duy nguyện biệt thời ý

Phật Quang Đại Từ Điển


(唯願別時意) Chỉ có nguyện mà không có hành là biệt thời ý. Đây là luận điểm của các nhà Nhiếp luận đề ra để phê bình thuyết Hạ hạ phẩm vãng sinh nói trong kinh Quán vô lượng thọ. Cũng gọi Duy nguyện vô hành biệt thời ý. Biệt thời ý, là Phật đặt phương tiện để khuyến khích chúng sinh khiến không biếng nhác, nên khi nói về quả tương lai. Ngài tạm giấu hạnh nghiệp trong quá trình tu hành mà bảo có thể được quả. Tức như kinh Quán vô lượng thọ tuy nói người vãng sinh Tịnh độ phải đầy đủ cả nguyện và hành, nhưng cũng nói chỉ có nguyện không thôi cũng vãng sinh. Các nhà Nhiếp luận căn cứ vào thuyết này mà giải thích rằng nguyện chỉ là cái nhân xa của sự vãng sinh, cho nên phải ở thời gian khác (biệt thời) trong vị lai mới được quả vãng sinh. Trái lại trong chương Biệt thời ý hội thông của Quán kinh huyền nghĩa phần, ngài Thiện đạo cho rằng sự niệm Phật nói trong kinh Quán vô lượng thọ chính là nguyện hành đầy đủ, chứ không phải biệt thời ý. [X. Nhiếp đại thừa luận (bản dịch đời Lương) Q.trung]. (xt. Nguyện Hành).