duy thức pháp thân quán

Phật Quang Đại Từ Điển


(唯識法身觀) Chỉ cho pháp quán về lí pháp thân, tức quán Phật với tâm mình là một thể. Cái gọi là duy thức, hàm ý là ngoài tâm Như lai tạng ra không có pháp nào khác. Tâm Như lai tạng tuy bị phiền não trói buộc, nhưng là nguồn gốc của tất cả các pháp. Theo đó, có thể nói, đã là duy thức thì pháp thân của chư Phật và tâm Như lai tạng còn trong phiền não là cùng một thể, cũng tức là ngoài duy thức không có pháp thân, cho nên, có thể quán Phật và tâm tính của mình là nhất thể. Trong Quán vô lượng thọ kinh sớ (Định thiện nghĩa), khi giải thích câu Tâm này làm Phật, tâm này là Phật, ngài Thiện đạo đã nêu ra những kiến giải khác nhau ở đương thời, rồi nói (Đại 37, 267 trung) : Hoặc có hành giả lấy nghĩa của môn này làm pháp quán Duy thức pháp thân, hoặc làm pháp quán Tự tính thanh tịnh Phật tính. Pháp quán Tự tính thanh tịnh Phật tính là quán Phật từ trong tâm tính mình hiển hiện, còn pháp quán Duy thức pháp thân thì quán pháp thân của Phật là cùng thể với pháp thân của mình, cho nên, tên gọi thì khác mà thể thực thì đồng. Hai chữ hành giả trong đoạn trích ở trên là ngài Thiện đạo ám chỉ các ngài Tuệ viễn, Trí khải, Cát tạng v.v…