dược thạch

Phật Quang Đại Từ Điển


(藥石) I. Dược thạch: Dược là dược nhị (các chất bổ cho người bệnh ăn); Thạch là Biếm thạch (cái kim bằng đá) dùng để chữa bệnh. Dược thạch tức là thuốc thang và các dụng cụ y khoa. Mục La hán dược thực trong Tổ đình sự uyển quyển 1 (Vạn tục 113, 8 thượng), nói : Thực nên gọi là thạch. Thức ăn được xem như là vị thuốc để chữa bệnh, cho nên gọi là dược thạch. Công phạt bệnh gọi là dược, trừ diệt bệnh gọi là thạch. Thời xưa dùng cây kim bằng đá chích vào da thịt để chữa bệnh. [X. Huyền ứng âm nghĩa Q.18]. II. Dược thạch. Cũng gọi Dược thực. Chỉ cho bữa ăn chiều trong Thiền lâm. Phật cấm tỉ khưu đã quá giờ ngọ không được ăn, cho nên các chùa viện Thiền tông gọi sự ăn uống sau giờ ngọ là dược thạch, cũng tức là tiếng lóng chỉ cho bữa ăn chiều. Ý nói ăn để chữa bệnh đói khát. Mục Du phương tham thỉnh trong Sắc tu bách trượng thanh qui quyển 5 (Đại 48, 1140 trung) : Buổi chiều đặc biệt uống nước nóng, mặc áo đến, trụ trì mời vào (…) uống nước xong đến trước lò sưởi lễ tạ hai lần, mỗi lần ba lạy rồi vén áo ngồi xuống dùng dược thạch (ý nói ăn cơm chiều). Ngoài ra, theo truyền thuyết, chư tăng thời xưa mỗi ngày chỉ dùng hai bữa, cho nên vào buổi chiều những ngày mùa đông thường đốt một hòn đá nóng đặt ở nơi bụng để chống rét và trừ đói. Phương pháp này được gọi là Vạn linh đơn…….. (thuốc chữa muôn bệnh) có thể trị liệu tất cả các bệnh dạ dày và ruột, do đó đời sau mới gọi bữa ăn chiều là Dược thạch. [X. Sắc tu bách trượng thanh qui Q.2 Đạt ma kị điều, Nhập chúng nhật dụng điều; Hành trì quĩ phạm Q.1 Nhật phần hành trì; Hoàng bá thanh qui; Thiền lâm tượng khí tiên Ẩm đạm môn].