ĐƯỜNG VỀ CỰC LẠC

(Trích Quan hệ tư tưởng- Thích Viên Giác- Chương VIII)
Thích Viên Giác

TAM BẢO CHỈ ĐƯỜNG

Phật Pháp sâu rộng mênh mông như bể cả rừng sâu, nên đường lối đi vào cũng vô lượng ; tuỳ năng lực dũng tiến của mỗi người, ai muốn vào đường nào cũng đến đích cả. Tuy nhiên chúng sanh trong thời đại tranh đấu kiên cố này, đức mỏng phước bạc, thể chất suy kém, không thể tu theo pháp môn khó khăn. Chỉ có cách niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu sanh về nước Cực Lạc là dễ tu hơn hết. Đó là con đường tắt duy nhất ; theo con đường ấy mà vào đạo thì rất mau chóng. Bất luận thánh, phàm, trí, ngu, hễ ai chuyên tâm tu theo pháp  ấy, đều được kết quả viên mãn. Như trong Kinh A Di Đà dạy : “Không thể nhờ chút ít phước đức thiện căn mà có thể sanh về nước kia. Cần phải niệm Phật cho đến khi nhất tâm bất loạn, thì công đức mới thành tựu hoàn toàn”. Những người chưa được nhất tâm bất loạn, cũng có thể sanh về nước ấy,  ở những phẩm vị thấp hơn.

Kinh Hoa Nghiêm là  cao siêu nhất, chuyên nói giáo lý thậm thâm vi diệu, tuyệt đối trong Đại Thừa, cũng có dạy : “Người niệm Phật  đến lúc lâm chung, trong khoảnh khắc, liền sanh về thế giới Cực Lạc. Đến rồi thấy Phật A Di Đà và các vị Bồ Tát, như Ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Di Lặc v.v… ”

Các vị cổ  đức cũng nói : Chuyên niệm sáu chữ A Di Đà Phật, không tưởng nhớ gì khác không kịp gảy móng tay liền đến Tây Phương.

Lục tự Di Đà vô biệt niệm,

Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương.

Y  nói : Nhờ  chuyên tâm niệm Phật, đến lúc lâm chung liền thấy Tây Phương không mất thời giờ.

Lại nữa các Ngài cũng nói : Tu  theo pháp  niệm Phật, sanh về Tây Phương dễ như ghe đò đi thuận buồm xuôi gió. Tu theo các pháp  khác, khó như  con kiến leo ngược núi cao. (niệm Phật  vãng sanh như phong phàm dương  ư thuận thuỷ, chư môn học đạo như nghị tử đăng  ư cao sơn).

Các Ngài còn ví  dụ niệm Phật  vãng sanh mau như kiến đục ngang ống tre mà ra, tu theo các pháp  khác, lâu như  kiến rúc thẳng lên ngọn tre mà ra. Vì dễ như vậy nên ở Trung Hoa, Ngài Huệ Viễn thiền ứư tu ở núi Lô Sơn lập hội tịnh độ, gọi là hội Liên Xã. Tăng và tục gồm 123 người. Ngài làm một cái đồng hồ bằng gỗ giống như hoa sen, ngày đêm chia làm sáu thời, khuyên người niệm Phật, Ngài và nhiều người trong hội đều được vãng sanh về nước Cực Lạc, có nhiều điềm linh ứng lịch sử chép rất rõ ràng.

Ông Dương Đề Hình  nói : “Phật Thích Ca làm Thầy hướng đạo khai thị cho chúng ta biết cảnh Tây Phương thanh tịnh yên vui. Ngài cũng giới thiệu Phật A Di Đà giáo chủ ở cõi này. Nên chúng sanh nào niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì tuyệt nhiên không có khổ nữa, thoát luân hồi rất mau chóng.

Ngài Thiên Thai Trí  Giả viết bài “Thập Nghi” biện luận pháp  tịnh độ. Ngài Long Thọ Bồ Tát viết bài “Dự Ký” ở trong Kinh Lăng Già. Ngài Từ Ân viết bài “Thập Thắng” để xưng tán tịnh độ trong quyển “Vô Lượng Luận”.

Chúng ta nhận thấy : Các bậc căn thượng trí còn cầu sanh Tây Phương, khen ngợi pháp  tu tịnh độ. Phật và Bồ Tát cũng dùng pháp  ấy để dẫn đạo, dìu dắt  chúng sanh về Cực Lạc. Lòng từ bi của các Ngài thật là không bờ bến. Những lời khai thị chỉ đường quả quyết và đầy kinh nghiệm như vậy, khác nào thúc dục chúng ta sớm quay đầu về Cực Lạc.

NHỮNG NGƯỜI ĐÃ ĐẾN

Một hôm đức Phật đi ngang nhà người thợ rèn. Ngài và  đệ tử đồng vào xem, thấy anh thợ rèn đập sắt thở hình hịch ra vẻ mệt nhọc lắm, thế  mà miệng còn nói chuyện đâu đâu … Phật dạy : đánh một lát búa thì niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Cứ theo hơi thở ra vào và cái búa lên xuống, tuần tự mà niệm, đến ngày lâm chung, ngươi sẽ sanh về Cực Lạc, thấy Phật A Di Đà.

Quả thật như  thế, về sau, đến lúc anh ấy mạng chung mọi người đều thấy hào quang chiếu sáng và mùi hương lạ  toả khắp nhà anh. Đó là điềm lành cho chúng ta biết anh đã về Tây Phương vậy.

Lại nữa, gần  đâybà Nguyễn Thị Danh pháp  danh Đạt Nhiên, người làng Thanh Hà (Chợ Lớn)  60 tuổi mới biết niệm Phật. Bà phát tâm quy  y  với sư cụ chùa Tân Thạnh. Sư cụ dạy bà chuyên tâm niệm Phật. Đến năm Ất Dậu (1954) bà được 68 tuổi thì lâm bệnh. Biết trước giờ chết. Ngày mồng 7 tháng Tư âm lịch, bà sai người đến chùa bạch  sư cụ Liễu Thoàn rằng : “Ngày mồng 8 tháng Tư này bà về với Phật. Vậy xin mời Sư cụ đúng ngày ấy đến nhà cho bà từ tạ”. Nhưng ngày mồng 8 tháng Tư là ngày kỷ niệm Phật Thích Ca giáng sanh, Cụ bận việc ở chùa, đến sáng mồng 9 Sư cụ mới xuống. Thấy Sư cụ đến, bà mừng rỡ vô cùng và bạch : “Đáng lẽ tôi đi hôm qua, nhưng trước khi sanh về cõi Phật, tôi muốn gặp Thầy để tạ từ, vì nhờ Thầy dạy cho pháp  niệm Phật, nay tôi được thấy Phật. Sự sanh tử đối với tôi không có ý nghĩa gì nữa. Bây giờ tôi sắp đi xin Thầy tụng cho tôi một biến Kinh”.

Sư cụ và  vài đệ tử đến trước bàn Phật tụng quyển Kinh A Di Đà vừa xong, thì bà chắp tay niệm Phật rồi mất.

Chuyện này Sư  cụ Liễu Thoàn thuật lại cho quý Thầy nghe –  Cụ còn thuật nhiều chuyện rõ ràng về việc  đi đến Cực Lạc của nhiều người nữa. ( Lược trích)

Pháp  niệm Phật không những thích hợp với loài người, mà chim muông niệm Phật cũng có kết quả. Như đời nhà Tống bên Tàu, ở núi Huỳnh Nham, chùa Chánh Đẳng, Sư cụ Quán Công có nuôi một con sáo, nó niệm Phật cả ngày, ai nghe cũng cảm động, trông rất dễ thương.

Một hôm nó đứng trong lồng mà chết một cách tự nhiên, Sư  cụ rất thương tiếc, đem chôn và đắp cho nó một cái mộ nhỏ, sau đó bỗng nhiên có hoa sen mọc trên mộ ấy. Sư cụ thấy làm lạ và cho đào lên xem, thấy gốc sen mọc từ lưỡi con sáo ra.

Bấy giờ có  vị Luật Sư hiệu là Linh Chi làm bài thơ  trong ấy có câu :

“ Hữu lập vong lung, bế hôn nhàn sự, hoá tử liên hoa dã thái kỳ”. Ý nói : Con chim đứng trong lồng mà chết rất tự nhiên trên mã lại mọc sen đỏ thắm, thật lạ thường. Như thế chúng ta biết người hay chim niệm Phật đều đến Cực Lạc cả. ( Di Đà Sớ Sao)

NHỮNG NGƯỜI ĐANG ĐI

Trên đây chỉ  nói những người chí tâm niệm Phật và chim học niệm Phật đã đến Cực Lạc, những kẻ mạnh khoẻ quyết tiến không ngờ thì mau đến đích. Còn những người niệm Phật tâm chưa định và  những người vì tai nạn hoảng hốt tán loạn mà  niệm Phật như ông già trong câu chuyện dưới đây, lần lượt cũng đến Cực Lạc. Như thế là nhờ ý chí mình muốn đến, nhờ thần lực Phật tiếp dẫn và nhờ con đường rộng rãi, thẳng tắt, tiện lợi, dễ đi.

Trong Kinh Pháp Hoa Phật dạy : “Nếu người tâm tán loạn, vào trong tháp, miếu xưng: Nam Mô Phật, người ấy đã thành Phật đạo .

Xưa có cụ  già lụm khụm, chống gậy đến tịnh xá Phật, xin xuất gia. Trong khi chưa gặp Phật, đức A Nan thấy  ông già cả, không đủ sức tu hành nên không cho ông xuất gia. Ông già không mãn nguyện, tủi phận buồn khóc. Phật thấy vậy liền cho ông xuất gia. Đại chúng nghi mới hỏi Phật. Phật đáp : Ông ấy vô số kiếp về trước đi hái củi trên rừng, bị cọp đuổi, sợ quá ông leo lên cây vừa niệm “Nam Mô Phật, Nam Mô Phật “, nhờ nhơn duyên ấy và căn lành ông đã thuần thục nay ông được xuất gia. Vì ông A Nan không rõ tiền căn của ông già ấy, nên không cho xuất gia. Ta dùng mắt Phật xem thấy, nên độ cho.

Chúng ta nhận thấy : Chim học nói tiếng người, ông già loạn tâm niệm Phật, còn được căn lành, huống nữa chúng ta thành tâm niệm Phật, lẽ nào không có hạnh phúc sanh Tây Phương ư ?

Niệm Phật được nhiều căn lành như thế,nên Phật dạy : “Niệm Phật một tiếng tiêu 80 ức kiếp trọng tội”, như đóm lửa tàn đốt sạch muôn ức bể dầu xăng ; như ngọn đèn le lói làm sáng tỏ căn nhà tối lâu ngày, niệm Phật diệt tội, hưởng phước cũng nhiều như thế. Kinh Kim Cang chép : “Vào đời mạt pháp, người nào có lòng thành tín đọc một bài kệ 4 câu, người ấy không những đã trồng căn lành từ nơi một đức Phật, hai, ba, bốn và năm đức Phật, mà đã trồng căn lành từ vô lượng vô biên đức Phật”.

Chỉ niệm Phật một tiếng, căn lành không mất, trải qua nhiều kiếp  được xuất gia tu hành ; ấy là nhờ pháp  Phật cao siêu, cửa từ bi rộng lớn, thì pháp  trì danh niệm Phật há không phải nhiệm màu  ư ? Không phải con đường đại lộ ư ?

CON ĐƯỜNG RỘNG LỚN

Đường về Tây Phương cũng như đại lộ ấy, không những đưa mình đến Cực Lạc mà cũng đưa người đến Cực Lạc. Nó cũng là một phương tiện cứu mình, cứu người rất hiệu nghiệm. Chỉ khuyên người niệm Phật một tiếng, tức là gieo giống Phật vào tâm địa người ấy rồi. Có nhơn thì có quả, thế nào người ấy cũng thành Phật, cũng đến Cực Lạc, nếu người ấy tin và niệm như chúng ta. Vì vậy nên ví dụ pháp  niệm danh hiệu Phật như con đường rộng lớn, lợi ích chung.

Trong tập Long Thơ  Tịnh Độ có chép : Ông Phong Chữ người nhà  Đường bên Tàu, tự nhiên chết ngất, hồn về chín suối. Ông thấy vua Diêm La bảo :“Xét sổ tội phước thì ông này đã từng khuyên được một người già niệm Phật. Người già ấy đã sanh về tịnh độ rồi. Ông nhờ công đức ấy lẽ ra ông cũng được sanh về tịnh độ, nên ta mời ông đến đây nói chuyện”.

Ông Phong Chữ  đáp :“Trước tôi phát nguyện in một vạn quyển Kinh Kim Cang ; tôi chưa in xong nên tôi chưa muốn vãng sanh vội”.

Diêm Vương nói : ” In Kinh vẫn là một việc phước đáng làm, song không bằng sớm về Cực Lạc hơn”.

Ông từ chối mãi, vua biết chí ông cương quyết nên cho ông hồi sanh. Khuyên người niệm Phật không những mình và người đều được vãng sanh, mà cũng cảm động đến Diêm Vương là khác. (Long Thư Tịnh Độ)

Chúng ta có thể  nói pháp  niệm danh hiệu Phật thật là rộng rãi, cao siêu không bờ, không bến, không thể suy nghĩ bàn luận được. chỉ có người thực hành mới cảm biết sự linh nghiệm. Cũng như cơm có ăn mới biết ngon dở ; nước có uống mới biết lạnh nóng. Lợi ích của pháp  niệm Phật vô cùng vô tận, đem lại hạnh phúc thiết thực cho tất cả mọi người, như con đường công cộng vậy.

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC CHUNG

Trong Kinh Pháp Hoa, Phật ví dụ : Pháp của Ngài như trận mưa to. Trận mưa ấy từ một đám mây trời rơi xuống. Những cây đại thọ, cây nhỏ và các loài thảo mộc đều được thấm nhuần và sanh trưởng. Cho đến muôn vật, cỏ cây, cảnh vật trong nhà cũng được mát mẻ dễ chịu. Mây một đám vô tình đem lại nhựa sống cho muôn loài như từ bi của Phật, vô tư mà cứu độ, che chở cho tất cả chúng sanh. Mưa một trận bình đẳng rơi xuống như pháp  Phật một màu thanh tịnh, làm cho tất cả đều được giải thoát yên vui.

Cây đại thọ, cây nhỏ, các loài thảo mộc v.v… Ví dụ cho những loài chúng sanh khôn dại bất đồng ; cảnh vật trong nhà là ví dụ cho những người chưa tin và không huỷ báng Phật Pháp.

Chúng sanh nhiều như  cỏ cây muôn loại, pháp  Phật một màu bình đẳng như mưa. Mưa không vì cây có lớn nhỏ  mà mưa có sai khác. Phật pháp  không vì  chúng sanh bất đồng mà Phật pháp  bất  đồng, sai khác là tự chúng sanh, chứ Phật pháp không riêng gì ai cả. Bởi vậy nên người nào niệm Phật, thì tuỳ theo sức người ấy mà hưởng thọ hạnh phúc chung. Như cỏ cây muôn loại, tuỳ sức lớn nhỏ bất đồng mà thấm nhuần mưa rơi bình dẳng.

HÀNH LÝ ĐI ĐƯỜNG

Vẫn biết pháp  niệm Phật nhiệm mầu dễ tu chứng, như đại lộ  dễ đến dễ đi. Nhưng muốn lên đường, cần phải có lương thực, đủ hành lý. Vậy theo lời Phật dạy người niệm Phật phải có ba món : Tín, Hạnh, Nguyện làm tư lương mới đi đến Cực Lạc.

a)-  TÍN : Tức là tin. Tín là nguồn đạo đức lớn lao, sinh ra tất cả công đức cao quý phi thường (Tín vi đạo nguyên công đức mẫu). Vậy tin cái gì ? Tin lời Phật dạy. Tin có Phật A Di Đà cần phải niệm tưởng. Tin thế giới Cực Lạc cần phải cầu sanh. Tin ta có công niệm Phật sẽ có quả thấy Phật. Tin có Phật A Di Đà tiếp dẫn ta về Cực Lạc. Tin có Phật Thích Ca và mười phương chư Phật đồng khuyên chúng ta niệm Phật và tiếp dẫn chúng ta về Cực Lạc. Tin chư Phật là những đấng đạo sư dẫn đường, chúng ta là những người đủ năng lực đi theo. Chúng ta tin rằng lời Phật rất đúng với chân lý. Mặt trời có thể lạnh, mặt trăng có thể nóng, chứ lời Phật dạy đúng với chân lý không sai. Chúng ta tin tưởng pháp môn niệm Phật có đủ năng lực đưa chúng ta về Cực Lạc, như ghe đò đưa khách sang sông, lên bờ giải thoát. Vì thế nên ai cũng cần phải có đức tin chân chánh mới mong vào đạo, tu hành và chứng đạo.

b) – HẠNH : Hành động, tin tưởng chưa đủ. Tin rồi cần phải cố thực hành. Nghĩa là bắt tay vào việc niệm Phật. Cố  thực hành đức tin mới phát triển, sự nhận thức mới chân chánh. Ngày đêm phải chia ra làm mấy thời có chừng mực, khuya sớm chuyen cần, nắng mưa không bỏ, quyết chí niệm mãi cho đến khi ” nhất tâm bất loạn”. Hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm, niệm bằng cách ghi số, lần chuỗi, hay chỉ dùng hơi thở vào ra mà đếm số. Cứ một hơi thở ra vào đếm một câu niệm Phật. Niệm nhiều hay ít, lâu hay mau tuỳ sức, tuỳ thời giờ, tuỳ hoàn cảnh.

Ngoài ra phải bỏ  các điều ác, làm các việc lành, giữ tâm  ý  trong sạch. Hằng làm lợi ích chung, như cúng dường Phật, Pháp, Tăng, hiếu dưỡng cha mẹ, thờ phụng sư trưởng, ăn chay, giữ giới quy  y  v.v… Lại phải từ bi bác ái với muôn loài, lợi lạc cho Tổ Quốc, giang sơn, gia đình, xã hội, ấy gọi là thực hành. Nếu không có thực hành thì lòng tin không vững. Vì thế nên tin rồi phải thực hành. Thực hành rồi phải phát nguyện.

c) – NGUYỆN : là  nguyện vọng, ưa muốn. Đã tin tưởng và thực hành rồi, nhưng chưa đủ, cần phải phát nguyện vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Ngày càng cũng cố  nguyện vọng thiết tha. Nguyện hành trì pháp môn niệm Phật, dầu mất thân mạng cũng không dám bỏ niệm Phật. Nguyện niệm đến khi nào thoát sanh tử rồi trở lại cõi đời này giáo hoá chúng sanh, cứu độ cha mẹ, ông bà, thân bằng quyến thuộc. Nguyện đời đời hết lòng thương yêu tất cả. Nguyện nhờ công đức tu hành ấy để được sanh về Cực Lạc thấy Phật A Di Đà.

Thiếu lời nguyện thì sự thực hành của mình không có mục  đích. Cũng như có người tin có ruộng đất tốt, ra công cấy, cày mà không muốn gặt hái. Không muốn gặt cũng như không nguyện. Không gặt hái thì dầu có ruộng đất tốt, giống tốt, cày cấy siêng năng … cũng không có lợi ích gì.

Ba món Tín, Hạnh, Nguyện đối với người niệm Phật rất quan trọng. Cũng như lương thực đối với người đi đường không thể thiếu được. Vậy nên người niệm Phật bao giờ cũng sẵn có nghị lực trong tự tâm.

TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC LÊN MÀ ĐI

Người nào Tín, Hạnh, Nguyện đã đầy đủ thì hãy dõng mãnh tiến bước lên đường. Gặp được pháp “Trì danh niệm Phật” tức là gặp con đường đại lộ thẳng về Tây Phương. Thật là hạnh phúc ! Niệm một tiếng Phật tức là gieo trồng hạt giống Phật vào tâm địa. Cứ tiếp tục gieo mãi như thế quyết định có ngày hạt giống sẽ nứt mộng nẩy chồi, đơm hoa kết quả, thành Phật. Hột giống ấy không bao giờ mất. Vì như lúc nhỏ chúng ta học A, B, . . . lớn lên vẫn còn nhờ A, B, . . . mà thành đạt. Vì sao ?  Hành động, ngôn ngữ, tư tưởng chúng ta đều không mất. Chúng kết tinh lại thành những dòng nguyên tố, những công năng, nói cách khác, thành những hạt giống trong tâm địa chúng ta. Tất cả các sự vật đều chuyển biến không ngừng, pháp  nào theo giống của pháp  ấy. Tinh thần có giống tinh thần ; vật chất có giống vật chất. Vì thế cho nên những người muốn có tinh thần sáng suốt giác ngộ, thì phải gieo giống tinh thần giác ngộ, tức là cố gắng niệm Phật. Phải làm thế nào cho tất cả năng lực tinh thần, giác ngộ tiềm tàng trong thâm tâm chúng ta phát triển mạnh lên ; chứ không phải hàon toàn ỷ lại sức gia hộ của Phật. Không có một thần lực nào có thể gia hộ cho chúng ta, nếu chúng ta không có hột giống Phật. Tuy có Phật gia hộ thật, nhưng Phật tức là tâm. Nói cách khác tâm ta gia hộ cho ta. Mặc dầu tu theo pháp  tịnh độ phải có đức tin đứng đầu, tin có Phật A Di Đà vì 48 lời nguyện của Ngài, nên Ngài không thể bỏ rơi chúng ta. Nhưng sự gia hộ của Ngài khác nào bà mẹ lành, dắt người con trẻ, nếu con không bằng lòng đi, mẹ cũng không thể nào dẫn con đi được. Phật là người dẫn đường, chúng ta không đi thì không bao giờ đến. Theo pháp môn tịnh độ phải tin có tự lực và tha lực mà không chấp trước. Như vậy tu hành mới tự giải thoát. Công việc giải thoát chỉ làm xong trong một đời, không giống như các cách tu hành khác, phải trải qua nhiều kiếp.

KẾT LUẬN

Phật là tha lực, ta là tự lực, đó là hai yếu tố giác ngộ trên tinh thần cứu khổ và giải thoát. Vậy muốn thoát khổ cho mình, cứu khổ cho người, độ tận chúng sanh, các bạn hãy tu theo pháp môn ” Trì danh niệm Phật” . Nó là con đường chơn thiện mỹ, chơn hạnh phúc, con đường thẳng tắt duy nhất về Cực Lạc.

Bước sang con đường ấy, các bạn sẽ mãn nguyện.