đường chiêu đề tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(唐招提寺) Tên cũ: Long hưng tự. Cũng gọi Kiến sơ luật tự. Gọi tắt: Chiêu đề tự. Tổng bản sơn của Luật tông Nhật bản, nằm ở Ngũ điều Tây kinh, thành phố Nại lương, là một trong bảy ngôi chùa lớn ở Nam đô, do đại sư Giám chân người Trung quốc sáng lập. Chùa này và chùa Đông đại là hai đạo tràng lớn truyền bá và nghiên cứu Luật học. Vào năm Thiên bình thắng bảo thứ 6 (754), ngài Giám chân đưa các đệ tử đến Nhật bản, Thiên hoàng Thánh vũ xin qui y ngài và tháng 4 năm ấy nhà vua thụ giới Bồ tát ở chùa Đông đại. Sau đó không lâu, Thiên hoàng lấy đất của thân vương Tân điền bộ ban cho ngài để xây cất chùa này, làm được nửa chừng thì Thiên hoàng băng hà. Thiên hoàng Hiếu liêm lên kế vị và tiếp tục công việc mà người tiền nhiệm đã bỏ dở. Đến năm Thiên bình bảo tự thứ 3 (759) thì chùa hoàn thành, được ban hiệu là Đường Chiêu Đề Tự, cùng năm ấy, Thiên hoàng Thuần nhân thụ giới ở chùa này, ngài Hiền cảnh chép Đại tạng kinh 5048 quyển để dâng cúng. Trong năm Diên lịch, luật sư Như bảo ở tại chùa này tuyên giảng giới luật. Niên hiệu Đại đồng năm đầu (806), Thiên hoàng Bình thành ban chiếu chỉ mở an cư, thỉnh những vị tăng giới hạnh thanh tịnh giảng các kinh Pháp hoa, Tối thắng, Nhân vương v.v… Niên hiệu Hoằng nhân năm đầu (810), xây cất thêm tháp năm tầng, cung điện, hồi lang v.v… Năm Hoằng nhân thứ 2 (811), Thiên hoàng Tha nga ra sắc lệnh cho tăng ni phải học tập nghiên cứu giới pháp, nếu ai vi phạm sẽ bị xử trị theo đúng giới luật. Về sau, chùa dần dần hoang tàn, trong năm Gia trinh, ngài Giác thịnh làm trụ trì, chùa được trung hưng. Nhưng đến thời đại Túc lợi, tài sản của chùa bị Vũ gia cướp đoạt, diện tích chùa cũng bị thu hẹp. Trong năm Trường khánh chùa được sửa lại và trong năm Nguyên lộc nhiều tòa nhà mới được xây cất thêm. Đến thời Minh trị Duy tân chùa lại rơi vào tình trạng suy đồi, nội bộ cũng bị phân hóa: Các chùa trực thuộc trước kia nay tách ra độc lập hoặc lệ thuộc vào các chùa khác. Nhưng đến tháng 8 năm Minh trị 33 (1900), các chùa chi nhánh độc lập đó lại cùng tôn chùa này (Đường chiêu đề) là Tổng bản sơn. Hiện nay chùa này có 21 chùa chi nhánh trực thuộc. Trong chùa còn cất giữ rất nhiều di vật văn hóa, nổi tiếng hơn cả có tượng hòa thượng Giám chân ngồi, tết bằng hai lớp sợi gai và tượng Dược sư Như lai cùng các tượng Phật khác chạm bằng gỗ. Ngoài ra, còn có bộ Đông chinh hội truyện 5 quyển, nhiều loại kinh chép tay và các sách vở cổ.