vô minh chứng Niết bàn. Lí Duyên khởi này là sự chứng ngộ thành đạo của đức Phật, là nguyên lí cơ bản của Phật giáo. Đối với luận điểm của các tôn giáo khác ở Ấn độ chủ trương cái ta (ngã) và các pháp đều có tự tính thực tại, đức Phật đã bác bỏ hết và tuyên bố rằng, vạn hữu đều nương vào nhau mà tồn tại, không có tự tính độc lập. Ngài dùng nguyên lí duyên khởi để giải thích nguồn gốc của thế giới, xã hội, nhân sinh và sự sản sinh của những hiện tượng tinh thần, mà kiến lập nhân sinh quan và thế giới quan riêng và là đặc trưng lớn nhất của Phật giáo khác hẳn với các tư tưởng, triết học và tôn giáo khác. Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 24, để thu nhiếp tất cả mọi căn cơ trình độ, đức Phật đã lập nhiều pháp duyên khởi: Một duyên khởi, hai duyên khởi, ba duyên khởi, bốn duyên khởi cho đến 11 duyên khởi, 12 duyên khởi v.v… Trong đó, một duyên khởi là chỉ chung tất cả pháp hữu vi; hai duyên khởi là nhân và quả; ba duyên khởi là ba đời sai khác, hoặc chỉ cho phiền não, nghiệp và sự; bốn duyên khởi là vô minh, hành, sinh, lão tử. Như đã nói trên đây thì tất cả các pháp hữu vi do nhân duyên tạo thành đều có thể gọi là duyên khởi, duyên sinh, duyên sinh pháp, duyên dĩ sinh pháp. Nhưng theo luận Câu xá quyển9 và thuyết của Tôn giả Vọng mãn (Phạm: Pùrịàza) thì hai pháp duyên khởi và duyên sinh có chỗ khác nhau: Nếu nói về Nhân thì gọi là duyên khởi, nếu nói về Quả thì gọi là duyên sinh. Đứng về phương diện giáo lí sử mà nhận xét, thì tất cả các tông phái Phật giáo, bất luận là ở thời đại nào, xứ sở nào, cũng đều lấy tư tưởng duyên khởi làm giáo lí căn bản. Như: Phật giáo nguyên thủy lấy thuyết 12 duyên khởi (12 nhân duyên) của kinh A hàm làm gốc; Đại chúng bộ, Hóa địa bộ xếp pháp duyên khởi làm một trong chín pháp vô vi; Duy thức Đại thừa và luận Du già sư địa có thuyết A lại da duyên khởi; kinh Lăng già, kinh Thắng man, luận Đại thừa khởi tín có thuyết Như lai tạng duyên khởi (Chân như duyên khởi); tông Hoa nghiêm có thuyết Pháp giới duyên khởi; Mật tông có thuyết Lục đại duyên khởi v.v… tất cả đã hình thành sự nhất quán trong lịch sử tư tưởng Phật giáo. Thuyết Duyên khởi này cùng với luận Thực tướng của Trung luận và Thiên thai đã tạo thành hai hệ thống lớn của giáo học Phật giáo. [X. kinh Tạp a hàm Q.12; kinh Đa giới trong Trung a hàm Q.47; luận Đại tì bà sa Q.23; luận Phẩm loại túc Q.6]. (xt. Duyên Dĩ Sinh, Duyên Khởi Luận). II. Duyên khởi. Phạm: Nidàna. Dịch âm: Ni đà na. Dịch ý là Duyên khởi, Nhân duyên. Giống như từ ngữ Duyên khởi đã nói ở trên nhưng được sử dụng trong tình huống khác: chỉ cho Nhân duyên bộ trong 12 bộ loại kinh (kinh điển Phật giáo nguyên thủy). Tức là nói rõ duyên do (lí do, nguyên do) đức Phật hoặc Tổ sư các đời tùy theo căn cơ của chúng sinh mà thuyết pháp, hoặc lí do soạn thuật ba tạng Kinh, Luật, Luận, như Duyên khởi nhân phần…………. trong giáo nghĩa của tông Hoa nghiêm là thuộc loại này. Ngoài ra, đời sau cũng gọi nguyên do sáng lập chùa viện, Phật đường, khắc tạo tượng Phật, hoặc ghi chép hành trạng của các bậc đại đức cao tăng là Duyên khởi. III. Duyên khởi. Theo thuyết của tông Hoa nghiêm, nếu đứng trên lập trường Nhân vị Phật mà nói, thì khi các pháp trong vũ trụ hiện khởi, gọi là Duyên khởi, hàm ý là nhân duyên sinh khởi. Nếu đứng trên lập trường Quả vị Phật mà nói thì gọi là Tính khởi, là vì quả vị này từ bản tính giác ngộ sinh ra. Tông Hoa nghiêm lại kết hợp Duyên khởi với phán giáo mà chia nó làm bốn loại:1. Nghiệp cảm duyên khởi của Tiểu thừa. 2. A lại da duyên khởi của Đại thừa thủy giáo.3. Như lai tạng duyên khởi (Chân như duyên khởi) của Đại thừa chung giáo. 4. Pháp giới duyên khởi của Viên giáo Hoa nghiêm. (xt. Tứ Chủng Duyên Khởi, Nhân Phần Quả Phần). IV. Duyên khởi : Vị cao tăng người Ấn độ sống vào thế kỉ VI. Ngài đến Triều tiên vào năm Chân hưng vương thứ 5 (544) và sáng lập chùa Hoa nghiêm trên núi Trí dị, người đời tôn xưng ngài là Duyên khởi tổ sư. Ngoài chùa Hoa nghiêm ra, ngài còn xây dựng chùa Tuyền ẩn, chùa Yên cốc. [X. Hoa nghiêm tự sự tích; Đông quốc dư địa thắng lãm].