duy thức vô cảnh

Phật Quang Đại Từ Điển


(唯識無境) Duy có thức không có cảnh. Muôn pháp do thức biến hiện, không có cảnh chân thực ngoài thức. Duy thức, Phạm:Vijĩapati-màtratà, âm Hán: Tì nhã để ma đát lạt đa. Vô cảnh, Phạm:An-artha, cũng gọi Vô ngoại cảnh. Ý nói duy có thức chứ không có đối tượng ở ngoài: đây là lí thuyết căn bản của học phái Duy thức. Vijĩapti là từvi-jĩà(biết) của tiếng gốc vijĩapaya mà ra, là thuật ngữ của học phái Duy thức, chỉ cho sự hiển hiện của thức. Duy thức nhị thập luận kí cho duy nghĩa là phủ định ngoại cảnh, bởi vậy, danh từ duy thức hàm ý là không có cảnh (vô cảnh). Bởi vì sự hiển hiện của thức là do sự huân tập phân biệt trong thức A lại da từ vô thủy đến nay, do sự huân tập ấy mà hiển hiện cảnh sở thủ (đối tượng bị nhận biết) bên ngoài và cái ta năng thủ (người nhận biết) bên trong. Cho nên, phẩm Cầu pháp trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận mới nói sự hiển hiện của thức có hai thứ là năng thủ và sở thủ. Sở tri tướng phần trong Nhiếp đại thừa luận bản cho rằng tướng Y tha khởi là 11 thức, nhưng không ngoài sự hiển hiện của thức A lại da, đồng thời, cho rằng không có ngoại cảnh và người nhận thức ngoại cảnh. Cho nên, các pháp trong ba cõi đều do duy thức, ngoài thức không có thực tại. Tức là hết thảy hiện tượng trong thế giới đều do thức biến hiện, ngoài thức không có khách quan tồn tại một cách độc lập. Luận Thành duy thức quyển 1 nói, ngoại cảnh theo duyên mà được bày đặt, chẳng phải là thức, thức nương nhân duyên mà sinh, chẳng phải là cảnh, tức các pháp do tình thức của con người bày đặt ra chứ không phải có thật. Cảnh sở duyên do duy thức hiển hiện. Nói theo thứ lớp của pháp quán Duy thức thì: Trước hết, ở giai vị Noãn, Đính biết rõ chỉ có thức chứ không có ngoại cảnh; kế đến, ở giai vị Thế đệ nhất pháp lại hoàn toàn chấm dứt mọi tác dụng phân biệt của thức; đến giai vị Kiến đạo thì thông suốt mà thể hội pháp giới không còn phân biệt. Nhiếp đại thừa luận bản quyển trung nêu ra bốn lí do qua đó có thể hiểu rõ lí tất cả thức là vô cảnh. Bốn lí do ấy là: 1. Thành tựu tương vi thức tướng trí : Cùng là một vật mà chỗ thấy của quỉ đói, súc sanh và trời, người có khác nhau. 2. Thành tựu vô sở duyên thức hiện khả đắc trí : Mặc dù không có cảnh sở duyên, nhưng thức vẫn có thể hiển hiện, như trong quá khứ, vị lai, chiêm bao, bóng dáng v.v… 3. Thành tựu ưng li công dụng vô điên đảo trí : Nếu có cảnh, theo nghĩa năng duyên, thức không điên đảo, vì không cầu công dụng mà được trí chân thực. 4. Thành tựu tam chủng thắng trí tùy chuyển diệu trì : a. Đối với tất cả pháp, Bồ tát được tâm tự tại, được chính định thì tùy theo sức thắng giải mà các cảnh hiển hiện. b. Được Xa ma tha, người tu pháp quán chỉ cần tác ý là các cảnh hiển hiện. c. Người đã được trí không phân biệt, khi trí này không hiện tiền thì tất cả các cảnh đều không hiển hiện. Ngoài ra, học phái Duy thức chia Hữu ngoại cảnh luận (Luận thuyết chủ trương có cảnh bên ngoài) làm ba loại để phê phán: 1. Chủ trương các cực vi là cảnh: Phái này cho cực vi là thực thể, bởi thế nó là nhân sinh ra thức. Nhưng thức không có hình tướng cực vi, cho nên cực vi chẳng phải là cảnh. 2. Chủ trương các cực vi hòa hợp là cảnh: Cực vi tuy có hình tướng hòa hợp, nhưng sự hòa hợp ấy hoàn toàn không có thực thể, không thể làm nhân sinh ra thức, do đó không thể thành lập hòa hợp làm cảnh. 3. Chủ trương các cực vi hòa hợp làm thực thể và có tướng thô to, có thể làm cảnh của thức. Nếu hòa hợp có thực thể thì khi tách rời mỗi bộ phận hòa hợp ấy ra, nó cũng phải hiện một tướng trạng đồng nhất, nhưng, như cái bình thì không như thế, cho nên biết hòa hợp không phải là thực thể. Trên đây là bác bỏ chủ trương có ngoại cảnh để xác lập lí Duy thức vô cảnh. [X. luận Nhiếp đại thừa; luận Thành duy thức; luận Biện trung biên; luận Duy thức nhị thập; Duy thức tam thập luận tụng; Ấn độ triết học nghiên cứu Q.6 (Vũ tỉnh Bá thọ); Trung biên phân biệt luận thích sớ dịch chú (Sơn khẩu ích)].