duy uy sá nan đạt

Phật Quang Đại Từ Điển


(維威卡難達) (1862-1902) Phạm : Svàmì Vivekànanda. Dịch ý : Biện hỉ. Vốn tên là Na luân đặc lạp na đặc đạt đức (Narendranàth Dutt). Nhà cải cách tôn giáo, nhà triết học của Ấn độ cận đại. Ông sinh ở Calcutta thuộc dòng Sát đế lợi, tốt nghiệp Sở nghiên cứu văn hóa Tây phương thuộc Đại học Calcutta. Năm 1881, ông gặp Ma la khắc lợi tu na (Ràmakfwịa Paramahaôsa, 1834- 1886) nhà cải cách tôn giáo, mới khẳng định tín ngưỡng tôn giáo của mình; về sau, ông kế thừa La ma khắc lợi tu na. Ông có hoài bão rộng lớn, cho rằng tất cả tôn giáo đều có lí tột cùng về chân, thiện và chủ trương các tôn giáo cần hợp lực làm việc với nhau. Tư tưởng chính của ông là tôn giáo chẳng phải là đối tượng của tư duy và nhận biết, mà là siêu việt lí trí và đạo đức, đây là cụ thể hóa các hiện tượng trong vũ trụ. Ông lại cho rằng linh hồn của con người vốn trong sạch không tà bậy, cho nên mạnh mẽ phủ định quan niệm về tội nghiệp. Ông thường chê trách xu hướng Âu Mĩ hóa của các nhà cải cách Ấn độ giáo và cổ vũ tinh thần dân tộc Ấn độ. Năm 1893 trong Hội nghị tôn giáo thế giới ở Chicago tại Hoa kì, ông chủ trương Tân Ấn độ giáo (Hinduism) lấy chủ nghĩa bác ái và chủ nghĩa phổ biến làm cơ sở. Năm 1894, ông giảng diễn nhiều lần về tôn giáo và học thuật tại Hoa kì, giới trí thức Mĩ quốc rất trọng nể và ông được mời giảng dạy tại các Đại học Harvard và Columbia. Năm 1895, ông thành lập Hiệp hội Phệ đàn đa ở Nữu ước, tuyên dương lí tưởng Bất nhị nhất nguyên luận (advaita). Năm 1897 ông trở về Ấn độ thực hiện việc cải cách Ấn độ giáo và thành lập Hội truyền đạo Ma la khắc lợi tu na (The Ramakrishna Mission). Năm 1899 ông sáng lập thư viện ở chân núi Hi mã lạp sơn để nghiên cứu và tuyên dương tôn giáo Phệ đàn đa và triết học cổ điển Ấn độ. Đối với công cuộc cải cách Phệ đàn đa ở Ấn độ, ông được mệnh danh là người sáng lập phái Tân phệ đàn đa. Ông cho rằng bản chất tối cao của thế giới là Phạm, xã hội vật chất hiện thực chỉ là đạt đến bậc thềm của Phạm, tuy nhiên, Phạm và xã hội hiện thực không thể dứt khoát chia lìa được; thời gian, không gian và nhân quả đều có tính thực tại khách quan của chúng. Về mặt xã hội, ông chủ trương công nghiệp hóa đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, đề cao quyền lợi phụ nữ, phát triển văn hóa dân tộc, đả phá sự đối lập tôn giáo, phân biệt chủng tính, muốn tất cả lực lượng tinh thần của Ấn độ thống nhất trên một nền tảng vững chắc, phá bỏ sự phân chia các tông phái, tín điều, giai cấp xã hội để thực hiện lí tưởng hòa hợp các tôn giáo, mở các cơ sở cứu tế nạn dân, phúc lợi xã hội v.v… Sau khi ông qua đời, giáo đoàn của ông vẫn hưng thịnh và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như thiết lập y viện, lập các giáo hội, mở các trường học, cô nhi viện, dục anh viện, dưỡng lão viện và các cơ sở cứu tế nạn dân, v.v… Ông viết rất nhiều, các tác phẩm chủ yếu thì có: Đông phương và Tây phương, Ấn độ hiện đại, Triết học Phệ đàn đa, Lí tính và tôn giáo, Trí du già (Jnana-Yoga), Vương du già (Raja-Yoga). Nghiệp du già (Karma-Yoga) v.v…