dụng

Phật Quang Đại Từ Điển


(用) Là tác dụng, công dụng, hoặc là mục đích, lí do v.v… Dụng có rất nhiều nghĩa, nhưng có thể thu gọn vào hai nghĩa sau: 1. Dụng. Phạm: Prayojana. Là mục đích lí do các sự chỉ dạy. Cùng với Sở thuyên (Phạm: Abhidheya), Tương thuộc (Phạm: sambandha) gọi chung là Tam sự (ba việc), là hiển bày đại cương của Luận thư. Các nhà chú giải Ấn độ, bắt đầu từ khoảng thế kỉ VI, VII, đã dùng Tam sự để biểu thị cương yếu của Luận thư. Trong đó, Dụng, chỉ cho mục đích hoặc mục tiêu trứ tác Luận thư; Sở thuyên, chỉ chủ đề của Luận thư; Tương thuộc thì biểu thị ý nghĩa của việc soạn thuật Luận thư. Chẳng hạn như bộ Trung luận chú của ngài Nguyệt xứng, thì duyên khởi Bát bất trong kệ qui kính là Sở thuyên, hí luận tịch tĩnh cát tường Niết bàn là Dụng, vì lòng từ bi cứu độ tất cả chúng sinh mà ngài Long thụ trứ tác Trung luận là Tương thuộc. Ngoài tam sự (Dụng, Sở thuyên, Tương thuộc) kể ở trên, còn có nhiều trường hợp thêm Dụng chi dụng (Phạm: Prayojansva prayojana, dụng của dụng) nữa mà thành Tứ sự (bốn việc). Nhưng trường hợp dùng Tứ sự để hiểu rõ đại cương của kinh luận thì ở vào thời kì tương đối muộn hơn, vì lúc ấy, phương thức chú thích đã nghiễm nhiên có đủ phong cách chỉnh lí hoàn bị và nghiêm túc. Dụng chi dụng là biểu thị mục dích chân chính của Luận thư, phần nhiều nói đến mục tiêu có tính chất tôn giáo của nó. Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp bàn về Dụng của các thuật ngữ và tư tưởng v.v… Chẳng hạn như về tính Không thì cùng nêu Dụng, Tướng (Phạm: Lakwaịa) và Nghĩa (Phạm: Artha) của nó. Như trong luận Bát nhã đăng của ngài Thanh biện thì Dụng của tính không là hí luận tịch diệt, Tướng của tính không là trí biết rõ chân như, còn nghĩa cũa tính không thì chỉ cho tướng chân thực. 2. Dụng. Là tác dụng, công năng. Đối lại với Thể. Là phạm trù lí luận của hệ thống triết học Phật giáo có tính chất tổ chức do các tông Hoa nghiêm, Thiên thai hoàn thành vào thời đại Tùy, Đường. Tam luận huyền nghĩa (Đại 45, 7 trung), nói: Chẳng chân chẳng tục gọi là Thể chính; chân đi với tục, gọi là Dụng chính. Cũng sách đã dẫn lại nói: Bát nhã và Phương tiện thực không có trước sau, nay nói có trước sau là vì lấy Bát nhã làm thể, lấy Phương tiện làm dụng. uận Đại trí độ cũng nói: như lấy vàng làm thể, làm thành các đồ trang sức đẹp đẽ là dụng. Cũng như ngài Lục tổ Tuệ năng nói định và tuệ là cùng một thể tính, chẳng phải hai: Định là thể của tuệ, tuệ là dụng của định. Tóm lại, thể phần nhiều chỉ cho thắng nghĩa, bản chất, tuyệt đối, tức là chỉ cho thế giới tĩnh chỉ, thế giới tuyệt đối; còn dụng thì biểu thị thế tục, tương đối, tức là thế giới hoạt động, thế giới tương đối. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa thể và dụng, trên căn bản, là tức thể tức dụng, nghĩa là đứng về phương diện tuyệt đối mà nói thì thể tức là dụng, dụng tức là thể, tính chất tức nhất, tương tức này đặc biệt được nhấn mạnh trong triết học Phật giáo.Thêm nữa, thể là chỉ cho tự thể của tất cả pháp hữu vi đều có, còn dụng thì chỉ cái tác dụng mà mỗi một tự thể có đầy đủ. Do đó, ba tướng sinh, trụ, diệt của pháp hữu vi cũng đều có thể của tự thể và dụng của tác dụng của nó. Trung quán luận sớ, Thập nhị môn luận sớ v.v… bàn về ba tướng hữu vi rất rõ. Còn luận Đại thừa khởi tín thì ngoài Thể, Dụng ra, lại thêm Tướng nữa mà thành là Tam đại (Thể đại, Dụng đại, Tướng đại). [X. luận Đại tì bà sa Q.39; luận Câu xá Q.5].