duyên

Phật Quang Đại Từ Điển


(緣) Phạm: Pratyaya, Pàli: paccaya. I. Duyên. Nói theo nghĩa hẹp, duyên là nguyên nhân gián tiếp đưa đến kết quả; nói theo nghĩa rộng, duyên là tên gọi cả hai nhân và duyên hợp lại. Duyên được chia làm bốn loại: 1. Nhân duyên: Nhân cũng là duyên, chỉ cho nguyên nhân ở trong trực tiếp sinh ra quả báo, nhân này nói theo nghĩa hẹp, tức tương đương với năm nhân (Câu hữu nhân, Đồng loại nhân, Tương ứng nhân, Biến hành nhân, Dị thục nhân) ngoài Năng tác nhân. 2. Đẳng vô gián duyên: Chỉ cho nguyên nhân từ một sát na trước dẫn đường cho một sát na sau trong sự tương tục của tâm và tâm sở. 3. Sở duyên duyên (duyên duyên): Sở duyên chỉ cho cảnh ở ngoài, lúc tâm duyên theo cảnh ngoài thì phải nhờ cảnh ngoài làm trợ duyên. Theo thuyết của tông Duy thức thì Sở duyên duyên có thể được chia làm Sơ duyên và Thân duyên. 4. Tăng thượng duyên: Chỉ chung tất cả pháp không sinh ra sự chướng ngại đối với một pháp nào. Giống như Năng tác nhân trong sáu nhân. Theo thuyết của tông Tịnh độ thì 48 nguyện của đức Phật A di đà là Tăng thượng duyên của phàm phu vãng sinh Tịnh độ. [X. kinh Đại thừa nhập lăng già Q.2; luận Câu xá Q.7; Đại thừa nghĩa chương Q.3; Thành duy thức luận thuật kí Q.2 phần cuối]. (xt. Tứ Duyên). II. Duyên. Dùng làm động từ, nghĩa là phan duyên, duyên lự. Tâm thức con người duyên theo tất cả cảnh giới, bám dính vào đó không chịu buông bỏ. Như thức mắt duyên theo sắc cảnh mà thấy, cho đến thức thân duyên theo xúc cảnh mà biết, vì thế tâm thức được gọi là Năng duyên, còn cảnh giới mà tâm thức duyên theo thì được gọi là Sở duyên. [X. luận Đại tì bà sa Q.16; luận Thành duy thức Q.1].