duy tâm do tâm

Phật Quang Đại Từ Điển


(唯心由心) Từ ngữ phân biệt thuyết Duyên khởi giữa Đại thừa và Tiểu thừa. Theo Thập bất nhị môn chỉ yếu sao quyển thượng của ngài Tri lễ thì Đại thừa duy tâm, Tiểu thừa do tâm. Tức thuyết Duyên khởi của Đại thừa cho rằng muôn tượng la liệt trong vũ trụ đều không tồn tại ngoài tâm, nên chủ trương duy tâm biến hiện, như kinh Hoa nghiêm (bản dịch mới) quyển 19 (Đại 10, 102 trung), nói: Nên quán tính pháp giới, tất cả duy tâm tạo. Thập địa kinh luận quyển 8 (Đại 26, 169 thượng), nói: Hết thảy ba cõi, duy tâm chuyển biến. Khi bàn về duy tâm này, tông Pháp tướng và tông Pháp tính giải thích không giống nhau. Tông pháp tướng cho thức A lại da là gốc của duyên khởi, cho nên duy tâm tức là duy thức, cũng tức là do sự huân tập, chuyển biến của thức A lại da thứ 8 mà nói muôn pháp duy thức. Tông Pháp tính thì căn cứ vào bản thể của nhất tâm chân như mà lập thuyết duyên khởi, do tính chất bất biến của tâm chân như mà chủ trương tất cả duy tâm tạo. Tuy có sự sai khác như thế, nhưng cả hai tông này đều nói là duy tâm. Thuyết duyên khởi của Tiểu thừa thì chủ trương ba đời thực có, pháp thể hằng có, đối lại với duy tâm mà gọi là do tâm và cho thể tính của các pháp mỗi thứ đều khác nhau, nên nương theo sức tạo tác của hoặc và nghiệp mà chia ra năng tạo và sở tạo. Chủ trương do tâm này chưa làm sáng tỏ được lí các pháp thu nhiếp về một tâm. Ngoài ra, các học giả tông Thiên thai y cứ vào Thập bất nhị môn chỉ yếu sao mà giải thích Đại thừa duy tâm tương đương với Biệt giáo và Viên giáo, còn Tiểu thừa do tâm thì tương đương với Tạng giáo và Thông giáo.