duy thức tam thập luận tụng

Phật Quang Đại Từ Điển


(唯識三十論頌) Phạm :Triôzikà-vijĩapti-màtratàsiddhi. Có 1 quyển, ngài Thế thân soạn, ngài Huyền trang dịch vào đời Đường. Cũng gọi Duy thức tam thập tụng, Duy thức tam thập luận, Tam thập duy thức luận, Cao kiến pháp chàng luận. Thu vào Đại chính tạng tập 31. Luận này dùng 30 bài kệ tụng để giải thích rõ nghĩa Duy thức (24 bài đầu nói rõ về tướng của Duy thức, một bài kế tiếp nói về tính Duy thức, năm bài cuối cùng nói về hành vị của Duy thức). Sách này là một trong 10 chi luận của Du già. Lúc lâm chung, ngài Thế thân dùng 30 bài tụng, gồm 100 lời để trình bày chỉ thú của pháp tướng Đại thừa. Về sau, các vị luận sư như: ngài Hộ pháp, An tuệ v.v… đều có chú thích và soạn thêm 2 bài tụng làm phần tựa, phần lưu thông. Năm Hiển khánh thứ 4 (659) đời vua Cao tông nhà Đường, ngài Huyền trang lấy học thuyết của ngài Hộ pháp làm chính, rồi tông hợp các chú thích của các vị luận sư khác mà biên dịch thành bộ luận Thành duy thức 10 quyển. Như đã nói ở trên, nội dung luận này gồm 30 bài kệ tụng giải thích giáo nghĩa Duy thức. Mỗi bài kệ đều trước hết lập luận vạn pháp là do duy thức biến hiện, chia thức năng biến làm ba loại: Dị thục (thức thứ 8), Tư lượng (thức thứ 7), Liễu biệt cảnh (6 thức trước), kế đến nói về lí duy thức, cuối cùng nêu rõ ba tính duy thức và thứ bậc tu hành. Về chú sớ có: Luận Thành duy thức 10 quyển; Lược thích 1 quyển (Khuy cơ), Duy thức tam thập luận ước ý 1 quyển (Minh dục); Duy thức tam thập luận trực giải 1 quyển (Trí húc), Duy thức tam thập tụng cẩm hoa 1 quyển (Chân kính), Duy thức tam thập tụng lược sớ 4 quyển (Viên minh) v.v… Còn luận Chuyển thức do ngài Chân đế dịch vào thời Nam triều là bản dịch khác của sách này. (xt. Luận Thành Duy Thức). DUY THỨC TAM THẬP TỤNG THÍCH Phạm: Triôzikà-vijĩapti-bhàwya. Cũng gọi Tam thập liễu biệt thích, Duy thức tam thập tụng thích luận, do ngài An tuệ người Ấn độ soạn, giải thích bộ Duy thức tam thập luận tụng của ngài Thế thân. Phần nội dung thì trước hết trình bày lí do tạo luận, kế đó, nói rõ thứ tự các bài tụng và ý nghĩa câu văn, đồng thời, viện dẫn kinh A tì đạt ma, Nhập vô phân biệt đà la ni (Phạm: Nirvikalpa-pravezadhàraịì) và các kệ tụng khác để chứng minh cho thuyết của tác giả. Bộ sớ này hiện có bản dịch tiếng Pháp và tiếng Nhật.