duy tâm tịnh độ

Phật Quang Đại Từ Điển


(唯心淨土) Tịnh độ duy tâm biến hiện, tồn tại trong tâm chúng sinh. Theo lí duy thức thì Tịnh độ là do tâm Phật cũng như tâm phàm phu biến hiện ra. Nếu nói về cõi nước do Như lai biến hiện, thì vì tâm Như lai vô lậu nên cõi nước cũng vô lậu. Còn nói theo cõi nước do phàm phu biến hiện, thì vì tâm phàm phu chưa được vô lậu nên cõi nước là hữu lậu.Lại nữa Phật cũng do tâm mình biến hiện, ngoài tâm không thể thấy Phật. Bởi vậy, Phật và Tịnh độ chẳng phải là pháp ngoài tâm, đều duy tâm biến hiện. Căn cứ vào thuyết trong Ma ha chỉ quán, tông Thiên thai cho rằng, vọng tâm khởi lên trong một sát na có đầy đủ ba nghìn tính tướng của 10 giới, từ Phật giới đến địa ngục giới, cho nên Tịnh độ chẳng phải tồn tại ngoài tâm. Nghĩa này khác với lí tướng phần của Duy thức. Thiền tông lấy thuyết Tâm tịnh Phật độ tịnh của kinh Duy ma làm căn cứ, cho rằng nếu thấy rõ tâm tính thì tức tâm tức Phật, chỗ sáng suốt của tâm mình tức là Tịnh độ, gọi là Duy tâm tịnh độ. [X. Lục tổ đại sư Pháp bảo đàn kinh phẩm Nghi vấn; luận Thích tịnh độ quần nghi Q.1 (Hoài cảm);Vãng sinh tịnh độ quyết nghi nguyện hành nhị môn (Tuân thức); Quán vô lượng thọ kinh sớ diệu tông sao Q.1 (Trí lễ). Quán vô lượng thọ kinh nghĩa sớ Q.thượng (Nguyên chiếu); Vạn thiện đồng quy tập Q.2; Lạc bang văn loại Q.4]. (xt. Kỉ Tâm Di Đà).