duy thức

Phật Quang Đại Từ Điển


(唯識) Phạm:Vijĩapti-màtratà. Âm Hán: Tì nhã để ma đát lạt đa. Thức là bản thể của tâm, ngoài sự biến hiện của thức, không có bất cứ vật gì thực sự tồn tại nên gọi là Duy thức. Nghĩa là các hiện tượng tâm, vật bên ngoài đều do Kiến phần (chủ quan) và Tướng phần (khách quan) của tự thể tám thức biến hiện ra. Vả lại, những hình dạng tương tự của các đối tượng nhận thức chỉ là bóng dáng từ trong tâm ánh hiện ra mà cho là có thật, rồi đến bản chất của các cảnh vật được xem là đối tượng nhận thức cũng từ những hạt giống trong thức A lại da biến sinh ra, cho nên ngoài duy thức không có thực tại nào khác, gọi là Duy thức vô cảnh (chỉ có thức không có đối tượng), hoặc căn cứ theo nghĩa từ thức biến ra mà gọi là Duy thức sở biến. Cứ theo luận Thành duy thức quyển 2 thì sự biến hiện của thức có thể được chia làm hai: 1. Nhân năng biến, cũng gọi Nhân biến, Sinh biến. Tất cả sự tồn tại (các pháp) đều từ hạt giống trong thức A lại da biến ra. 2. Quả năng biến, cũng gọi Quả biến, Duyên biến. Kết quả của Nhân biến là do sự phân biệt chủ quan, khách quan của tám thức nhắm vào tác dụng đối tượng. Quán tâm giác mộng sao quyển hạ chia làm hai thứ đạo lí để thuyết minh sự biến hiện của thức: 1. Huân tập đạo lí: Tức là nghĩa sinh biến, hạt giống là do tác dụng của tự tâm gieo sâu trong thức. 2. Chuyển biến đạo lí: Tức là nghĩa duyên biến, do thức biến hiện kiến phần và tướng phần. Giáo nghĩa căn bản của tông Pháp tướng là nói về tướng của Duy thức, cho rằng năm vị trăm pháp không ngoài thức, đó là Tổng môn duy thức hoặc Bất li môn duy thức. Trong năm vị, Tâm vương là tự tướng của thức, Tâm sở là những hoạt động tâm lí tương ứng với Tâm vương, Sắc pháp do thức biến hiện, Bất tương ứng hành pháp là phần vị giả lập của ba vị trên (Tâm vương, Tâm sở, Sắc pháp), Vô vi pháp là thực tính của bốn vị trên (Tâm vương, Tâm sở, Sắc pháp, Bất tương ứng hành pháp), y cứ vào các lí do trên đây để hiển bày duy thức, gọi là Biệt môn duy thức. Biệt môn duy thức là vì những người độn căn mà phân biệt Năng, Sở để thuyết minh nên cũng gọi là Hư vọng duy thức, Bất tịnh phẩm duy thức, Phương tiện duy thức.Bồ tát từ Sơ địa trở lên có thể liễu ngộ lí duy thức, chứng được trí duy thức không trần cảnh, chỉ còn lại chân thức, gọi là Chân thực duy thức, Tịnh phẩm duy thức hoặc Chính quán duy thức. Luận Thành duy thức quyển 9, đối với giáo lý Duy thức, nêu ra chín nạn (Duy thức cửu nạn) để giải đáp. Đó là: Duy thức sở nhân nạn, Thế sự quai tông nạn, Thánh giáo tương vi nạn, Duy thức thành không nạn, Sắc tuớng phi tâm nạn, Hiện lượng vi tông nạn, Mộng giác tương vi nạn, Ngoại thủ tha tâm nạn và Dị cảnh phi duy nạn. Ngoài ra, Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương quyển 1 phần cuối chia thuyết Duy thức trong các kinh luận thành năm loại Duy thức: Cảnh duy thức, Giáo duy thức, Lí duy thức, Hành duy thức và Quả duy thức. Còn về sự tu hành của tông Duy thức thì có Ngũ trùng duy thức quán (quán năm lớp duy thức). Tông Hoa nghiêm cho ba cõi đều do một tâm tạo tác và nêu ra mười lớp Duy thức để thuyết minh: 1. Tướng kiến câu tồn duy thức. 2. Nhiếp tướng qui kiến duy thức. 3. Nhiếp số qui vương duy thức. 4. Dĩ mạt qui bản duy thức. 5. Nhiếp tướng qui tính duy thức. 6. Chuyển chân thành sự duy thức. 7. Lí sự câu dung duy thức. 8. Dung sự tương nhập duy thức. 9. Toàn sự tương tức duy thức. 10. Đế võng vô ngại duy thức. Nếu suy cứu đến cùng tột thì 10 lớp duy thức trên đây cũng giống như tấm lưới bằng châu ngọc của cung điện Đế thích (Nhân đà la võng), trong một bao hàm tất cả, trong tất cả đều đủ mỗi một, trùng trùng vô tận, sự sự vô ngại. Nếu đem 10 lớp duy thức phối hợp với năm giáo, thì 1, 2, 3 là Thủy giáo, 4, 5, 6, 7 là Chung giáo và Đốn giáo, 8, 9, 10 là Viên giáo.Nhưng Hoa nghiêm kinh đại sớ sao quyển 37 thì xếp Duy thức vào thuyết Tiểu thừa. [X. Nhiếp đại thừa luận thích (bản dịch đời Lương) Q.5; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.13; Thành duy thức luận thuật kí Q.7 phần cuối].