dược sư thập nhị thần tướng

Phật Quang Đại Từ Điển


(藥師十二神將) Mười hai vị tướng thần Dược sư. Cũng gọi Thập nhị thần vương, Thập nhị thần tướng, Thập nhị Dược xoa đại tướng, quyến thuộc của đức Phật Dược sư. Tức là 12 vị Dược xoa thần tướng ủng hộ và bảo vệ những người trì tụng kinh Dược sư. Hoặc có thuyết cho 12 vị thần tướng này là những phân thân của đức Phật Dược sư. Mỗi vị thần tướng cầm đầu 7.000 Dược xoa, tổng cộng là 84.000 vị thần hộ pháp. Mười hai vị thần tướng Dược sư là : 1. Cung tì la, cũng gọi Kim tì la, nghĩa là rất sợ. Vị này thân màu vàng, tay cầm chiếc chày báu, lấy bồ tát Di lặc làm bản địa. 2. Phạt chiết la, cũng gọi Bạt chiết la, Hòa kì la, nghĩa là kim cương. Thân màu trắng, cầm gươm báu, lấy bồ tát Đại thế chí làm bản địa. 3. Mê xí la, cũng gọi Di khư la, nghĩa là chấp nghiêm. Mình màu vàng, tay cầm gậy báu hoặc chày một chĩa, lấy Phật A di đà làm bản địa. 4. An để la, cũng gọi Át nễ la, An nại la, An đà la, nghĩa là chấp tinh. Thân màu xanh lá cây, tay cầm chiếc dùi báu hoặc viên ngọc báu, lấy bồ tát Quan âm làm bản địa. 5. Át nhĩ la, cũng gọi Mạt nhĩ la, Ma ni la, nghĩa là chấp phong. Thân màu đỏ lợt, tay cầm cái chĩa hoặc mũi tên báu, lấy bồ tát Ma lợi chi làm bản địa. 6. San để la, cũng gọi Sa nễ la, Tố lam la, nghĩa là chỗ ở. Thân màu lam, tay cầm gươm hoặc tù và báu, lấy bồ tát Hư không tạng làm bản địa. 7. Nhân đạt la, cũng gọi Nhân đà la, nghĩa là chấp lực. Thân màu đỏ, tay cầm cái côn hoặc cái mâu báu, lấy bồ tát Địa tạng làm bản địa. 8. Ba di la, cũng gọi Bà da la, nghĩa là chấp ẩm. Thân màu đỏ lợt, tay cầm dùi hoặc cung tên báu, lấy bồ tát Văn thù làm bản địa. 9. Ma hổ la, cũng gọi Bạc hô la, Ma hưu la, nghĩa là chấp ngôn. Thân màu trắng, tay cầm cái rìu báu, lấy Phật Dược sư làm bản địa. 10. Chân đạt la, cũng gọi Chân trì la. Thân màu vàng, tay cầm giây lụa hoặc cây gậy báu, lấy bồ tát Phổ hiền làm bản địa. 11. Chiêu độ la, cũng gọi Chu đỗ la, Chiếu đầu la, nghĩa là chấp động. Thân màu xanh, cầm cái dùi báu, lấy bồ tát Kim cương thủ làm bản địa. 12. Tì yết la, cũng gọi Tì già la, nghĩa là viên tác. Thân màu đỏ, tay cầm bánh xe báu hoặc chày ba chẽ, lấy Phật Thích ca mâu ni làm bản địa. Có thuyết nói 12 vị thần tướng này trong 12 giờ ban ngày, 12 giờ ban đêm, 12 tháng trong bốn mùa thay phiên nhau giữ gìn ủng hộ chúng sinh. Nếu phối hợp 12 thần tướng với 12 địa chi ngược lên thì Cung tì la thuộc Hợi, Phạt chiết la thuộc Tuất, Chiêu độ la thuộc Sửu, Tì yết la thuộc Tí v.v… Quan hệ phối với 12 địa chi, bản địa và vật cầm tay của 12 vị thần tướng được đồ biểu như sau: 12 thần tướng 12 Địa chi Bản địa Vật cầm tay Tì Yết La Hợi Thần Di Lặc Chày Báu Phạt Chiết La Tuất Thần Đại Thế Chí Gươm Báu Mê Xí La Dậu Thần A Di Đà Chày Một Chĩa An Để La Thân Thần Quan Thế Âm Ngọc Báu Át Nhĩ La Mùi Thần Ma Lị Chi Mũi Tên San Để La Ngọ Thần Hư Không Tạng Tù Và Nhân Đạt La Tị Thần Địa Tạng Cây Mâu Ba Di La Thìn Thần Văn Thù Cung Tên Ma Hổ La Mão Thần Dược Sư Rìu Báu Chân Đạt La Dần Thần Phổ Hiền Gậy Báu Chiêu Độ La Sửu Thần Kim Cương Thủ Dùi Báu Tì Yết La Tí Thần Thích Ca Chày Ba Chĩa Vì trong kinh Dược sư không thấy đề cập đến thuyết phối hợp 12 địa chi với 12 Thần tướng, vả lại, trong Nhất hạnh a xà lê thuyên tập và kinh Diệu kiến bồ tát thần chú v.v… cũng không thấy có ghi chép, cho nên thuyết này đã do ai truyền thì không được rõ. E rằng con số 12 thần tướng với con số 12 địa chi phù hợp nhau, hơn nữa, kinh Đại phương đẳng đại tập quyển 23 có nêu thuyết 12 con thú, bởi thế đời sau phụ họa mà đặt ra thuyết này. [X.kinh Dược sư thất Phật cúng dường nghi quĩ như ý vương; kinh Dược sư như lai bản nguyện công đức; Dược sư lưu li quang vương thất Phật bản nguyện công đức niệm tụng nghi quĩ cúng dường pháp; kinh Quán đính Q.12; kinh Đà la ni Q.2; Tịnh lưu li tịnh độ tiêu].