duy cảnh vô thức

Phật Quang Đại Từ Điển


(唯境無識) Chỉ có cảnh không có thức. Đối lại với Duy thức vô cảnh. Duy cảnh vô thức là chủ trương thừa nhận cảnh bên ngoài là có thật. Luận sư Hộ pháp của Hữu tông chủ trương thuyết Duy thức vô cảnh (chỉ có thức không có cảnh), cho rằng tất cả các pháp đều do tâm biến hiện, chỉ có tâm thức bên trong chứ không có cảnh giới bên ngoài. Đối lại, luận sư Thanh biện của Không tông thuộc phái Trung quán Ấn độ thì cho rằng ở trong Chân đế thì tâm và cảnh đều là chân không, ở trong Tục đế thì lập nghĩa duy cảnh vô thức, tức sắc và tâm thức đều tồn tại, vì thức bên trong có cảnh có tâm, tâm phải nương cảnh mà khởi. Ngoài ra, Duy cảnh vô thức cũng chỉ cho Thuận thế ngoại đạo (nhà Duy vật luận của Ấn độ) chủ trương cực vi của bốn đại đất, nước, lửa, gió là thường còn, là thực có, ngoài bốn đại cực vi ra không có vật gì khác. Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương quyển 1 (Đại 45, 260 trung), nói: Ngoại đạo Thuận thế và luận sư Thanh biện lập nghĩa Duy cảnh để phân biệt với nghĩa Duy thức do luận sư Hộ pháp chủ trương. (xt. Duy Thức Vô Cảnh).