duy na

Phật Quang Đại Từ Điển


(維那) Hai chữ Duy na là từ gồm cả Phạm và Hán. Duy là cương duy, nghĩa là quản lí mọi việc. Na là gọi tắt của tiếng Phạmkarmadàna (âm Hán: yết ma đà na), dịch ý là thụ sự……nghĩa là đem công việc trong chùa trao cho một người nào đó chịu trách nhiệm. Duy na, cũng gọi là Đô duy na, xưa dịch là Duyệt chúng (làm đẹp lòng mọi người), Hộ tự (trông nom gìn giữ chùa viện). Tức là chức vụ trông coi quản lý công việc của chúng tăng ở trong chùa. Cứ theo luật Thập tụng quyển 34, thì thuở xưa đức Phật ở nước Xá vệ, Ngài muốn mọi việc trong chúng tăng được sắp xếp có trật tự nên mới đặt chức Duy na. Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao quyển thượng phần 1 (Đại 40, 6 trung) chép: Theo luận Thập tụng, bấy giờ trong Tăng phường không có người báo giờ giấc, đánh kiền chùy, không có người quét dọn, sửa sang giảng đường, nhà ăn uống, không có người sắp xếp giường chiếu và chỉ bảo người nhặt sạch sâu trùng trong rau, trái và thực phẩm, khi ăn xong không có người lấy nước, lúc mọi người nói to ồn ào, không có ai ra hiệu nhắc nhở v.v… vì thế mà đức Phật đặt ra chức Duy na. Căn cứ vào đoạn văn trên đây thì biết, chức Duy na đã do chính đức Phật chế định. Từ xưa đến nay, trong các chùa viện lớn đều có đặt Tam cương: Thượng tọa, Tự chủ (trụ trì) và Duy na, trong đó, vị Duy na thống lãnh toàn thể chư tăng trong trụ xứ. Tại Trung quốc, Luật tông, Thiền tông v.v… đều lập chức Duy na. Trong Thiền tông, Duy na là một trong sáu vị Tri sự, là chức vụ trọng yếu kiểm điểm uy nghi của chư tăng. Trong các tông phái khác, thì Duy na là người hướng dẫn trong các cuộc hành lễ, cầm hiệu lệnh, tuyên sớ, đọc văn hồi hướng v.v… Sắc tu bách trượng thanh qui quyển 4 có qui định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chức Duy na (Đại 48, 1132 trung): Duy na giữ giềng mối trong chúng tăng, điều hòa thu nhiếp tất cả, khi có khách tăng đến lưu trú, kiểm tra xem độ điệp thật hay giả; chúng có tranh cãi thì phân trần hòa giải; xem xét thứ tự giới lạp (tuổi hạ), giường chiếu mùng mền, tất cả việc tăng trong ngoài, lớn nhỏ đều phải lo liệu. Đọc văn hồi hướng, dùng thanh âm làm Phật sự, đặc biệt quan tâm đến các vị tăng đau ốm hoặc qua đời; (…) nếu có việc khẩn cấp hoặc được nghỉ phép mà rời khỏi tùng lâm, thì phải mang sổ giới lạp, sổ nghỉ phép, sổ mà vị Đường tư phải biết, giao hết cho vị Tri khách nhờ giữ giùm. Trong chế độ Tăng quan ở Trung quốc, chức Duy na bắt đầu được lập ra từ đời Diêu Tần. Đời Bắc Ngụy cũng đặt Tăng quan để trông nom các việc trong cả nước có liên quan đến Phật giáo. Ở trung ương lập Chiêu huyền tào, lấy Sa môn thống làm vị tăng quan tối cao và đặt Duy na làm phó quan. Ở các địa phương thiết lập Tăng tào, lấy vị Tăng thống làm Trưởng quan, cũng đặt Duy na làm phó quan. [X. Lương cao tăng truyện Q.6; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.4; Thiền lâm tượng khí tiên Chức vị môn].