dương kì tông

Phật Quang Đại Từ Điển


(楊岐宗) Một trong Ngũ gia thất tông (Năm nhà bảy tông trong Thiền tông). Cũng gọi Dương kì phái. Thiền sư Dương kì Phương hội (996 – 1049) là tổ khai sáng của tông này. Phương hội là đệ tử của Thiền sư Thạch sơn Sở viên, trụ trì Thiền viện Phổ thông ở núi Dương kì thuộc Viên châu (tỉnh Giang tây), nêu cao tông phong, tiếp dẫn người học, môn đình phồn thịnh, phát triển thành một phái, đứng ngang hàng với phái Hoàng long của sư Tuệ nam (đồng môn với Phương hội). Sư Phương hội có 13 người đệ tử, trội hơn cả là Bạch vân Thủ đoan và Bảo ninh Nhân dũng. Dưới Nhân dũng có Thọ thánh Sở văn, Thượng phương Nhật ích; dưới Thủ đoan có Ngũ tổ Pháp diễn. Đệ tử Pháp diễn có nhiều vị tuấn tú, nổi bật nhất là: Phật nhãn Thanh viễn, Thái bình Tuệ cần, Thiên mục tề, Viên ngộ Khắc cần, Ngũ tổ Biểu bạch, Vân đính Tài lương v.v… Thanh viễn truyền đến đời thứ 3 là Mông am Nguyên thông, vị tăng Nhật bản tên Tuấn nhận đến học Mông am, sau đó khi về nước, mở ra Thiền phái Dương kì tại Nhật. Trong 24 dòng Thiền của Nhật bản, có 20 dòng bắt nguồn từ pháp hệ Dương kì. Khắc cần biên soạn Bích nham lục vang danh ở đời, trong số 75 người đệ tử nối pháp Khắc cần thì Đại tuệ Tông cảo và Hổ khâu Thiệu long là nổi tiếng nhất. Tông cảo đề xướng Khán thoại thiền, sánh ngang với Mặc chiếu thiền của tông Tào động. Trong hơn 90 đệ tử nối pháp của Tông cảo thì môn đình Chuyết am Đức quang là thịnh nhất, dưới Đức quang có hai vị anh kiệt là: Diệu phong Chi thiện và Bắc giản Cư giản. Vị tăng người Nhật đến học Đức quang và được ấn khả, trở về nước, đã nêu cao ngọn cờ của tông Đạt ma tại Nhật bản. Cư giản truyền đến đời thứ 2 là Mai ốc Niệm thường, Niệm thường soạn Phật tổ lịch đại thông tải; một đệ tử khác của Cư giản là Đông dương Đức huy thì tuân mệnh vua soạn Thiền lâm thanh qui. Từ đời Tống trở về sau, môn đồ phái này hầu như bao trùm toàn bộ đạo tràng của tông Lâm tế. Tông phong của phái Dương kì ứng dụng các phương pháp như nêu ra cổ tắc của người xưa, dựng phất trần, giơ nắm tay, đánh, hét, khám biện công án v.v… làm cơ yếu ngộ nhập. [X. Gia thái phổ đăng lục Q.4, Q.8, Q.14 – 17; Ngũ đăng hội nguyên Q.19, Q.20; Tục truyền đăng lục Q.13 – 15, Q.25 – 34].