đức thanh

Phật Quang Đại Từ Điển

(德清) (1546 – 1623) Vị tăng ở đời Minh, người Toàn tiêu, Kim lăng (An huy), họ Thái, tự Trừng ấn, hiệu Hàm sơn. Năm 11 tuổi, sư đã lập chí xuất gia, năm sau sư đến chùa Báo ân theo ngài Tây lâm Vĩnh ninh học tập kinh điển và học thông cả Nho giáo, Đạo giáo. Năm 19 tuổi, sư đến yết kiến ngài Vân cốc Pháp hội ở núi Thê hà, nhân đọc bộ Trung phong quảng lục mới quyết chí tham thiền. Sư bèn trở lại chùa Báo ân y vào ngài Vô cực Minh tín xuất gia thụ giới Cụ túc. Nhân nghe giảng Hoa nghiêm huyền đàm, ngưỡng mộ đạo phong của ngài Thanh lương Trừng quán nên mới lấy tự là Trừng ấn. Năm Gia tĩnh 44 (1565), Sư lại tham yết ngài Pháp hội, được ngài trao cho công án Niệm Phật. Từ năm Long khánh thứ 5 (1571) về sư, sư vân du các nơi, tham học ở các trường giảng tại kinh thành, yết kiến hai ngài Biến dung và Tiếu nham. Niên hiệu Vạn lịch năm đầu (1573), Sư lên núi Ngũ đài, thấy phong cảnh Hàm sơn thanh tú kì vĩ mới dùng làm hiệu. Năm Vạn lịch thứ 9 (1581), sư cùng với ngài Phúc đăng thỉnh 500 vị Đại đức trong kinh thành lên mở hội Vô già trên núi Ngũ đài, Thái hậu cũng sai sứ đến cầu phúc cho Thái tử. Về sau, sư ở tại Lao sơn, Đông hải (Lao sơn, tỉnh Sơn đông), nổi tiếng một thời. Năm Vạn lịch 14 (1586), vua Thần tông đem 15 bộ Đại tạng kinh ban cho các chùa lớn trong nước trong đó có chùa Lao sơn. Đồng thời, Thái hậu làm chùa Hải ấn rồi thỉnh sư trụ trì. Năm Vạn lịch 23 (1595), vì tội tự ý sửa chùa Hải ấn, lại bị ghen ghét và vu cáo, nên Sư bị đày đến Lôi châu (Quảng đông). Năm Vạn lịch 28 (1600), theo lời mời của ngài Nam thiều Đạo chúc, Sư đến trụ ở Tào khê, năm sau Sư mở lại Tổ đình, chọn tăng thụ giới, mở trường học, nuôi sa di, thiết lập thanh qui, chấn hưng gia phong của Tổ. Năm Vạn lịch 42 (1614), trước khi chết, Thái hậu đã ban chiếu ân xá cho sư được mặc tăng phục trở lại. Từ đó, sư thường đi thuyết pháp hoằng hóa ở các nơi danh sơn thắng tích. Năm Vạn lịch 44 (1616), sư sáng lập Pháp vân thiền tự ở ngọn Ngũ nhũ tại Lô sơn, phỏng theo pháp hội của ngài Tuệ viễn, chuyên tu tịnh nghiệp. Năm Thiên khải thứ 2 (1622), sư lại nhận lời mời của quan Thái thú Thiều châu là Trương công về Tào khê lần nữa để hoằng pháp. Tháng 10 năm Thiên khải thứ 3 (1623) sư tịch, thọ 78 tuổi, thụy hiệu Hoằng Giác Thiền Sư. Người đời sau dựng tháp thờ sư ở sườn núi Thiên tử chùa Nam hoa và gọi sư là Hàm sơn đại sư. Tư tưởng của sư lúc sinh thời là dung hợp Thiền với Hoa nghiêm, đề xướng thuyết Thiền Tịnh vô biệt, tam giáo qui nhất (Thiền và Tịnh độ không khác nhau, Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo là một). Sư cùng với các ngài Châu hoành, Chân khả và Trí húc được gọi chung là bốn vị Đại cao tăng của Trung quốc ở cuối đời Minh. Đệ tử của sư có các vị: Phúc thiện, Thông quýnh. Các trước tác của sư gồm có: Hoa nghiêm cương yếu 80 quyển, Lăng nghiêm kinh thông nghị 10 quyển, Pháp hoa kinh thông nghĩa 7 quyển, Khởi tín luận trực giải, Viên giác kinh trực giải, Triệu luận lược chú, mỗi thứ 2 quyển, Duy thức luận giải, Tịnh độ hội ngữ, Trung dung trực chỉ, Xuân thu tả thị tâm pháp, Lão tử đạo đức kinh chú, Quan Lão Trang ảnh hưởng luận. Ngoài ra, còn có bộ Hàm sơn mộng du tập 55 quyển, Hàm sơn ngữ lục 20 quyển do đệ tử sư thu chép biên tập. [X. Tịnh độ thánh hiền lục Q.5; Cao tăng trích yếu Q.3; Chính nguyên lược tập Q.8; Tục kê cổ lược Q.3; Tục đăng tồn cảo Q.12].