đương ma mạn đồ la

Phật Quang Đại Từ Điển

(當麻曼荼羅) Cũng gọi Quán kinh mạn đồ la, Ngẫu ti mạn đồ la. Bức mạn đồ la ở chùa Đương ma tại Đại hòa, là một trong 3 mạn đồ la của tông Tịnh độ Nhật bản. Bức vẽ này được dệt bằng tơ ngó sen (ngẫu ti), vì quá lâu đời nên đã bị rách nát, nay chỉ còn những mãnh vụn mà thôi. Trong năm Văn qui (1501 – 1503), mạn đồ la này được vẽ lại nên còn gọi là Văn qui mạn đồ la. Toàn bức vẽ được chia làm Nội trận và Ngoại trận: – Nội trận là Lầu gác báu lấy Di đà tam tôn (Di đà, Quan âm, Thế chí) làm trung tâm, phía trước là ao báu, ở giữa ao nổi lên một sân vũ nhạc để ca múa, hai bên hội Vũ nhạc bày xếp hội Phụ tử tương nghinh để đón tiếp người vãng sinh. – Ngoại trận thì chia làm hai bên và phía dưới, biểu thị ý nghĩa trong kinh Quán vô lượng thọ; phần bên phải gồm 13 pháp quán, phần bên trái là 11 bức vẽ của phần tựa, phần dưới là tướng đón tiếp lên chín phẩm. Bức vẽ cũ hình vuông, mỗi bề 4,5m, còn bức vẽ lại thì được thu nhỏ hơn, chỉ bằng một phần tư bức cũ, nhưng rất phổ biến.