dược sư phật

Phật Quang Đại Từ Điển


(藥師佛) Dược sư, Phạm: Bhaiwajyaguru, âm Hán: Bệ sát xã lũ rô. Cũng gọi Dược sư Như lai; Dược sư lưu li quang Như lai, Đại y vương Phật, Y vương thiện thệ, Thập nhị nguyện vương. Là vị giáo chủ của thế giới Tịnh lưu li ở phương Đông. Khi còn tu đạo Bồ tát ở thời quá khứ, đức Phật Dược sư đã từng phát 12 nguyện lớn, nguyện diệt trừ các nỗi khổ do tật bệnh gây nên cho chúng sinh, khiến họ đầy đủ các căn, cuối cùng được đạo giải thoát; nhờ thệ nguyện ấy mà Ngài được thành Phật, trụ ở thế giới Tịnh lưu li, cõi nước của Ngài đẹp đẽ trang nghiêm như nước Cực lạc. Thệ nguyện của đức Phật Dược sư không thể nghĩ bàn, nếu có người bị bệnh nặng, hiện tướng tử vong, lúc sắp chết, họ hàng thân thuộc của người này đêm ngày dốc lòng cúng dường lễ bái đức Phật Dược sư, thắp 49 ngọn đèn, làm 49 lá phan trời năm mầu, tụng 49 biến kinh Dược sư Như lai bản nguyện công đức, thì người ấy sẽ được sống lại. Tín ngưỡng Phật Dược sư đã rất thịnh hành từ xưa đến nay. Cứ theo Dược sư lưu li quang vương thất Phật bản nguyện công đức niệm tụng nghi quĩ cúng dường pháp, thì hình tượng của Phật Dược sư là: Tay trái cầm dược khí (bình thuốc, cũng gọi là ngọc vô giá), tay phải bắt ấn Tam giới, mặc áo ca sa, ngồi kết già (ngồi xếp bằng) trên đài hoa sen, dưới đài có 12 thần tướng. Mười hai thần tướng này thề nguyền hộ trì pháp môn Dược sư, mỗi vị cầm đầu 7000 Dược xoa quyến thuộc, ở các nơi để bảo vệ những chúng sinh thụ trì danh hiệu Phật Dược sư. Lại nữa, hình tượng phổ thông được lưu truyền là hình tượng có tóc xoắn ốc, tay trái cầm bình thuốc, tay phải bắt ấn Thí vô úy (hoặc ấn Dữ nguyện), hai bồ tát Nhật quang, Nguyệt quang đứng hầu hai bên, gọi chung là Dược sư tam tôn. Hai vị đứng hầu hai bên này là bậc Thượng thủ trong vô lượng chúng ở cõi Tịnh độ của Phật Dược sư, là các bồ tát Nhất sinh bổ xứ. Cũng có chỗ đặt bồ tát Quan âm và bồ tát Thế chí đứng hầu hai bên Phật Dược sư. Ngoài ra, cũng có thuyết lấy tám vị bồ tát: Văn thù sư lợi, Quan âm, Thế chí, Bảo đàn hoa, Vô tận ý, Dược vương, Dược thượng, Di lặc v.v… làm thị giả của đức Phật này. Theo kinh Dược sư lưu li quang thất Phật bản nguyện công đức do ngài Nghĩa tịnh dịch vào đời Đường, thì Phật Dược sư còn có tên là Thất Phật Dược sư. Tức là bảy đức Như lai gồm: Thiện xưng danh cát tường vương Như lai, Bảo nguyệt trí nghiêm âm tự tại vương Như lai, Kim sắc bảo quang diệu hạnh thành tựu Như lai, Vô ưu tối thắng cát tường Như lai, Pháp hải lôi âm Như lai, Pháp hải tuệ như ý thần thông Như lai và Dược sư lưu li quang Như lai. Trong đó, sáu vị Như lai trước là những phân thân của đức Dược sư Như lai. Pháp Thất Phật dược sư là một trong bốn pháp lớn của Thai mật Nhật bản. Nếu các pháp tu cầu tiêu trừ tai ách lấy Dược sư Như lai làm bản tôn, thì gọi là Dược sư pháp. Nghi quĩ của pháp này cũng giống như pháp Thất Phật dược sư. Hình tam muội da là bình thuốc. Chân ngôn thì có Đại chú và Tiểu chú khác nhau; Tiểu chú là: Án hô lô hô lô chiến đà lợi ma đằng chỉ sa ha. Ngoài ra, Dược sư Như lai là cùng thể với các đức Như lai A súc, Đại nhật hoặc Thích ca. [X. kinh Dược sư như lai bản nguyện (ngài Đạt ma cấp đa dịch vào đời Tùy); Dược sư lưu li quang Như lai tiêu tai trừ nạn niệm tụng nghi quĩ; Dược sư Như lai quán hành nghi quĩ pháp; Tục cao tăng truyện Q.30 truyện ngài Chân quán đời Tùy; Tống cao tăng truyện Q.24 truyện ngài Nguyên kiểu đời Đường; Xuất tam tạng kí tập Q.5 Tân tập nghi kinh ngụy soạn tạp lục; Cổ kim đồ thư tập thành dị điển thứ 91 Phật tượng bộ].