đường tháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(唐塔) Bảy ngôi tháp ở sườn núi phía đông và ở làng Tháp bình phía tây bắc của chùa Phật quang ở huyện Ngũ đài, tỉnh Sơn tây, Trung quốc. Trong đó, có bốn tháp được xây dựng vào đời Đường, kiến trúc cổ kính, hình dáng Vua Thái Tông Nhà Đường đặc thù, rất ít thấy trong các kiểu tháp đời Đường. Đó là: 1. Giải thoát thiền sư tháp: Ở làng Tháp bình, phía tây bắc chùa Phật quang, được xây dựng vào năm Trường khánh thứ 4 (824) đời vua Mục tông. Tháp hình vuông, hai tầng, cao chừng 10m, được xây theo kiểu núi Tu di ở giữa thắt lại, trong thân tháp rỗng, mặt chính có cửa hình vòm cung, phần trên trong tháp là những ô trang trí, trên nóc tháp có tòa bát úp, thụ hoa và bảo châu, nhưng đã hư nát. 2. Vô cấu tịnh quang tháp: Ở sườn núi phía đông chùa Phật quang, được xây dựng vào năm Thiên bảo 11 (752) đời vua Huyền tông, hình tám góc, tòa xây theo kiểu núi Tu di ở iữa thắt lại, thân tháp đã hư nát. Những pho tượng Phật, Bồ tát, Kim cương v.v… bằng bạch ngọc đời Hán đào được ở trong tháp, chạm trổ rất đẹp, tỉ lệ cân đối, đường nét uyển chuyển. 3. Chí viễn hòa thượng tháp: Ở sườn núi phía đông chùa Phật quang, được xây dựng vào năm Hội xương thứ 4 (844) đời vua Vũ tông. Nền tháp hình tám góc, thân tháp kiểu bát úp, hình dáng đẹp đẽ thanh tú, cửa mở về hướng tây, đỉnh tháp đã hư hoại. Đây là kiểu tháp đời Đường duy nhất còn lại ở Trung quốc. 4. Đại đức phương tiện hòa thượng tháp: Ở sườn núi phía đông của chùa Phật quang, được xây dựng vào năm Trinh nguyên 11 (795) đời vua Đức tông, hình sáu góc, cao 4m, cửa mở hướng tây, nóc tháp đã hư nát; ngoài cửa hướng bắc của tháp có bài minh khắc trên đá, ghi chép rất rõ ràng. Từ đời Đường trở về trước, những ngôi tháp cổ ở Trung quốc phần nhiều được xây theo hình tròn, hoặc hình vuông, còn kiểu tháp hình sáu góc hoặc tám góc thì rất ít thấy. Các ngôi tháp ở chùa Phật quang thì có đủ các đặc sắc này.