duy ma kinh lược sớ

Phật Quang Đại Từ Điển


(維摩經略疏) I. Duy ma kinh lược sớ. Gồm 5 quyển, do ngài Cát tạng (549 – 623) soạn vào đời Tùy. Cũng gọi Duy ma cật sở thuyết kinh sớ, Bất khả tư nghị giải thoát kinh sớ, Tịnh danh kinh lược sớ, Duy ma kinh sớ, thu vào Vạn tục tạng tập 29. Ngài Cát tạng còn soạn một bộ sớ nữa là: Duy ma kinh nghĩa sớ gồm 6 quyển, cũng gọi Quảng sớ, cho nên, để đối lại, sách này được gọi là lược sớ. Hai bộ sớ này đều là sách chú thích kinh Duy ma, nhưng ý thú khác nhau. Nghĩa sớ thì chú thích những câu văn trong kinh, còn sách này (lược sớ) thì giải rõ ý nghĩa bao hàm trong kinh. Cho nên, nếu muốn biết sự liễu giải của ngài Cát tạng đối với kinh Duy ma thì phải tham khảo cả hai bộ sớ này mới thấy rõ được. II. Duy ma kinh lược sớ. Gồm 10 quyển, Đại sư Trí khải (538 – 597) giảng vào đời Tùy, ngài Trạm nhiên (711 – 782) đời Đường sửa lại. Cũng gọi Duy ma lược sớ, thu vào Đại chính tạng tập 38. Bộ sớ này lược bớt bộ Duy ma kinh văn sớ 28 quyển của ngài Trí khải thành 10 quyển, cả hai bộ đều lưu hành ở cuối đời Đường và đầu đời Ngũ đại. [X. Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục Q.1]. (xt. Duy Ma Kinh Sớ).