đường đại phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(唐代佛教) Phật giáo đời Đường. Phật giáo đời Đường bước ra khỏi lĩnh vực của thời kì du nhập, từ Hán qua Nam Bắc triều, mà tự sáng lập nhiều tông phái mới. Hầu hết các vua nhà Đường đều ủng hộ Phật giáo, lại thêm nhiều vị cao tăng thạc học xuất hiện, sự nghiệp dịch kinh phát triển trước kia chưa từng thấy, các chùa viện được xây dựng ở khắp nơi, hội họa của Phật giáo trình hiện những đường nét mới, văn học, nghệ thuật phát đạt rực rỡ, nên có thể nói, đời Đường là thời đại hoàng kim của Phật giáo Trung quốc. Các tông phái Phật giáo phát triển mạnh mẽ ở đời Đường gồm có: 1. Tịnh Độ Tông: Do các ngài Đạo xước và Thiện đạo hoằng truyền. Ngài Đạo xước giảng kinh tất cả 200 lần, mỗi ngày niệm danh hiệu Phật bảy vạn biến, hết lòng giáo hóa dân chúng, đề xướng pháp Tiểu đậu niệm Phật(dùng những hạt đậu nhỏ để đếm trong khi niệm Phật, như ngày nay ta lần tràng hạt vậy), soạn An lạc tập 2 quyển. Ngài Thiện đạo xiển dương pháp môn niệm Phật ở các chùa Ngộ chân, Thực tế, Quang minh tại Trường an, chép 10 vạn quyển kinh A di đà, vẽ 300 bức tranh Tịnh độ biến tướng và trông coi công việc tạc tượng Phật lớn bằng đá ở chùa Phụng tiên tại hang đá Long môn, tiếng tăm của ngài vang dội nên rất được Hoàng gia nhà Đường cũng như các quan trong triều tôn kính. Ngài còn soạn Quán kinh sớ, Vãng sinh lễ tán v.v… 5 bộ gồm 9 quyển. Ngoài ra, tông Tịnh độ còn có những bậc cao tăng khác như các ngài: Ca tài, Hoài cảm, Pháp chiếu, Phi tích, Thiếu khang, Tuệ nhật, Đạo kính v.v… 2. Luật Tông: Tông phái y cứ vào bộ luật Tứ phần mà hoằng truyền giới luật, gồm có: Nam sơn luật tông của ngài Đạo tuyên, Tướng bộ tông của ngài Pháp lệ và Đông tháp tông của ngài Hoài tố. Ngài Đạo tuyên chuyên về Luật học, ngài sưu tầm và nghiên cứu một cách tinh tường các bộ luật lưu truyền khác nhau, là người tập đại thành Luật tông. Ngài ở chùa Phong đức núi Chung nam, được khen tặng là Nam sơn luật sư. Các trước tác của ngài gồm 35 bộ, 188 quyển. Trong đó, Tứ phần luật hành sự sao, Giới sớ, Yết ma sớ, Thập tì ni nghĩa sao và Tỉ khưu ni sao được gọi là Nam sơn ngũ đại bộ. Năm bộ này là những sách rất cần thiết cho Luật học. Ngài Pháp lệ học luật nơi các luật sư Tĩnh hồng, Hồng uyên, sau qua Giang nam học luật Thập tụng. Ngài giảng luật Tứ phần tất cả hơn 40 lần, soạn Tứ phần luật sớ, Yết ma sớ v.v… Đệ tử ngài có các vị: Mãn ý, Hoài tố. Ngài Hoài tố là tổ khai sáng tông Đông tháp, có soạn bộ Tứ phần luật khai tông kí để bổ túc cho những chỗ còn thiếu sót trong thuyết của ngài Pháp lệ. 3. Pháp Tướng Tông: Chuyên nghiên cứu về thể tính và tướng trạng của các pháp, thuyết minh diệu lí vạn pháp duy thức. Thuyết này do bồ tát Thế thân đề xương, được các tông Địa luận ở thời Nam Bắc triều và Nhiếp luận ở thời Trần truyền bá. Cuối cùng đến đời Đường ngài Huyền trang và đệ tử là sư Khuy cơ thành lập tông Pháp tướng Duy thức. Ngài Huyền trang sang Ấn độ cầu pháp, theo luận sư Giới hiền học Du già duy thức, khi hồi hương, ngài mang về tất cả 657 bộ kinh, dịch được 600 quyển kinh Đại bát nhã ba la mật đa và các bộ luận Hiển dương thánh giáo, Phật địa, Du già sư địa v.v… Bấy giờ, chùa Hoằng phúc, nơi ngài Huyền trang ở, là trung tâm truyền bá của tông Pháp tướng, nổi tiếng một thời. 4. Hoa Nghiêm Tông: Dựa vào kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm để thuyết minh lí mầu nhiệm của pháp giới duyên khởi, sự sự vô ngại. Đây là tông phái mới hưng khởi vào đời Đường, Sơ tổ là ngài Đỗ thuận, Nhị tổ là ngài Trí nghiễm, Tam tổ là Pháp tạng. Ngài Đỗ thuận soạn bộ Pháp giới quán môn, ngài Trí nghiễm soạn Hoa nghiêm kinh sưu huyền kí, Hoa nghiêm kinh khổng mục chương, Hoa nghiêm ngũ thập yếu vấn đáp v.v… Những tác phẩm này được xem là nền tảng để thành lập tông Hoa nghiêm. Nhưng, trên thực tế, ngài Pháp tạng mới là tổ khai sáng tông Hoa nghiêm. Ngài từng giảng kinh Hoa nghiêm ở chùa Thái nguyên, được Vũ hậu ban hiệu Hiền Thủ Đại Sư. Trong phán giáo Ngũ giáo thập tông, ngài cho kinh Hoa nghiêm là viên mãn nhấtvà lấy tư tưởng Nhất thừa viên giáo làm cơ sở mà mở ratông Hoa nghiêm. Ngài có soạn hơn 60 bộ sách như: Thám huyền kí, Ngũ giáo chương, Hoa nghiêm kinh chỉ qui v.v… 5. Thiên Thai Tông: Căn cứ vào kinh Diệu pháp liên hoa mà đề xướng thuyết Nhất tâm tam quán, Tam đế viên dung. Tông Thiên thai và tông Hoa nghiêm là hai viên ngọc quí của nền Phật học Trung quốc. Từ khi ngài Trí khải mở tông vào đời Tùy, ngài Quán đính thừa kế, đến đời Đường thì bặt đi một thời gian, rồi sau được các ngài: Trí uy, Tuệ uy, Huyền lãng, Trạm nhiên tiếp nối nhau phát huy. Ngài Trạm nhiên là tổ thứ 6, đã có công trung hưng tông Thiên thai, mở rộng giềng mối giáo pháp, làm sáng tỏ ý chỉ sâu kín của đại sư Trí khải, phê phán học thuyết các tông khác, là tác giả của những bộ sách: Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm, Pháp hoa văn cú kí và Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết. Sau pháp nạn Hội xương, tông này suy vi dần. 6. Thiền Tông: Từ Sơ tổ Bồ đề đạt ma mở pháp ở đời Lương, theo thứ tự truyền cho các ngài Tuệ khả, Tăng xán, Đạo tín và Hoằng nhẫn, đến đời Đường thì có ngài Thần tú, Tuệ năng xuất hiện, chính thức xác lập Thiền tông. Trong thời gian ấy rất nhiều bậc cao tăng ra đời, làm cho Thiền tông một thời cực thịnh. Từ cuối đời Đường về sau, các tông khác đều rơi vào tình trạng suy vi dần, chỉ riêng Thiền tông vẫn thịnh và đã trở thành tông phái tiêu biểu cho Phật giáo Trung quốc. Thiền tông đời Đường, ngoài hai phái Tuệ năng, Thần tú, còn có Ngưu đầu thiền, là phái của ngài Pháp dung, đệ tử của Tứ tổ Đạo tín. Hệ phái ngài Thần tú ở miền Bắc, truyền pháp tại Trường an, Lạc dương, còn hệ phái ngài Tuệ năng thì ở phương Nam, mới đầu truyền pháp ở Thiều châu, sau đến các tỉnh Hồ nam, Giang tây v.v… Hai tông Nam, Bắc do giáo nghĩa bất đồng mà chia ra Nam đốn, Bắc tiệm. Bắc tông đời Đường có thế lực lớn,nhưng về sau suy dần. Còn Nam tông thì thịnh mãi. Đệ tử của ngài Tuệ năng có nhiều vị anh tài xuất chúng, nổi tiếng nhất là các Thiền sư: Thanh nguyên Hành tư, Nam nhạc Hoài nhượng, Hà trạch Thần hội, Vĩnh gia Huyền giác, Nam dương Tuệ trung v.v… Từ giữa đời Đường về sau, Nam tông rất hưng thịnh, trong đó, hai kệ phái Thanh nguyên, Nam nhạc thịnh hơn cả, truyền pháp ở các vùng Giang tây, Hồ nam v.v… về sau, chia ra năm dòng: Lâm tế, Tào động, Qui ngưỡng, Vân môn và Pháp nhãn gọi là Thiền tông ngũ gia, đều thuộc về hai hệ phái Thanh nguyên và Nam nhạc. 7. Mật tông: Mật giáo du già, nương theo pháp môn Chân ngôn đà la ni, tu diệu hạnh Ngũ tướng tam mật được tức thân thành Phật. Tuy đã được mở đầu từ thời Tây Tấn, nhưng phải đợi đến thời Đường Huyền tông, khi các ngài Thiện vô úy, Kim cương trí, Bất không v.v… từ Ấn độ lần lượt đến Trung quốc thì Mật tông mới hưng thịnh. Ngài Thiện vô úy là một vị học giả ở chùa Na lan đà bên Ấn độ, đến Trung quốc vào khoảng năm Khai nguyên (713-741), dịch rất nhiều kinh điển Mật giáo, trong đó, bộ kinh Tì lô giá na Phật thần biến gia trì là Thánh điển y cứ căn bản của Mật giáo. Bộ kinh này ngài dịch chung với đệ tử là sư Nhất hạnh. Như đã trình bày ở trên, vào đầu và giữa đời Đường, Phật giáo Trung quốc khá hưng thịnh, nhưng đến cuối đời Đường thì do vua Vũ tông phế bỏ Phật giáo nên ngoại trừ Thiền tông, các tông khác lần lượt suy dần.