dung bản mạt

Phật Quang Đại Từ Điển


(融本末) Dung hợp gốc ngọn. Đối lại với Phân chư thừa .(chia các thừa). Tiếng dùng trong phán giáo của tông Hoa nghiêm. Tông Hoa nghiêm chia giáo pháp một đời của đức Phật làm hai loại: Tam thừa và Nhất thừa. Nhất thừa lại chia ra Đồng giáo và Biệt giáo, lấy ý chỉ chủ yếu của kinh Pháp hoa là Hội tam qui nhất (họp ba về một), làm Đồng giáo nhất thừa. Trong Hoa nghiêm ngũ giáo chương quyển 1, khi giải thích về Đồng giáo nhất thừa, ngài Pháp tạng – Tổ thứ 3 của tông Hoa nghiêm – lại thiết lập hai môn: Phân chư thừa và Dung bản mạt. Lấy Phân chư thừa để nói rõ pháp thể của Đồng giáo nhất thừa và lấy Dung bản mạt để làm sáng tỏ danh nghĩa của Đồng giáo nhất thừa. Dung bản mạt tức là danh nghĩa của Đồng giáo lấy Nhất thừa làm gốc (bản), lấy Tam thừa làm ngọn (mạt), rồi dung hợp Tam thừa với Nhất thừa. Sau đó lại mở ra hai môn: 1. Dẫn quyền qui thực môn………. (môn đưa tạm thời về chân thực), tức là đưa Tam thừa về Nhất thừa, là môn hướng thượng, nghĩa là từ Cơ hướng tới Pháp. 2. Lãm thực thành quyền môn (môn chuyển chân thực thành tạm thời) tức là chuyển Nhất thừa thành Tam thừa, là môn hướng hạ, nghĩa là từ Pháp hướng xuống Cơ. Đưa Quyền về Thực mà không phá hoại Quyền, bởi thế, Tam thừa tức là Nhất thừa, mà không trở ngại Tam thừa. Chuyển Thực thành Quyền mà không khác với Thực, cho nên Nhất thừa tức là Tam thừa, nhưng không ngăn ngại Nhất thừa. Như vậy, Nhất thừa và Tam thừa dung hợp, thể của chúng không hai, đây là nghĩa của Đồng giáo. Sự khác nhau giữa Dung bản mạt của Đồng giáo nhất thừa và Cai nhiếp môn của Biệt giáo nhất thừa là ở chỗ: Dung bản mạt của Đồng giáo nhất thừa thừa nhận bản mạt của Tam thừa và Nhất thừa tuy khác nhau, nhưng vẫn dung hợp. Còn Cai nhiếp môn của Biệt giáo nhất thừa thì không thừa nhận bản mạt của Tam thừa và Nhất thừa có khác nhau, mà coi tất cả pháp Tam thừa xưa nay vốn đều là pháp Nhất thừa. [X. Hoa nghiêm kinh Khổng mục chương Q.4; Hoa nghiêm kinh sưu huyền kí Q.1 phần trên; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1]. (xt. Đồng Biệt Nhị Giáo).