Duy-Ma-Cật Sở Thuyết Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

維摩詰所說經; S: vimalakīrtinirdeśa-sūtra; thường được gọi tắt là Duy-ma-cật kinh hoặc Duy-ma kinh.
Một tác phẩm quan trọng của Ðại thừa, có ảnh hưởng lớn đến nền Phật giáo tại Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản.
Kinh này xuất hiện khoảng thế kỉ thứ 2 sau Công nguyên. Ngày nay người ta không còn nguyên bản Phạn ngữ (sanskrit) mà chỉ còn bản chữ Hán và Tạng. Có nhiều bản dịch mà trong đó ba bản thường được nhắc đến nhiều nhất: 1. Phật thuyết Duy-ma-cật kinh (佛說維摩詰經) của Chi Khiêm thời Tam quốc dịch (223-253), 2 quyển; 2. Duy-ma-cật sở thuyết kinh, bản dịch quan trọng nhất ra chữ Hán của Cưu-ma-la-thập (406), 3 quyển; 3. Thuyết Vô Cấu Xứng kinh (說無垢稱經) của Huyền Trang (650), 6 quyển. Ngoài ra còn có bản Tạng ngữ dưới tên ḥphas-pa dri-ma-med-par-grags-pas bstan-pa shes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo, dịch trở ngược sang Phạn ngữ là ārya-vimalakīrti-nirdeśa-nāma-mahāyāna-sūtra, có thể dịch là Ðại thừa thánh vô cấu xứng sở thuyết kinh. Bản này được xem là giống nguyên bản Phạn ngữ thất truyền nhất.
Kinh này mang tên của Duy-ma-cật (s: vima-lakīrti), một Cư sĩ giàu có, sống cuộc đời thế tục nhưng vẫn đi trên con đường Bồ Tát. Nhờ kinh này mà người ta có thể xem cư sĩ và tăng sĩ có một mục đích như nhau trên đường tiến đến giác ngộ. Quan niệm trọng yếu của kinh này là tính Không (s: śūnyatā) của tất cả các pháp. Trong tính Không này thì cả Hữu lẫn Vô đều được hợp nhất. Bất nhị (不二) là nền tảng của giáo lí trong kinh này thế nhưng – Bất nhị rất khó diễn bày. Ba mươi hai vị Bồ Tát (phẩm thứ 9) đều không trình bày nổi. Ngay cả Văn-thù Sư-lị (s: mañjuśrī) – hiện thân của trí huệ siêu việt – cũng không giải thích nổi bởi vì ngôn ngữ không thể diễn bày Pháp môn bất nhị này. Chỉ có Duy-ma-cật giải bày bằng sự im lặng – một sự im lặng sấm sét (默如雷; mặc như lôi). Im lặng ở đây không phải là không hiểu, không diễn bày mà chính là ngôn ngữ tuyệt đỉnh, ngôn ngữ duy nhất có thể trình bày cái Bất khả tư nghị. Hành động của các Thánh nhân đền xuất phát từ pháp môn bất nhị này.
Kinh này minh hoạ cách sống của người Phật tử để nhắm đến giải thoát và cách áp dụng tri kiến về tính không trong cuộc sống hàng ngày, rất được hâm mộ trong Thiền tông.
Khung cảnh của kinh này thuật lại chuyện của Duy-ma-cật, một trưởng giả giàu có đang mắc bệnh tại nhà. Bệnh của ông được hiểu như một thiện xảo Phương tiện (善巧方便; s: upāyakauśalya) để dạy người. Phật cử nhiều đại đệ tử đi đến nhà ông hỏi thăm nhưng tất cả đều cáo từ. Cách hiểu sai lầm của họ về giáo lí đã được Duy-ma-cật chỉnh lại và vì thế họ hỗ thẹn, không dám thay mặt Phật đến hỏi thăm. Giáo lí của kinh này được trình bày rõ nhất trong phẩm thứ ba. Bài dạy cho Xá-lị-phất ngay đầu phẩm đã đưa ngay lập trường của Thiền Ðại thừa, đặc biệt là Thiền như Thiền tông chủ trương. Trong kinh, Tôn giả Xá-lị-phất thưa với Phật:
“Bạch đức Thế tôn, con không đủ sức thăm bệnh trưởng giả ấy. Tại sao? Vì con nhớ ngày trước con ngồi yên trong rừng, dưới gốc cây. Khi ấy trưởng giả Duy-ma-cật đến thưa rằng: ›Dạ, kính bạch Tôn giả Xá-lị-phất, bất tất ngồi như vầy mới là ngồi yên. Ngồi yên là ở trong ba cõi (Ba thế giới) mà vẫn không hiện hành thân ý mới là ngồi yên, không xuất Diệt tận định mà vẫn hiện hành những cử động khuôn phép mới là ngồi yên, không bỏ Phật pháp mà vẫn hiện hành mọi sự của người thường mới là ngồi yên, tâm không hướng nội cũng không hướng ngoại mới là ngồi yên, không động mọi thứ kiến chấp mà vẫn tu hành ba mươi bảy giác phần (Bồ-đề phần) mới là ngồi yên, không dứt phiền não mà vẫn vẫn nhập Niết-bàn mới là ngồi yên. Ngồi được như vậy thì Phật Ấn khả…” (bản dịch của Thích Trí Quang).
Trong phẩm thứ năm, khi được Văn-thù hỏi thăm vì sao bệnh và thế nào thì hết được, Duy-ma-cật nhân đây giảng rõ về đạo hạnh của một vị Bồ Tát cho tất cả cùng nghe: “Từ Si mà có Ái nên bệnh tôi sinh ra. Chúng sinh bệnh nên tôi bệnh. Chúng sinh hết bệnh thì bệnh tôi cũng hết. Tại sao? Bởi vì Bồ Tát vì chúng sinh mà vào sinh tử, có sinh tử là có bệnh. Nếu chúng sinh hết bệnh thì Bồ Tát không còn bệnh nữa. Như vị trưởng giả chỉ có đứa con một, đứa con bệnh thì cha mẹ bệnh theo, đứa con lành thì cha mẹ cũng lành. Bồ Tát cũng vậy, thương chúng sinh như con nên chúng sinh bệnh thì Bồ Tát bệnh, chúng sinh lành thì Bồ Tát lành. Ngài hỏi bệnh tôi do đâu thì thưa Ngài, bệnh Bồ Tát là do đại bi mà có.‹”
Kinh này được Phật tử tại Ðông, Ðông nam Á rất ưa chuộng và tụng đọc. Rất nhiều bài luận chú được viết về kinh này và nổi tiếng nhất là: Chú Duy-ma (注維摩) của Tăng Triệu, 10 quyển; Duy-ma kinh huyền sớ (維摩經玄疏) của Trí Khải, 6 quyển; Duy-ma kinh nghĩa sớ (維摩經義疏) của Cát Tạng.
Tại Nhật, Thánh Ðức Thái tử (聖德太子; j: shōtoku taishi, 574-662) đã viết một bài luận quan trọng về kinh này dưới tên Duy-ma kinh nghĩa sớ (維摩經義疏). Ông dùng bản dịch của Cưu-ma-la-thập và có lẽ vì vậy, bản dịch này được sử dụng nhiều hơn hết mặc dù bản chính xác nhất là của Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang.