duy thức cửu nan

Phật Quang Đại Từ Điển


(唯識九難) Chín vấn đề khó giải đáp được đặt ra cho các nhà Duy thức học. Luận Thành duy thức quyển 9 đã nêu ra và giải đáp chín vấn nạn ấy như sau: 1. Duy thức sở nhân nạn. Căn cứ thành lập Duy thức. Hỏi: Căn cứ vào giáo lí nào mà lập luận Duy thức? Đáp: Căn cứ vào thuyết Chư pháp duy thức trong các kinh luận như: Hoa nghiêm, Giải thâm mật, Lăng già, Duy ma, A tì đạt ma v.v… mà lập luận cảnh trong tâm không lìa thức và dùng bốn tỉ lượng để luận chứng. 2. Thế sự quai tông nạn. Trái với việc đời.Hỏi: Các việc ở đời có nơi chốn thời gian nhất định, có tác dụng thực sự rõ ràng, tại sao lại cho là cảnh không thật? Đáp: Nếu nhất dịnh cho là có cảnh thật thì tại sao cùng duyên theo một vật mà mình và người lại thấy khác nhau, cảm nhận cũng khác nhau? 3. Thánh giáo tương vi nạn. Trái với giáo pháp của Phật. Hỏi: Nếu ngoài tâm không có cảnh thật như sắc v.v… thì tại sao trong kinh Phật lại nói có 12 xứ như sắc v.v…? Đáp: Nói có 12 xứ không phải cho rằng ngoài tâm có sắc thật, mà để biết rõ là ngoài tâm không có sắc thật. 4. Duy thức thành không nạn. Thức cũng là không. Hỏi: Nếu bảo rằng vì muốn chúng sinh biết rõ các pháp là không mà nói duy thức, thì thức ấy rốt cuộc cũng phải là không? Đáp: Vì phá trừ biến kế sở chấp (vọng chấp ngoài tâm thật có pháp), nên nói pháp không, vô ngã, chứ chẳng phải nói cảnh của trí căn bản, trí hậu đắc và lí sự của Y tha, Viên thành cũng là không, cho nên duy thức không mắc lỗi thiên không (chỉ chấp không). 5. Sắc tướng phi tâm nạn. Sắc (vật chất) chẳng phải tâm thức.Hỏi: Sắc có hình, có chất ngại, tại sao lại bảo sắc là duy thức? Đáp: Chúng sinh từ vô thủy đến nay bám dính vào sắc tướng mà bị huân tập (hun ướp thành thói quen), nương vào sức huân tập khởi ra hiện hành, rồi vọng phân biệt mà chấp có cảnh sắc tướng tương tự, chứ chẳng phải có cảnh thật ngoài tâm. 6. Hiện lượng vi tông nạn. Trái với hiện lượng (trực giác). Hỏi: Ngoại cảnh như sắc v.v… là những đối tượng mà trí hiện lượng duyên theo, vậy, nếu không có ngoại cảnh thì làm thế nào mà trí hiện lượng biết được sắc v.v..? Đáp: Đối tượng (cảnh) mà hiện lượng của năm thức trước (mắt tai mũi lưỡi thân) duyên theo chính là tướng phần trong tâm chứ chẳng phải sắc ngoài tâm. Còn khi phân biệt cho đó là sắc v.v… ở ngoài tâm thì là vọng phân biệt của ý thức chứ không phải hiện lượng. 7. Mộng giác tương vi nạn. Mộng và tỉnh trái nhau. Hỏi: Cảnh trong chiêm bao khi tỉnh dậy biết đó là cảnh giả, còn cảnh khi thức thì làm thế nào để biết là không thật? Đáp: Tuy là cảnh chiêm bao nhưng khi đang còn trong chiêm bao thì không tự biết đó là cảnh giả, đến khi tỉnh dậy mới biết; còn cảnh lúc thức cũng thế, khi bất thình lình đại ngộ mới biết là giả. 8. Ngoại thủ tha tâm nạn. Duyên theo tâm người khác. Hỏi: Tâm thức của người khác ở ngoài tâm mình, vậy khi dùng Tha tâm trí (Tha tâm thông: Khả năng đọc được ý nghĩ của người khác) để duyên theo (biết) tâm người khác thì như thế có phải là duyên cảnh ở ngoài tâm hay không? Đáp: Tuy dùng tha tâm trí để duyên theo tâm thức của người khác, nhưng đó chỉ là duyên theo bóng dáng của người ấy ở trong tâm mình, chứ chẳng phải chính mình duyên theo tâm người ấy, cho nên không có lỗi duyên theo cảnh ngoài tâm. 9. Dị cảnh phi duy nạn. Cảnh khác chẳng phải duy thức. Hỏi: Tuy chẳng phải chính mình duyên theo, nhưng ngoài tâm mình có cái cảnh khác của tâm người thì như thế có được gọi là duy thức hay không? Đáp: Duy thức chẳng phải là thức của một người duy nhất, thế giới trong 10 phương có vô lượng phàm thánh, tất cả các pháp là do duy thức của mỗi vị phàm thánh này biến hiện. Cái gọi là Duy thức là để trừ diệt lỗi chấp trước của phàm tình cho rằng ngoài tâm có pháp thật, thành lập duy thức sở biến chẳng phải chủ trương thức sở biến của một người. (xt. Duy Thức).